Trước khi điều trị bằng thuốc chống ung thư (TCUT), bệnh nhân nên được sàng lọc xem có bị nhiễm virus viêm gan B hay không. Vì TCUT có thể gây ức chế miễn dịch/tuỷ xương dẫn đến nguy cơ bùng phát viêm gan do virus. Nếu xét nghiệm cho kết quả dương tính, hãy hỏi lời khuyên từ bác sĩ chuyên khoa vì điều trị phòng ngừa có thể là cần thiết. Theo dõi biểu hiện bệnh cũng như xét nghiệm liên quan đến viêm gan B trong khi dùng TCUT và cho đến 12 tháng sau khi kết thúc điều trị bằng TCUT.
Nên kiểm tra xem trong cơ thể có những ổ nhiễm trùng nào khác hay không, vì TCUT có thể làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể và tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm (lao, sâu răng,…).
Các đáp ứng miễn dịch với vắc-xin có thể không đầy đủ trong khi đang điều trị với các TCUT ức chế miễn dịch-tủy xương. KHÔNG NÊN TIÊM những vắc-xin có vi sinh vật sống giảm độc lực (live vaccine như vaccine sởi, thủy đậu,…) vì chúng có thể làm bệnh bùng phát. Nên có lời khuyên của chuyên gia về thời điểm chích ngừa/tiêm chủng thích hợp.
Mặc dù một số TCUT có liên quan đến nguy cơ vô sinh nhưng cần đảm bảo việc ngừa thai trong thời gian sử dụng thuốc và cho đến 3-6 tháng sau khi kết thúc dùng thuốc. Lời khuyên này cũng áp dụng cho phụ nữ có bạn tình là nam giới mắc bệnh phải dùng TCUT. Thời gian sử dụng các biện pháp tránh thai ngắn hay dài là tùy vào loại thuốc cụ thể và khả năng ảnh hưởng trên bào thai của thuốc. Bạn có thể cần hỏi thêm lời khuyên từ chuyên gia đáng tin cậy về vấn đề này.
Các biện pháp tránh thai có thể phải tiếp tục sau khi điều trị, cho đến khi nguy cơ tái phát giảm hẳn.
Việc dùng TCUT cho phụ nữ đang mang thai cần phải thận trọng và cân nhắc lợi ích và nguy cơ một cách toàn diện.
Nhiều TCUT gây quái thai ở thử nghiệm trên động vật. Vì dữ liệu trên người còn hạn chế và các TCUT thường dùng phối hợp một vài loại thuốc nên nguy cơ gây quái thai trên con người vẫn chưa rõ ràng. Nên tìm thêm thông tin từ các chuyên gia.
Các bác sĩ thường tránh dùng TCUT ở giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ (<12 tuần) vì nguy cơ gây dị tật bẩm sinh (khoảng 10-20%), gây sảy thai hoặc chết thai. Tuy vậy, trong một số trường hợp cấp bách (ví dụ: bệnh bạch cầu cấp) thì có thể vẫn phải điều trị vì lợi ích của người mẹ.
Nhìn chung, có thể điều trị với TCUT ở 6 tháng cuối thai kỳ vì nguy cơ thai dị dạng không tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, nguy cơ thai nhi chậm phát triển, thai nhẹ cân và thai chết lưu có thể cao hơn.
Vì các dữ liệu ở tình huống này chưa đầy đủ nên nhìn chung không nên cho con bú sữa mẹ trong khi điều trị với TCUT vì nguy cơ tác dụng phụ trên trẻ sơ sinh. Nên hỏi thêm các chuyên gia về từng trường hợp.
Một số thuốc khác (không phải TCUT) có thể có tương tác với TCUT, bạn nên hỏi bác sĩ chuyên khoa hay dược sĩ trước khi dùng thêm các thuốc khác, kể cả các thuốc kê đơn, thuốc không cần kê đơn hoặc các chế phẩm thay thế (như đông y, thực phẩm chức năng…). Hãy in ra và đọc/tìm hiểu thêm thông tin về các loại thuốc bạn sẽ/đang được dùng để điều trị.
Hầu hết TCUT đều có tác dụng phụ, đôi khi xuất hiện các tác dụng phụ nghiêm trọng. Bác sĩ điều trị có thể chỉ định thêm thuốc khác để làm giảm hoặc điều trị tác dụng phụ.
Bệnh nhân nên tìm hiểu những tác dụng phụ nào có thể xảy ra và khi nào cần đi khám bác sĩ. Bệnh nhân cũng nên hỏi nhóm chăm sóc y tế về những biểu hiện cần lưu ý để phản hồi cho nhân viên y tế kịp thời.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn