Một lần đưa con đi vệ sinh, mẹ 'hãi đến già'

10:23 | 17/02/2017;
'Mỗi lần con ra ngoài chơi mà muốn đi vệ sinh, tôi thường khuyên con nhịn. Nếu không thì sẽ cho con tè vào chai, vì nếu đưa vào nhà vệ sinh thì sợ lắm. Bởi chỉ trải qua 1 lần, tôi có khi hãi đến già”, chị Thu chia sẻ.
Từ khi Hà Nội mở phố đi bộ vào các ngày cuối tuần, khoảng 2 tuần, chị Trịnh Thị Thu (quận Hoàng Mai) lại đưa con đi chơi. Chị bảo, đến phố đi bộ, con sẽ thoải mái vui chơi mà không sợ xe cộ. Không những thế, bé còn có cơ hội học thêm nhiều điều bổ ích từ các trò chơi dân gian hoặc quan sát các nghệ nhân chơi đàn, học vẽ.
pho-di-bo1.jpg
Phố đi bộ là điểm đến của đông đảo người dân Hà Nội và du khách vào cuối tuần. Ảnh minh họa: Trí thức trẻ 
Thế nhưng, điều chị lo lắng nhất là tình trạng quá tải tại các nhà vệ sinh công cộng, do lượng người đổ về đây quá đông. Trong khi đó, quanh Hồ Gươm chỉ có 6 nhà vệ sinh công cộng. Còn tại các tuyến đường khác như phố Hàng Đào, Hàng Bạc, Cầu Gỗ, Tạ Hiện… mỏi mắt cũng không thấy bóng nhà vệ sinh công cộng nào. 

"Vì vậy, nếu con có nhu cầu đi vệ sinh, tôi đành khuyên con cố nhịn. Tuy nhiên, do con còn nhỏ nên không phải lúc nào cũng theo ý mẹ. Tôi đành thủ sẵn vỏ chai nước hoặc túi nylon để đáp ứng nhu cầu vệ sinh của con trai và con gái mình", chị Thu chia sẻ.
mc-vs.jpg
Chị Thu đưa các con đi chơi
Chị Thu kể tiếp: "Tuần trước, tôi đưa con đến phố đi bộ dạo một vòng.Hơn 10 giờ đêm, chúng tôi ở khu phố Đinh Lễ để chơi và mua sắm. Lúc này, người rất đông, đi phải chen nhau. Đúng lúc ấy, bé nhà tôi kêu mót tiểu. Tôi quan sát quanh đó, chẳng thấy nhà vệ sinh nào nên bảo con cố nhịn. Nhưng chỉ được vài phút sau, bé lại đòi đi tiểu. Không thể cho bé tiểu ở đường được vì 2 bên đều là quán bán hàng, tôi bèn dẫn con lách theo dòng người quay ra phía Hồ Gươm. Sau chừng 10 phút, mẹ con tôi cũng thoát khỏi đám đông tìm ra phố Hàng Khay. Bởi tôi nhớ đầu khu phố này có 1 tấm biển chỉ nhà vệ sinh công cộng. Sau một hồi căng mắt, tôi cũng tìm thấy tấm biển chỉ dẫn, trước ngõ 29 Hàng Khay. Tuy nhiên, dòng chữ thì bé tí ti, lại treo trên cây khá cao nên hơi khó nhìn.
20160903134533-2.jpg
Nhà VSCC ở số 8 Lê Thái Tổ. Ảnh minh họa: VNN
Theo chỉ dẫn, tôi dẫn con vào ngõ 29 Hàng Khay. Ngõ rộng chừng 1m, hai xe máy tránh nhau còn khó. Đường vào nhà vệ sinh sâu hun hút nhưng lại đóng cửa vì chỉ hoạt động đến 22h. Nhìn đồng hồ lúc ấy là 22h15, tôi lại phải dẫn con quay về nhà vệ sinh ở phố Lý Thái Tổ". 

"Nhiều lúc cũng muốn cho con đứng ở gốc cây tè để cháu đỡ khó chịu nhưng phố đông người và làm vậy mất vệ sinh, mất mỹ quan lắm. Hơn nữa, tôi cũng muốn con có ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng từ bé nên phải đưa cháu đến nhà vệ sinh”, chị Thu chia sẻ thêm.
 

Thế nhưng, khi chị Thu dẫn con đến nhà vệ sinh trên phố Lý Thái Tổ thì người xếp thành 2 hàng dài. Sau một hồi chờ đợi, cùng với nộp phí 3.000 đồng, chị cũng đưa được con vào nhà vệ sinh. Do quá nhiều người đi vệ sinh, lại vào liên tục nên nhân công dù có cũng không thể lau dọn kịp. Sàn bẩn nhơ nhớp, thiết bị trong phòng ố màu, vàng khè, bám đầy cặn bẩn. Vừa tè, bé vừa bịt mũi kêu “khai quá mẹ ơi!”.
20160903134533-1.jpg
 6 nhà vệ sinh công cộng xung quanh hồ Gươm được UBND quận Hoàn Kiếm nêu rõ trong tờ hướng dẫn khách du lịch. Ảnh minh họa: VNN
Chị Nguyễn Thị Ngọc (quận Ba Đình) kể, chị từng 1 lần đưa con vào nhà vệ sinh công cộng và nhìn thấy cảnh mất vệ sinh nên hãi đến già: Thiết bị vệ sinh vàng ố, bám cặn, sàn nhà ẩm thấp, thùng đựng giấy thì đầy giấy bẩn chưa dọn, thậm chí có cả băng vệ sinh nữ vừa sử dụng nằm chềnh ềnh trong đó. Nhưng hãi nhất là bồn cầu, ngoài bẩn thì người trước đi đại tiện xong còn không dội nước… Chị phải xả nước rồi bịt mũi cho con đi vệ sinh. Sau lần đó, mỗi khi nhắc tới nhà vệ sinh công cộng, chị Ngọc lại rùng mình. 

Vì vậy, mỗi khi đưa con đi chơi, chị đều mang theo vỏ chai nước. Nếu bé đòi đi tè, chị sẽ để con tè vào vỏ chai rồi sau đó bỏ vào thùng rác. Còn nếu bé muốn "đi nặng" thì chị sẽ ghé vào quán cà phê, kêu đồ uống rồi cho con "giải quyết" vấn đề. Chị Ngọc quan niệm: "Thà tốn kém thêm một chút nhưng con được đi vệ sinh ở chỗ sạch sẽ thì vẫn hơn".

“Nhà vệ sinh cộng cộng không đảm bảo, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con, là nơi dễ lây nhiễm vi khuẩn gây bệnh. Hơn nữa, nếu vì nhà vệ sinh quá bẩn, bé không dám đi vệ sinh hay “nhịn” thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Trong điều kiện hiện nay ở Hà Nội, mình phải có cách để bảo vệ sức khỏe của con thôi”, chị Ngọc chia sẻ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn