Tiểu Mai, 4 tuổi (Trung Quốc) là một đứa trẻ ngoan ngoãn, biết nghe lời. Cô bé rất tin tưởng bố mẹ mình, tuy nhiên vài ngày trước, một câu chuyện xảy ra tại trường mẫu giáo khiến cô bé buồn phiền, mất niềm tin.
Chuyện là vào thứ 6 tuần trước, thay vì được mẹ đưa đi học như mọi ngày, Tiểu Mai được bố đưa đến. Trước khi tạm biệt con, bố của Tiểu Mai đã hứa: "Hôm nay là ngày cuối tuần nên chiều bố sẽ đến sớm đón con. Sau đó, chúng ta cùng nhau đi ăn kem rồi mới về nhà nhé!". Nghe vậy, Tiểu Mai đã rất hạnh phúc và háo hức. Cô bé đếm từng phút, từng giờ trôi qua để đến chiều được gặp bố.
Nhưng Tiểu Mai đợi mãi không thấy bố đến sớm như đã hứa. Thậm chí khi các bạn về gần hết, bố của cô bé vẫn chưa đến. Mãi đến khi trời sắp tối, bố Tiểu Mai mới đến cửa lớp, phân trần qua loa: "Hôm nay bố bận quá, để hôm khác bố đưa con đi ăn kem nhé!".
Đối với những đứa trẻ, bố mẹ là những người trẻ yêu thương, kính trọng nhất. Trước mọi lời nói của bố mẹ, trẻ đều tin tưởng tuyệt đối và dành sự kỳ vọng. Vì thế, nếu bố mẹ nói sai sự thật hay không thực hiện lời hứa sẽ khiến trẻ tổn thương tâm lý, nghiêm trọng hơn là hình thành tính cách và thói quen xấu.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều bố mẹ có kiểu suy nghĩ: "Con còn nhỏ nên không nhớ gì. Một lời hứa không thực hiện được cũng chẳng sao". Kiểu suy nghĩ này giống với cách nghĩ của bố Tiểu Mai khi thất hứa với con gái, vô tình khiến con mất đi sự tin tưởng.
Lời hứa của bố mẹ đối với con cái cần được thực hiện đúng, nếu không sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển của con.
Không ít bố mẹ để đạt được mục đích trước mắt liền hứa với con: "Con nín khóc đi, chiều mẹ sẽ mua đồ chơi cho", "Nếu con ăn hết chỗ cơm này, tối con sẽ được đi chơi", "Nếu con đạt điểm cao trong kỳ thi tới, con sẽ được đi du lịch vào kỳ nghỉ hè",… Tuy nhiên đó chỉ là những lời hứa suông bởi khi trẻ đạt được, bố mẹ không thực hiện hoặc cố tình làm ngơ. Khi bố mẹ không giữ lời hứa, trẻ vô cùng thất vọng và dần dần mất niềm tin.
Bố mẹ là người thầy đầu tiên của trẻ, cũng là người gần gũi trẻ nhất và tác động trực tiếp đến quá trình phát triển của trẻ. Nếu bố mẹ thường xuyên thất hứa sẽ vô tình khiến trẻ bắt chước, hình thành nên tính cách xấu. Một số trẻ khác có thể trở nên dè dặt, hoang mang, luôn sống trong sự hoài nghi, không dám tin tưởng ai.
Với hy vọng con sẽ chăm chỉ học tập, không ít bố mẹ treo giải thưởng cao: "Nếu con lọt vào top 3 của lớp, bố/mẹ sẽ mua cho con chiếc điện thoại di động đời mới",… Nhưng khi trẻ thật sự lọt top 3, bố mẹ lại không muốn thực hiện lời hứa và viện vô vàn lý do. Điều này không chỉ khiến trẻ cảm thấy bị lừa dối mà còn cho rằng bố mẹ đang bịa đặt, từ đó dẫn đến mất niềm tin. Nguy hiểm hơn, khi bố mẹ không thực hiện lời hứa, trẻ sẽ mất động lực tiến về phía trước, học tập và làm việc theo cách chống đối.
Nếu bố mẹ thường xuyên thất hứa, trẻ sẽ cho rằng những lời nói của bố mẹ chỉ là lời nói ngon ngọt, không có tính thực tế. Khi đó, lời nói của bố mẹ trở nên vô dụng, không thể răn đe được trẻ. Vì vậy, khi giáo dục trẻ, các bậc phụ huynh không nên tùy tiện hứa, một khi đã hứa thì nhất định phải thực hiện.
Lời hứa giống như con dao 2 lưỡi, có tác dụng động viên, khích lệ trẻ cố gắng phấn đấu. Nhưng nếu bố mẹ lợi dụng hay thực hiện sai cách sẽ gây phản tác dụng, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn