Một triệu phụ nữ được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGD

21:19 | 18/01/2019;
Dự án đã đào tạo hơn 3.000 cán bộ cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực KHHGĐ, một mạng lưới hơn 70 giảng viên tỉnh và 230 giám sát viên tuyến huyện tại 18 tỉnh. Đặc biệt, 1 triệu khách hàng đã được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản mà dự án mang lại.

Thông tin trên được đại diện Tổng cục Dân số- KHHGĐ (Bộ Y tế) chia sẻ tại sự kiện chào đón khách hàng thứ 1 triệu và sơ kết quá trình thực hiện chương trình hợp tác giữa Tổ chức Marie Stopes Việt Mam (MSI), Tổng cục dân số - KHHGD và Trung tâm chăm sức khỏe sinh sản cộng đồng (VNCRH) ngày 18/1.

Theo Tổng cục Dân số - KHHGĐ (Bộ Y tế) nhiều phụ nữ tại các vùng nông thôn có nhu cầu sử dụng biện pháp tránh thai nhưng chưa được đáp ứng. Bên cạnh đó các dịch vụ KHHGĐ tại tuyến xã còn rất hạn chế, như: 42,3% trạm y tế không thường xuyên thực hiện dịch vụ đặt vòng; 23% người cung cấp dịch vụ tuyến xã gặp khó khăn khi đặt dụng cụ tử cung do chưa được tập huấn đầy đủ, không đủ trang thiết bị hoặc ít thực hiện,... dẫn tới tăng số phụ nữ mang thai, phá thai và sinh con ngoài ý muốn.

duongngoc11_4239.jpg
Người dân tìm hiểu thông tin về chăm sóc SKSS- KHHGĐ

Để chăm sóc sức khỏe nhân nhân, ngày 31/8/2015, Bộ Y tế đã phê duyệt  dự án “Tăng cường tiếp cận bền vững dịch vụ KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe sinh sản chất lượng tại Việt Nam giai đoạn 2015-2020, do 3 đơn vị trên phối hợp thực hiện.

Mục tiêu chính của chương trình là tăng cường năng lực y tế công trong lĩnh vực KHHGĐ thông qua việc triển khai mô hình PSS- Public Sector Strengtherning (tăng cường năng lực y tế công). Từ đó, cải thiện năng lực của người cung cấp dịch vụ KHHGĐ tại cơ sở như đặt dụng cụ tránh thai, cấy tránh thai, tiếp cận với các dịch vụ KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) của người dân Việt Nam .

Ngoài việc tập huấn các nội dung lâm sàng liên quan như đặt dụng cụ tử cung, cấy tránh thai, phòng chống nhiễm khuẩn,… Chương trình đặc biệt chú trọng việc đánh giá năng lực thực hành của người cung cấp dịch vụ và giám sát chất lượng dịch vụ thường xuyên tại tuyến y tế cơ sở. Từ đó, xác định được năng lực cung cấp dịch vụ độc lập của cán bộ y tế (thường gọi là mức năng lực 1) và xác định việc cần có thêm giám sát hỗ trợ tại điểm cung cấp dịch vụ khi họ ở mức năng lực 2.

duongngoc17_4244.jpg
Nhân viên dự án chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ

Đến nay, dự án đã đào tạo được hơn 3.000 cán bộ cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực KHHGĐ, xây dựng mạng lưới hơn 70 giảng viên ở tỉnh và 230 giám sát viên tuyến huyện tại 18 tỉnh, thành giúp cho việc giám sát chất lượng dịch vụ tại tuyến y tế cơ sở được thực hiện kịp thời và thường xuyên, góp phần ngăn ngừa hàng trăm ngàn ca mang thai ngoài ý muốn mỗi năm.

BTC cho biết, sự kiện khách hàng thứ 1 triệu tiếp cận với dịch vụ chăm sóc SKSS- KHHGĐ mà dự án đang triển khai là động lực để khuyến khích và phát huy những kết quả đã đạt được, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ tại Việt Nam. Đồng thời, tạo tiền đề cho các chương trình hợp tác giữa các bên trong thời gian tới.

Marie Stopes International là tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ KHHGĐ. Tổ chức này có trụ sở chính tại Anh, nhưng hiện nay tổ chức này đang hoạt động tại 37 quốc gia.

MSI đến Việt nam từ năm 1989, hiện đang hỗ trợ một mạng lưới 11 phòng khám sản phụ khoa - KHHGĐ mang tên Marie Stopes, 2 mạng lưới nhượng quyền xã hội Bluestar (300 cơ sở y tế tư nhân) và một chương trình thúc đẩy cung ứng dịch vụ KHHGĐ tại 31 tỉnh thành. Năm 2016, mạng lưới này đã phục vụ hơn 1,9 triệu lượt khách hàng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn