Người đàn ông Uruguay này đã có những chia sẻ với PNVN về cảm nhận của ông trong thời gian sống tại Việt Nam.
+ Điều gì ở Hà Nội đã khiến ông gắn bó với mảnh đất này tới vậy, thưa ông Martin Rama?
Năm 1998, ngay lần đầu tiên đến Hà Nội, tôi đã yêu mến mảnh đất này. Thú thật, trước khi đặt chân tới đây, tôi đã nghĩ mình sẽ nhìn thấy một thành phố bị tàn phá nặng nề sau nhiều thập kỷ chiến tranh, với những người dân phẫn nộ. Thế nhưng thứ tôi bắt gặp lại là một thành phố đang phát triển và hoàn toàn quyến rũ, con người ấm áp, lạc quan, luôn mong muốn thịnh vượng, có một cuộc sống tốt hơn cho con cái họ. Kể từ đó, 25 năm đã trôi qua, sự gắn bó của tôi với thành phố chưa bao giờ nguôi ngoai. "Nàng" (cách Martin Rama gọi thành phố Hà Nội - PV) đông hơn và ồn ào hơn nhưng "nàng" vẫn tuyệt đối ấm áp quyến rũ. "Nàng" có sự đặc sắc trong kiến trúc với sự giao thoa gần như độc đáo giữa các phong cách truyền thống. Những hồ nước, những con đường rợp bóng cây thật quyến rũ. Bên cạnh đó, cách mà cư dân ở đây giao lưu, ăn uống và buôn bán chủ yếu trên vỉa hè đông đúc đã khiến Hà Nội trở nên sinh động lạ thường…
+ Có thể thấy, ông có những đánh giá rất riêng với "văn hóa vỉa hè" của Hà Nội?
Tôi nghĩ một phần sự quyến rũ của Hà Nội đến từ vỉa hè. Nhiều tương tác xã hội diễn ra trên vỉa hè Hà Nội hơn so với các thành phố khác trên thế giới. Những người bán hàng rong vào buổi sáng, các tiệm sửa chữa ban ngày, những quán ăn và địa điểm tán gẫu mỗi đêm. Không chỉ du khách mới thích không khí sôi động này, với bản thân người Hà Nội, vỉa hè cũng là điểm đến tự nhiên như khi ta đi chợ, chạy việc vặt hay gặp gỡ bạn bè, người thân.
+ Nhiều năm nay, ông trăn trở với việc bảo tồn di sản tại thủ đô Hà Nội. Ông có thể cho biết những đóng góp của mình đối với việc giữ gìn những vẻ đẹp truyền thống nơi đây?
Đóng góp của tôi rất khiêm tốn. Rất nhiều người (kiến trúc sư, trí thức, họa sĩ) đang chung tay bảo tồn di sản Việt Nam theo những cách khác nhau. Là một nhà kinh tế, tôi nghiên cứu về sự phát triển của Hà Nội và chia sẻ cách tiếp cận cũng như phát hiện của mình với các chuyên gia khác. Với tư cách là một trí thức, với sự giúp đỡ của các nhà báo, tôi vận động bảo tồn khi di sản có giá trị đang gặp nguy cơ. Và với tư cách là một cư dân của thành phố, tôi sử dụng nguồn lực của chính mình để giải cứu những di sản có giá trị, chẳng hạn như việc "giải cứu" bức tranh cổ động cuối cùng hoặc để khám phá các mô hình đô thị sáng tạo, như việc cải tạo căn hộ tập thể tôi đang sống.
+ Ông từng đề cập đến 4 yếu tố nhằm bảo vệ di sản và phát triển đô thị ở Hà Nội: quy hoạch, mục tiêu sử dụng đất, quy chế và khuyến khích. Theo ông, trong những yếu tố trên, yếu tố nào có tầm quan trọng nhất?
Tất cả 4 yếu tố đều cần thiết để đảm bảo rằng phát triển đô thị không xung đột với việc bảo tồn di sản. Thế nhưng, để những chính sách đúng đắn được thông qua, cần phải có sự đồng thuận của xã hội về những việc cần làm. Từ quan điểm đó, tôi cho rằng yếu tố quan trọng nhất, làm nền tảng cho những thứ bạn đề cập trong câu hỏi của mình - đó chính là nhận thức của người dân về giá trị di sản Hà Nội. Khi hiểu được điều gì khiến Hà Nội trở nên độc đáo và những gì có thể làm để bảo vệ sự độc đáo đó khi thành phố phát triển, chúng ta sẽ hành động đúng.
+ Cảm ơn những chia sẻ của ông!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn