- Thủ tục kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước
Nghị định 11/2020/NĐ-CP ban hành ngày 20/01/2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 16/03/2020.
Nghị định này quy định về thủ tục hành chính (TTHC) thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước, bao gồm: TTHC thuộc lĩnh vực thu và hoàn trả các khoản thu ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước; TTHC thuộc lĩnh vực kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước (không bao gồm phần vốn nhà nước tham gia trong dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư - PPP); TTHC thuộc lĩnh vực đăng ký và sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước; nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thực hiện TTHC thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước.
- Bãi bỏ 3 văn bản về Quỹ bảo trì đường bộ
Có hiệu lực từ ngày 1/3/2020, Nghị định 09/2020/NĐ-CP ban hành ngày 13/01/2020 bãi bỏ 3 văn bản quy phạm pháp luật về Quỹ bảo trì đường bộ gồm:
1- Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ.
2- Nghị định số 56/2014/NĐ-CP ngày 30/5/2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ.
3- Nghị định số 28/2016/NĐ-CP ngày 20/4/2016 của Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị định số 56/2014/NĐ-CP ngày 30/5/2014 và Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ.
- Hướng dẫn chi tiết về thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi
Nghị định 13/2020/NĐ-CP ban hành ngày 21/1/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi, trong đó quy định cụ thể về thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi có hiệu lực thi hành từ ngày 05/03/2020.
- Trợ cấp nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên
Nghị định số 14/2020/NĐ-CP ban hành ngày 24/01/2020 của Chính phủ quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu có hiệu lực thi hành từ ngày 15/03/2020.
Nhà giáo đã nghỉ hưu được hưởng chế độ trợ cấp khi có đủ các điều kiện: Trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành và tham gia đóng BHXH từ 5 năm (đủ 60 tháng) trở lên; nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1994 đến 31/5/2011; đang hưởng lương hưu tại thời điểm ngày 1/1/2012. Trường hợp bị tạm dừng hưởng lương hưu theo quy định của Luật BHXH thì được hưởng trợ cấp sau khi được hưởng lại lương hưu.
- Điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam
Nghị định 16/2020/NĐ-CP ban hành ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam có hiệu lực từ ngày 20/03/2020.
Trong đó, Nghị định quy định một số điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam gồm:
1- Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam là khả năng nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Việt phù hợp với môi trường sống và làm việc của người xin nhập quốc tịch Việt Nam.
2- Người xin nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam phải là người đang thường trú tại Việt Nam và đã được Cơ quan công an có thẩm quyền của Việt Nam cấp Thẻ thường trú.
Thời gian thường trú tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được tính từ ngày người đó được cấp Thẻ thường trú.
3- Khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được chứng minh bằng tài sản, nguồn thu nhập hợp pháp của người đó hoặc sự bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.
- Tạm dừng giấy phép kinh doanh với doanh nghiệp nhập khẩu ô tô có bản đồ vi phạm chủ quyền
Có hiệu lực thi hành từ ngày 22/03/2020 , Nghị định 17/2020/NĐ-CP ban hành ngày 05/02/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116/2017/NĐ-CP ngày 17/10/2017 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bão dưỡng ô tô.
Trong đó, Nghị định bổ sung quy định tạm dừng hiệu lực, thu hồi Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô đã cấp cho doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu và tạm nhập ô tô có phần mềm thiết bị định vị chứa bản đồ vi phạm chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
Nghị định 19/2020/NĐ-CP ban hành ngày 12/02/2020 của Chính phủ kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành từ ngày 31/03/2020.
Nghị định này quy định về kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật người có thẩm quyền, trách nhiệm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Mục đích kiểm tra nhằm xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; động viên, khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; phát hiện những hạn chế, vướng mắc, bất cập, sai sót, vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để kịp thời chấn chỉnh, xử lý, khắc phục.
Bên cạnh đó, phòng, chống, ngăn chặn các vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc tổ chức thực hiện, áp dụng pháp luật nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn