Một lần đến với trẻ em vùng xa

10:02 | 25/11/2016;
Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Môn Sơn, Mường Quạ. Tôi tham gia các hoạt động tại địa phương, được chị em hội viên trong xóm bầu làm Chi hội phó Chi hội phụ nữ Làng Càng, xã Môn Sơn (huyện Con Cuông, Nghệ An).

Địa bàn xã vùng biên chúng tôi, cách thị trấn khoảng 18km. Xa nhất, đặc biệt nhất phải nói đến là 2 bản Cò Phạt, Khe Búng. Đây là bản tộc người Đan Lai.

Tôi làm công tác Hội được một thời gian thì Hội phụ nữ xã với sự tài trợ của những nhà hảo tâm, mà chủ yếu là công ty Nam Việt, đến với trẻ em Cò Phạt.

Đoàn chúng tôi dẫn đầu là chị Chủ tịch Hội LHPN xã. Vượt một chặng đường dài bằng chiếc xe “móc kéo”, loại xe chuyên dụng chở hàng, chở gỗ củi ở vùng núi cao hiểm trở, một số chị em thì dũng cảm chạy xe máy từ trung tâm xã vào bản. Trên xe chúng tôi chất đủ cặp sách, bút mực cho các em nhỏ và lương thực thực phẩm của đoàn. Đi qua những đoạn đường đất rừng sỏi đá, những đoạn đường gấp khúc hiểm trở nối nhau liên tiếp, có những lần thót tim khi ngồi trên xe nhìn xuống. Để đến được Cò Phạt, chúng tôi phải đi qua trên 5 con dốc, mà cao nhất, dài nhất, nguy hiểm nhất có lẽ phải nói đến dốc Phù Có. Con dốc này giống như 2 cạnh của 1 tam giác vậy. Chiếc xe vừa lên đỉnh dốc thì phải phanh ngay lại. sợ không may trượt phanh lao xuống vực. Hai người lái xe phải nói là dân thổ địa nơi đây, xử lý nhanh nhẹn những tình huống khó khăn nhất. Sợ nhất là những lúc xe dừng lấy đà, tôi cảm giác như nó đang lùi lại phía sau từng chút, từng chút một. Bên phải, bên trái xe đều là những vực thẳm nguy hiểm. Không dám nói ra nhưng trong lòng tôi lúc đó luôn chắp tay niệm Phật phù hộ đi đến nơi về đến chốn.

Và kia là những mẹ, những cô gái Đan Lai đi hái măng. Những động tác nhanh nhẹn, khỏe khoắn và làn da đen đậm đà không trộn lẫn với bất kỳ một dân tộc nào khác. Trước mặt chúng tôi là bản Cò Phạt rồi. Những cánh tay chào, những nụ cười tươi rói của bà con và các em nhỏ trong bản. Bao khó khăn mệt mỏi biến mất sau những gương mặt ngây thơ đầy mong chờ. Trong bản, người có uy tín nhất được bầu làm Bí thư chi bộ - ông La Văn Tâm. Chuyện vui, chuyện buồn, chuyện người già, trẻ nhỏ việc gì cũng đến tay ông. Vào trong hội trường rất nhiều em nhỏ đã ngồi đợi sẵn. Không ai bảo ai, mỗi người một việc như đã phân công, người bóc bánh kẹo, người xếp sách vở, bút cặp chuẩn bị trao cho các cháu. Cô Giang, cô Bảy là giáo viên cắm bản lẻ của trường tiểu học 3 cũng giúp đỡ chị em chúng tôi. Một nhóm khác được phân công khâu hậu cần. Đâu vào đó, tôi chủ động bắt nhịp những bài hát tập thể quen thuộc cho các em. Tội nghiệp lắm những gương mặt ngây thơ lem luốc, cái đói, cái nghèo làm các em chịu thiệt thòi đủ đường, thân hình loắt choắt, đen xạm. Đứa lớp 5 mà như lớp 1. Từng tốp, từng tốp được nhận quà, niềm vui và hạnh phúc hiện rõ trên gương mặt bọn trẻ.

 Đường lên Cò Phạt hiểm trở

Sau phần trao quà, ông La Văn Tâm lên cảm ơn đoàn đã chia sẻ với con em của bản nhằm giảm đi phần nào những khó khăn trên con đường đến trường của con em nơi đây. Bác Tâm cũng tâm sự rất thật về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết của bà con nơi đây. Những bé gái, bé trai mới chỉ 12-13 tuổi đã trở thành những ông bố, bà mẹ trẻ. Cuộc sống cứ xoay vòng luẩn quẩn trong cái đói cái nghèo, trong đầu làng, cuối xóm.

Đến trưa, chúng tôi dùng cơm tại trạm đồn biên phòng Môn Sơn. Những món ăn của núi rừng Cò Phạt với rau dún và măng nứa luộc. Niềm vui hiện hiện trên gương mặt của nhiều chị em khi làm được một việc ý nghĩa.

Vừa ăn vừa trò chuyện với mấy anh bộ đội. Xa vợ xa con là thế nhưng các anh luôn vững niềm tin vì nhiệm vụ lớn lao được giao phó. Có anh ở huyện Thanh Chương thủ thỉ với chúng tôi: “Đời lính vất vả lắm, làm vợ lính càng thiệt thòi, thay chồng gánh hết trách nhiệm chăm lo con cái, đối nội, đối ngoại. Bọn mình yên tâm vì đều có hậu phương vững chắc”.

Chia tay Cò Phạt, đường về nhà cảm giác như nhanh hơn, bớt khó khăn hơn. Cuộc sống lại trở về quỹ đạo vốn có sau 1 ngày dài đầy trải nghiệm. Cảm ơn cuộc sống đã cho tôi những kỷ niệm đẹp về Cò Phạt - Môn Sơn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn