MTTQ Việt Nam: Thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân

20:18 | 18/09/2019;
Chiều ngày 18/9, phiên họp thứ nhất của Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024 đã diễn ra tại Thủ đô Hà Nội.
Các đại biểu làm lễ chào cờ trước Đại hội

Hướng các hoạt động về cơ sở

Tham dự phiên họp có bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Dân vận TƯ; ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư TƯ Đảng, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; ông Hầu A Lềnh, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam; một số Ủy viên TƯ Đảng, Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng là chủ tịch các tổ chức chính trị xã hội thành viên của Mặt trận; các vị Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam; các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam.

Thay mặt Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh đã báo cáo kiểm điểm hoạt động của Ủy ban, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2014 - 2019.

Nhiệm kỳ qua, Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những vấn đề nhân dân quan tâm; quyết tâm đổi mới, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện. Xác định rõ nội dung, phương thức, giải pháp để thực hiện bảo đảm vai trò, trách nhiệm trong tuyên truyền, vận động xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao hiệu quả công tác Mặt trận theo Nghị quyết và Chương trình hành động do Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ VIII đã đề ra.

 

Đoàn chủ tịch điều hành Đại hội

 

Quá trình triển khai thực hiện đã chú trọng thực hiện tốt hơn vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, làm sâu sắc tính chất liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của Mặt trận, thực hiện nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phân công trách nhiệm cụ thể, tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong hành động và phát huy tốt hơn thế mạnh của từng tổ chức thành viên trong công tác Mặt trận.

Các nội dung công tác và hoạt động của Mặt trận tiếp tục hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư, giảm bớt tính hình thức. Tăng cường phối hợp thực hiện nhiệm vụ, nhất là đối với các cơ quan Đảng, Nhà nước và các địa phương để bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo cơ chế đảm bảo cho tổ chức Mặt trận hoạt động đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

 

Nhiều đóng góp tâm huyết cho hoạt động của Mặt trận

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa VIII, nhận định, báo cáo kiểm điểm của Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam dù đề cập khá đầy đủ và bao quát nhiều vấn đề nhưng lại “thiếu vắng phần nói về biển đảo”.

Theo chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, tình hình biển đảo Việt Nam hiện nay “không yên ổn và đang khá sôi sục”. Vùng biển Việt Nam có hơn 1 triệu km2 biển, vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế, chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đang bị xâm phạm.

“Trong báo cáo kiểm điểm của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa VIII vẫn thiếu vắng phần nói về biển đảo. Tôi đề nghị các đồng chí xem xét nếu đưa được phần nào của Mặt trận quan tâm đến biển đảo thì nên đưa vào”, chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm đề xuất.

Dưới góc nhìn của người hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới, TS Khuất Thị Thu Hồng cho rằng báo cáo có thể khá đầy đủ chi tiết trong nhiều lĩnh vực hoạt động, tuy nhiên chưa thể hiện rõ tính bình đẳng giới khi phụ nữ chiếm tới hơn 50% dân số.

Trong thời gian qua, mặc dù có nhiều nỗ lực, tuy nhiên bất bình đẳng giới vẫn còn nặng nề, nhiều vụ án nghiêm trọng về bạo lực gia đình tội ác nhằm vào phụ nữ trẻ em gái tiếp tục xảy ra.

Cũng quan tâm đến những vấn đề xã hội nổi cộm, đại biểu Nguyễn Bá Duyệt cho rằng tiếng nói của Mặt trận vẫn chưa được các cơ quan nhà nước lắng nghe coi trọng đúng mức. Mặc dù mặt trận tham gia giám sát, phản biện, tuy nhiên nhiều trường hợp ở cơ sở, các cơ quan nhà nước vẫn chưa lắng nghe, tiếp nhận, giải quyết và giải trình đầy đủ.

Bên cạnh đó đại biểu Nguyễn Bá Duyệt đề nghị Mặt trận cần quan tâm đến công tác giáo dục xã hội. ĐB Duyệt cho rằng ngành giáo dục cũng như các cơ quan chức năng mới chỉ quan tâm đến giáo dục trong nhà trường. Tuy nhiên, những vụ việc nổi cộm trong thời gian qua như những vụ thảm sát trong gia đình, ghen tuông níu kéo người yêu một cách mù quáng dẫn đến sát hại lẫn nhau... đã nói lên công tác giáo dục xã hội chưa tốt. Nếu như giáo dục nhà trường mới hướng đến giới trẻ thì giáo dục xã hội hướng đến cả các lứa tuổi khác, các tầng lớp xã hội.

Đại biểu Nguyễn Đình Long cho rằng trong nhiệm kỳ qua, hoạt động của Mặt trận chưa thực sự rõ nét, chưa để lại dấu ấn. Mặc dù Mặt trận phát động phong trào cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, nhưng vẫn mới chỉ mang nặng tính hình thức.

Đại biểu Long cho rằng ở nông thôn các HTX được thành lập mới chỉ chạy theo số lượng, chưa chú trọng nâng cao chất lượng. Ông Long so sánh: “Cùng 1ha nhưng có nơi làm ra cả tỷ đồng, có nơi chỉ được 30 triệu, thậm chí có nơi chẳng được đồng nào”. Theo ông Long, trong thời gian tới, Mặt trận cần hướng tới nâng cao thu nhập cũng như chất lượng cuộc sống của 70% dân số đang ở nông thôn.

Bên cạnh đó, tại thành thị vấn đề ô nhiễm đang rất trầm trọng. Chỉ đến khi có những sự cố môi trường tất cả mới nhìn lại. Hà Nội có 144 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm thuộc diện phải di dời, nhưng trong 20 năm mới chỉ có 4 cơ sở rời khỏi nội đô. Bên cạnh các cơ sở sản xuất là các trường đại học, các bệnh viện lớn cũng thuộc diện phải di chuyển ra khỏi nội đô, nhưng cũng chưa thể triển khai.

Đại biểu Long cho rằng trong nhiệm kỳ tới, với chức năng giám sát và phản biện xã hội Mặt trận cần tập trung làm quyết liệt hoàn thành mục tiêu này.

Thay mặt Đoàn chủ tịch, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hầu A Lềnh đã tiếp thu 11 ý kiến đóng góp của các đại biểu đồng thời khẳng định, trong chương trình đại hội ngày 19/8 sẽ có phần đóng góp ý kiến cho Báo cáo chính trị của Đại hội, Đoàn chủ tịch sẽ tiếp tục ghi nhận các góp ý của đại biểu. 

 

Các đại biểu nhắn tin ủng hộ người nghèo

Thiết thực hưởng chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2019, trước khi tiến hành các nội dung của Đại hội, thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh đã phát động và kêu gọi toàn thể Đại hội tham gia chương trình nhắn tin ủng hộ người nghèo. Mỗi tin nhắn theo cú pháp "VNN n" gửi đến số 1408 của đại biểu tham dự Đại hội sẽ giúp người nghèo thêm ấm lòng và có thêm động lực để tập trung xây dựng những ngôi nhà Đại đoàn kết, đặc biệt là người có công, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thi đỗ vào đại học, cao đẳng và tập trung lo Tết cho người nghèo.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn