Một thoáng quê hương ở Trường Sa

08:33 | 04/02/2019;
Dẫu cách xa đất liền hàng trăm hải lý song hình bóng làng quê lại luôn hiện hữu tại quần đảo Trường Sa. Tiếng gà gáy cất lên giữa muôn trùng sóng nước, cánh cò chao nghiêng giữa nền trời xanh thẳm, tiếng chó sửa vang xa và cả những bước chân chậm rãi của đàn vịt…Tất cả tạo nên một không gian bình dị như làng quê ở nơi đầu sóng, ngọn gió ấy.

Nhắc đến Trường Sa người ta thường nghĩ đến một nơi xa tít tắp với những hòn đảo cô đơn ngoài biển cả, những người lính hải quân dạn dày sương gió và các loài chim biển.

 

anh-1.JPG
Những chú lợn trên đảo Núi Le.

 

Điều đó đúng nhưng có lẽ là chưa đủ, bởi ngoài chim biển ra thì nơi đây cũng có những con vật rất thân thuộc với đất liền, những vườn rau xanh mướt. Những thứ đó đã trở nên thân thương, gắn bó hơn rất nhiều vì mang trong mình hình bóng của đất liền ở nơi cách xa vạn dặm.

 

Sau nhiều ngày lênh đên trên biển, không ít vị khách ra thăm quần đảo Trường Sa đã thấm mệt, thế nhưng khi bước chân lên đảo nhỏ Núi Le, sự mệt nhọc ấy dường như đã tan biến. Cảm giác thân thuộc như chốn quê nhà ùa về bởi sự thân thiện, quấn quít của những chú chó.

 

anh-3-2-copy.jpg
Dưới bàn tay chăm sóc tỉ mẩn của chiến sĩ, vườn rau xanh mướt với nhiều loại khiến ai cũng trầm trồ thán phục.

 

Có lẽ vì sống quanh năm trên đảo nên đàn chó ở đây cũng “thèm hơi” của đất liền. Chính vì thế mà mỗi khi có đoàn khách ra thăm nhiều chú hớn hở tới mức ùa ra sóng mà vẫy tít đuôi mừng đón, dù toàn những người xa lạ.

 

Không chỉ là những chú chó thân thiện, đàn lợn béo núc ních, đàn vịt biển và cả những con gà mái mơ đã tạo nên một cảm giác rất đặc biệt với những vị khách tới đây. Đi giữa đàn vịt biển, nghe tiếng gà gáy khiến chúng tôi ngỡ như đang đi giữa làng quê thanh bình vậy.

 

Binh nhất Nguyễn Hữu Sơn chia sẻ, những ngày ở đất liền, anh không quen với việc nuôi gà, chăm vịt nhưng khi trở thành lính đảo, việc chăm chút những chú vịt nhỏ lại trở thành niềm vui của các anh. “Cùng với tình cảm của đồng đội, chính sự có mặt của những chú gà, chú vịt đã giúp chúng em vơi đi nỗi nhớ nhà”, binh nhất Nguyễn Hữu Sơn chia sẻ.

anh-9-copy.jpg
Những chú vịt biển “ngơ ngác” khi có nhiều khách đến thăm

 

Trong đoàn công tác ra Trường Sa của chúng tôi, có nhiều vị khách – nhất là phụ nữ vẫn lưu luyến với những con vật vốn thân thuộc này. Có thể ở quê nhà, đàn gà, đàn vịt là thứ gì đó rất đỗi bình thường, nhưng khi bắt gặp chúng ở nơi đặc biệt – đầu sóng ngọn gió ấy thì trở nên đặc biệt vô cùng. “Nhìn thấy chúng là thấy sự bình dị của quê nhà, sự yên bình của xóm nhỏ”, chị Nguyễn Hồng Thắm (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ.

 

Thời tiết ở Trường Sa khá khắc nghiệt, nắng gió bão tố quanh năm nhưng không làm sờn lòng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Không chỉ nuôi gà, nuôi vịt, cán bộ chiến sĩ ở đây đều không ngừng tăng gia, sản xuất. Khi chúng tôi có mặt, các chiến sĩ của đảo Núi Le đang hì hụi chăm sóc vườn rau của Đoàn thanh niên trên đảo. Không gian trên đảo khá hẹp, nên chiến sĩ chọn một góc quây kín chắn gió để trồng rau.

 

anh-4-copy.jpg
Hình ảnh ngỡ như lạc vào một làng quê ở đất liền

 

Thế nhưng, những luống cải mơ xanh mướt, những cây húng thơm lừng và nhiều loại rau khác. Ở nơi cằn cỗi, bão táp ấy những dưới bàn tay chăm sóc cẩn thận, tỉ mẩn của chiến sĩ các loại rau đua nhau cứ xanh mơn mởn.

 

“Ôi, rau ở đây còn tươi tốt và đa dạng hơn nhiều mảnh vườn ở đất liền nữa”, một thành viên trong đoàn của chúng tôi thốt lên khi bước vào vườn rau của chiến sĩ. Như thế đủ để hiểu rằng, các cán bộ, chiến sĩ ở đây đã dồn biết bao nhiêu tâm sức của mình để tạo nên những mảnh vườn như vậy ở nơi quần đảo bão tố ấy.

 

Chỉ vài giờ ở trên đảo, nhưng những con vật nuôi, những luống rau cải đã trở nên thân thuộc với chúng tôi tự bao giờ. Khi nhận hiệu lệnh rời đảo để trở về tàu, nhiều chị em rơm rớm nước mắt. Những cái ôm thật chặt, những cái bắt tay thắm thiết giữa thành viên đoàn với cán bộ chiến sĩ trên đảo khiến không gian như ngừng lại.

 

anh-11-copy.jpg
Phút giao lưu ấm áp giữa thành viên đoàn và cán bộ, chiến sĩ trên đảo Núi Le

 

Khi chiếc cano chở những vị khách cuối cùng rời đảo thì những chú chó của đảo Núi Le vẫn đứng trên những mỏm đá cao nhất hướng về đoàn người và vẫy đuôi tạm biệt, chúng tôi nhìn theo cho đến khi bóng chỉ còn bằng ngón tay.

 

“Lần đầu tiên đón Tết trên đảo, nhưng chính tình cảm của đồng đội, sự quấn quýt thân thuộc của con vật, cây cỏ nơi đây đã giúp em vơi đi nỗi nhớ nhà, khiến em thấy như đang ở quê của mình vậy”, binh nhất Nguyễn Hữu Sơn nói.

 

Quả đúng như vậy, có một quê hương bình dị đang hiện hữu ở Trường Sa - ở Núi Le.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn