-Sự quan tâm tới Sài Gòn của anh, 1 người quê Quảng Nam, hẳn là từ những kỷ niệm vẫn còn chưa quá xa...
Nhớ lại quãng thời gian mới vào Đại học, bằng chiếc xe đạp cà tàng mượn của bạn bè trong lớp, tôi rong ruổi khắp nơi. Ban đầu, bất ngờ khi đến ngôi chùa Một Cột nằm ở quận Thủ Đức, mà bao lâu cứ ngỡ chỉ có ở thủ đô, rồi ngang qua Nhà thờ Đức Bà, nhìn vội vào Bưu điện TP.HCM…, Sài Gòn cuốn hút không chỉ bởi lối kiến trúc quá đẹp, mà đằng sau đó quá nhiều câu chuyện lý thú. Cái độc đáo nhất là từng con hẻm, từng góc phố hay hàng cây đơn sơ…nhiều khi ta vội vàng lướt qua hàng ngày nhưng chính những chúng lại làm nên tầm vóc cho Sài Gòn, khiến ai đã từng rời xa mảnh đất này đều quay quắt nhớ về...
Cũng như bao người con tha hương đến mưu sinh ở vùng đất phương Nam, Sài Gòn luôn có sức hấp dẫn đặc biệt. Vì vậy tôi mới có Loanh quanh Sài Gòn, góp nhặt "vốn liếng" trong vòng hơn 6 năm gắn bó, với bao buồn vui, trăn trở…
- Một Sài Gòn phồn hoa, mà vẫn có rất nhiều điều của ký ức và di sản. Vì sao anh lại để tâm tới "chiều sâu" đến vậy?
Cuộc sống bon chen mưu sinh "cơm áo gạo tiền" khiến chúng ta bỏ rơi khá nhiều điều. Sự quan tâm đến ký ức, di sản, truyền thống…liệu có còn không, khi phía trước đầy nỗi lo toan. Đến Bảo tàng Lịch sử TPHCM, Bảo tàng TPHCM, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh…ngoài số du khách thập phương thì số lượng người dân đang sinh sống ở thành phố này vào xem chắc chắn không nhiều.
Trong khi đó, Sài Gòn còn đó rất nhiều câu chuyện di tích, mộ cổ, đình chùa kể mãi vẫn không hết. Nếu có thời gian, hãy thử làm chuyến ngược dòng lịch sử, mọi người sẽ phát hiện ra nhiều công trình kiến trúc xưa, hiện vật quý …tưởng chừng đã lãng quên theo thời gian vẫn đang mỗi ngày song hành với thực tại. Chỉ cần bước ra khỏi trung tâm, cách thành phố chỉ vài chục cây số vẫn còn cả một khu vực mộ cổ hay ngay tại Quận 1 vẫn còn Tòa nhà có tên gọi "La Sainte Enfance" - công trình do người Việt Nam tự thiết kế, tự thi công từ năm 1862, như niềm tự hào cho tài và trí của người Việt xưa.
- Và cảnh trí Sài Gòn thân thuộc cũng vì tính cách của con người vùng đất Nam bộ nữa, phải không?
"Đất lành chim đậu". Mảnh đất nghĩa tình phương Nam đầy nắng gió và phóng khoáng này là nơi hội tụ của nhiều người tứ xứ chọn đến lập nghiệp. Sau này khi càng gắn bó với mảnh đất này, tôi thấy tình người Sài Gòn luôn đầy ắp sự quan tâm và chia sẻ lẫn nhau. Có lẽ chính sự tha hương của những người cùng xa xứ nên tình cảm dễ gắn kết. Chưa thân thiết thì lạnh lùng nhưng quen rồi thì "thương nhau không hết".
-Đã có nhiều cuốn sách viết về Sài Gòn, anh tiếp cận với góc nào của thành phố này để gần gụi với bạn đọc hơn?
Cùng với những cây đa cây đề trước đây: Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Nguyễn Đình Đầu, An Chi, Lê Nguyễn… cùng thế hệ tiếp bước rất thành công như: Lê Văn Nghĩa, Lê Minh Quốc, Phạm Công Luận…, thì tôi chỉ là một "tân binh" mới thử sức mình trong lĩnh vực rất yêu thích. Bởi tôi viết với tư cách nhà báo nên có lẽ nội dung trong sách ít tính học thuật hơn mà sa đà vào các câu chuyện "thâm cung bí sử". Góc nhìn của tôi cũng chỉ bó hẹp trong hai chữ "loanh quanh" như tựa của tập sách, hình như chỉ rong ruổi, ngắm nghía "thấy gì nói nấy". Điều này cũng bớt áp lực cho người vốn chưa nhiều kiến thức về Sài Gòn, cần phải học hỏi thêm ở các tên tuổi đi trước.
Mong rằng, cuốn sách mới phát hành của tôi sẽ được nhiều bạn đọc yêu thích, để tôi có cơ hội được trao gửi chút yêu thương về vùng đất nặng nghĩa ân tình đã cưu mang tôi suốt cả năm tháng tuổi thanh xuân đầy khó nhọc để hôm nay trưởng thành…
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn