Trong chúng ta, hầu như ai cũng biết chú Dế Mèn. Bạn đọc đã quen với chú, cùng các “chiến hữu” của chú - những Dế Trũi, Bọ Ngựa, Xiến Tóc, Cào Cào, Châu Chấu… một thế giới loài vật suốt hơn nửa thế kỷ nay.
Võ sĩ Dế Mèn còn “cõng” cả ông bố đẻ của mình là nhà văn Tô Hoài đi tung hoành khắp nơi ở trong nước, rồi sang cả Nga, Thái Lan, Ba Lan, Đức, Pháp và còn rất nhiều các nước khác nữa. Chú nổi tiếng đến mức, dường như nhắc đến nhà văn lớn Tô Hoài, người ta chỉ còn biết mỗi chú Dế Mèn thôi, mặc dù Dế Mèn chỉ là một nhân vật trong hàng trăm hàng ngàn nhân vật của Tô Hoài. Những nhân vật khác cũng hay lắm. Thậm chí còn hay hơn Dế Mèn nhiều. Vậy mà lạ. Không hiểu sao, người ta cứ nhớ đến chú Dế. Có khi còn lấy cả tên chú ra mà gọi ông Tô Hoài.
Tôi nhớ có lần cùng nhà văn Tô Hoài đến giao lưu trò chuyện với các bạn đọc nhỏ tuổi ở Cung Văn hoá Thiếu nhi Hà Nội. Hồi đó, bác Tô Hoài mới ngoài 80 thôi. Bác vẫn còn rất khoẻ. Các bạn đọc nhỏ tuổi cứ vây quanh bác: “Cháu chào ông Dế Mèn!”. “Ông Dế Mèn ơi! Ông Dế Mèn cho cháu xin chữ ký!”. Thế rồi cứ cồn lên. Chỗ này “Ông Dế Mèn!”. Chỗ kia “Ông Dế Mèn!”. Đến nỗi nhà văn Tô Hoài phải kêu ầm lên: “Không! Tôi không phải Dế Mèn! Các em nhầm rồi! Tôi là Dế Cụ! Tôi là bố Dế Mèn! Tôi đẻ ra Dế Mèn đấy!”.
Sau này, tôi còn nhiều dịp trò chuyện với nhà văn Tô Hoài. Lại nhớ có lần, một phóng viên báo Tiền Phong đùa hỏi ông: “Bác Tô Hoài ơi! Gần đây lại xuất hiện con mèo máy Doreamon. Bây giờ trẻ con chỉ thích Doreamon thôi! Chúng quên mất Dế Mèn rồi. Là bố đẻ Dế Mèn, bác có buồn không?”. “Sao lại buồn? – Nhà văn Tô Hoài cười tủm tỉm - Doreamon có chỗ của Đoreamon. Dế Mèn có ao hồ đầm phá của Dế Mèn!”.
Quả đúng như vậy thật. Bây giờ là thời mở cửa. Không phải Doraemon hay Thuỷ Thủ Mặt Trăng xuất hiện thì Dế Mèn phải ra khỏi cửa. Ao hồ, đầm phá là xứ sở riêng của Dế Mèn. Và ngoài ao hồ, đầm phá, Dế Mèn còn ngự trị trong những trang sách và trong cả thế giới tuổi thơ của trẻ con và không phải chỉ có trẻ con. Dế Mèn còn là người bạn đường của người lớn nữa. Suy cho cùng, trong thế giới huyền diệu, người lớn luôn là một đứa trẻ cao tuổi. Bởi thế, có nhà văn từng trải đã khẳng định: “Ai chơi được với trẻ con, người đó sẽ bất tử. Bởi trong một đứa trẻ bao giờ cũng có một người lớn đang trưởng thành, và trong một người lớn luôn có một đứa trẻ không bao giờ già đi”.
Tuy nhiên thế, bấy lâu nay, chúng ta thường chỉ biết đến chú Dế Mèn ở trong những trang sách của nhà văn Tô Hoài. Những trang sách rậm rịt những chữ giờ đã trở nên ngột ngạt, nên thi thoảng, chú Dế cũng phải bám vào cây cọ thần của các hoạ sĩ Ngô Mạnh lân, Trương Qua, Tạ Huy Long mà lách qua các khe chữ rồi hiện hình ra qua các trang minh hoạ khá sinh động. Bạn đọc cũng nhờ thế mà được chiêm ngưỡng hình hài trong đời thực của chú cho đỡ mỏi mắt. Và lần này thì không phải chỉ có chú Dế mà cả Xiến Tóc, Bọ Ngựa, Cào Cào, Châu Chấu, một đội ngũ trùng điệp trong những cánh quân của Dế Mèn, một thế giới nhân vật đã nhảy từ trang sách ra ngoài đời thực trong triển lãm nghệ thuật đương đại. Có thể nói đây là lần đầu tiên, bạn đọc không phải chỉ đọc mà còn được ngắm Dế Mèn và các chiến hữu của chú ta bằng con mắt thực của mình.
Các hoạ sĩ tài danh Ngô Mạnh Lân, Trương Qua, Thành Chương, Vũ Xuân Hoàn, Đậu Đũa đã sáng tạo trên chất liệu văn chương của Tô Hoài. Nói một cách nôm na thì đây là những bức tranh minh hoạ cho cuốn sách nổi tiếng của Tô Hoài. Nhưng cái giỏi của các hoạ sĩ là bằng tài năng và sự thăng hoa sáng tạo của mình, họ đã biến những bức minh hoạ thành tác phẩm nghệ thuật độc lập, thoát hẳn ra ngoài bóng chữ và hơi văn. Đến nỗi người ta chẳng còn biết các hoạ sĩ minh hoạ cho văn Tô Hoài, hay văn Tô Hoài minh hoạ cho các tác phẩm hội hoạ của các hoạ sĩ. Có lẽ là cả hai chăng? Vì thế, tôi mới bảo đây là một triển lãm rất độc đáo và thú vị. Hay nói một cách khác, đây là những người tài ngắm nhau, chiêm ngưỡng nhau. Họ như những tấm gương cùng soi vào nhau. Và tất cả cùng sáng lấp lánh…