31 nô lệ ở tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc) chỉ được ăn bánh mì và uống nước lã |
Phirun, 26 tuổi, sống trong một làng nhỏ gần thành phố Siem Reap ở miền Bắc Camphuchia. Một hôm, có một gã đàn ông từ Thái Lan đến hứa hẹn sẽ môi giới cho anh vào làm trong một nhà máy đồ hộp lương 500 Bath một ngày. Đối với một người thi thoảng mới kiếm được việc với đồng lương chết đói từ vài năm nay như Phirun thì đây là một lời chào mời rất hấp dẫn.
Đầu năm 2014, Phirun được đưa qua biên giới. Nhưng ở Thái Lan anh không được vào làm trong nhà máy đồ hộp mà bị bọn buôn người bán cho một chủ tàu đánh cá với giá tương đương gần 8 triệu đồng. “Người ta nói tôi phải làm việc 2 tháng không lương”, Phirun kể. Nhưng sau đó anh vẫn không được trả lương. Trên tàu cá anh và những người khác luôn bị đánh đập và mỗi ngày phải làm việc 15 giờ, mỗi tuần 7 ngày.
Phirun bị làm nô lệ 9 tháng trên một tàu cá Thái Lan. “Chúng tôi không cập bến, thỉnh thoảng có một tàu khác đến mang thực phẩm và nhân công mới. Gã thuyền trưởng chỉ cho chúng tôi ăn đồ thừa và uống nước cầm hơi”, Phirun cho biết.
Ngành công nghiệp cá Thái Lan là một ngành kinh tế quan trọng. Thái Lan đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu cá và hải sản. Để tăng sức cạnh tranh các chủ tàu cá Thái Lan trả lương rất thấp hoặc mua nô lệ đưa lên tàu. Gần như tất cả công nhân trên tàu đều là người Camphuchia hoặc Burma.
Một lần, chiếc tàu cá chạy gần một bờ biển. Lúc đó là ban đêm, Phirun nhìn thấy ánh sáng trên bờ. Anh biết rằng, có lẽ phải chịu khổ cực trên tàu đến chết. Nghĩ vậy, Phirun nhảy xuống biển và dồn chút lực tàn bơi vào bờ. Sau này anh mới biết, đêm đó tàu chạy trong vịnh Thái Lan gần Chumphon.
“Một số nhân viên khách sạn thấy tôi nằm trên bờ. Tôi van xin họ, đừng nộp tôi cho cảnh sát, vì nếu thế tôi sẽ lại bị bán tiếp cho bọn buôn người”, Phirun kể. May mắn, Phirun đã nhận được sự giúp đỡ. Từ đó anh làm việc trong một khách sạn, không có giấy tờ, không có bảo hiểm xã hội nhưng dù sao, Phirun không còn là một nô lệ nữa.
Ở Ấn Độ có rất nhiều trẻ em nô lệ làm việc trong các mỏ đá |
Hiện nay, trên thế giới có khoảng 36 triệu người sống trong cảnh nô lệ. “Hiện tượng nô lệ xuất hiện trên hầu hết các nước”, Kevin Bales, giáo sư Đại học Hull (Anh), một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về vấn đề nộ lệ, cho hay. Theo ông, tại các quốc gia công nghiệp phương Tây cũng có nô lệ làm việc trong lầu xanh, nhà máy và trong gia đình những kẻ giàu có.
Giáo sư Bales là thành viên tổ chức nhân quyền “Walk Free Foundation” hoạt động chống lại tình trạng nô lệ và là tác giả chính của “Global Slavery Index”, một bản báo cáo về vấn đề nô lệ trên toàn cầu được công bố lần đầu tiên năm 2013. Giữa tháng 11/2014, bản báo cáo thứ hai được công bố.
Các số liệu cho thấy, tình trạng nô lệ thời hiện đại đã gia tăng. Người Ấn Độ bị lừa sang Malaysia làm cho công ty dầu mỏ nhưng sang đến nơi bị bán cho các nhà máy. Tại Anh, số lượng nô lệ gia tăng và được bán với giá có khi chỉ là 200 bảng (khoảng 6,5 triệu đồng Việt Nam) cho các chủ trang trại, nhà máy hoặc nhà thổ. Từ Ấn Độ, Bangladesch và Pakistan, hàng chục ngàn người làm việc như nô lệ trên các công trường xây dựng ở các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh.
Theo tổ chức nhân quyền “Global Slavery Index”, nếu tính số lượng tuyệt đối thì hiện nay vùng Nam Á có đông nô lệ nhất, ở Ấn Độ 14,2 triệu, Trung Quốc 3,2 triệu, Pakistan 2 triệu, Usbekistan 1,2 triệu.
Tuy nhiên, nếu tính tỷ lệ nô lệ theo dân số thì đứng đầu là Mauretanie (một nước ở Tây Phi) với khoảng 155.000 nô lệ trên tổng dân số 3,9 triệu người. Bên cạnh đói nghèo thì đẳng cấp xã hội theo truyền thống và các cuộc xung đột vũ trang ở đây là những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nô lệ cao nhất thế giới của đất nước này. Tầng lớp cao hơn trong xã hội dùng những người có màu da đen sẫm hơn thuộc chủng tộc Haratin làm nô lệ. Họ và con cái họ được giữ trong nhà, trong trang trại như những tài sản riêng. Họ phải làm việc trong nhà, ngoài đồng ruộng hoặc ở thành phố phải đi ăn xin để mang tiền về cho chủ.
Usbekistan xếp thứ hai trong bảng xếp hạng mới nhất của “Global Slavery Index” với 1,2 triệu nô lệ trên 30,2 triệu dân. Phần lớn số nô lệ, trong đó có nhiều trẻ em, làm việc trong ngành sản xuất sợi bông. Còn Haiti có 237.700 nô lệ trên khoảng 10 triệu dân. Nô lệ là trẻ em nông thôn bị bán ra làm kẻ hầu, người hạ trong các gia đình giàu có ở thành phố. Nô lệ người lớn làm việc trong nông nghiệp và cho các chủ chứa.
Cậu bé nô lệ 7 tuổi đang làm việc trong một lò gạch ở Tây Pakistan |
Tình trạng pháp luật không được thực thi và tình trạng đói nghèo làm cho 2 triệu người ở Pakistan trở thành nô lệ trên tổng số 180 triệu dân. Nô lệ ở Pakistan làm việc hầu như trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, từ nhà riêng, nhà máy, ngoài đồng ruộng, đến các lò gạch. Những nộ lệ tàn tật được dùng làm nô lệ ăn xin kiếm tiền cho chủ. Một trong những nguyên nhân chính làm “nô lệ hóa” con người là nợ nần. Theo tính toán của ngân hàng phát triển châu Á (ADB) thì khoảng 1,8 triệu người bị biến thành nô lệ chỉ vì nợ nần.
Theo giáo sư Bales, dùng tiền để mua lại tự do cho những người bị nô lệ hóa vì thiếu tiền không phải là giải pháp đúng đắn, vì làm vậy “như mua lại chiếc tivi bị mất trộm từ tay kẻ trộm vậy”, ông nói. Theo ông, để giải quyết tình trạng tồi tệ này, cần phải thực thi các hành động chống đói nghèo, tạo điệu kiện cho mọi người học hành và tăng cường hiệu quả pháp luật để trừng trị bọn buôn người.
Trở lại câu chuyện của nạn nhân Phirun, bản thân anh từng bị nợ nần ở Camphuchia trước khi rơi vào tay bọn buôn người. Anh đã nhanh chóng nhận ra là có làm suốt đời cũng không thể trả hết nợ. Cho đến nay anh vẫn sợ gã thuyền trưởng tàu cá hoặc bọn đưa người vượt biên sẽ tìm ra anh. Nếu rơi vào tay cảnh sát Thái Lan, số phận của anh cũng sẽ không tốt đẹp hơn, vì anh có thể sẽ lại bị bán tiếp đi lần nữa. Đó là ác mộng lớn nhất trong đời người đàn ông này.
Theo Liên hợp quốc, ở châu Phi, 68% nô lệ là trẻ em. Tỉ lệ này ở châu Âu và Trung Á là 18%. Phụ nữ chiếm một nửa số nô lệ toàn cầu. |