Báo PNVN đã có cuộc trao đổi với bà Sùng Thị Mỷ, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mù Cang Chải, xoay quanh vấn đề trên.
PV: Xin bà cho biết quá trình xây dựng chương trình Nông thôn mới của chị em phụ nữ trong huyện?
Bà Sùng Thị Mỷ: Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới được triển khai ở huyện vùng cao Mù Cang Chải những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội địa phương rất lớn. Đối với Hội LHPN huyện, chúng tôi luôn chủ động tham mưu cho lãnh đạo huyện để ban hành các kế hoạch, mục tiêu cụ thể. Sau đó triển khai đến toàn bộ hệ thống cơ sở Hội và Chi hội cùng thực hiện nhất quán.
Trò chơi dân gian đẩy gậy truyền thống của người Mông được chị em duy trì
Trong đó, các cơ sở đều đặt ra và tích cực thực hiện mục tiêu mỗi năm giúp đỡ 58 - 65 hộ hội viên đạt các tiêu chí "5 không, 3 sạch”; đến nay đã có trên 3.500 hộ hội viên đạt được tiêu chí gia đình "5 không, 3 sạch”. Duy trì và thành lập mới các câu lạc bộ, các tổ nhóm gia đình hạnh phúc, các tổ truyền thông cộng đồng, các mô hình tuyến đường tự quản, mô hình thu gom rác thải, hỗ trợ ngày công di dịch các chuồng trại xã nhà. Hàng năm hội viên dịch rào hiến đất làm đường giao thông nông thôn, góp hàng nghìn ngày công làm các tuyến đường giao thông nông thôn, góp công, góp tiền ủng hộ, hỗ trợ làm nhà cho hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức tuyên truyền để hội viên tiếp cận các nguồn vốn vốn vay đã giúp chị em, nhất là chị em thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Thành lập các mô hình phát triển kinh tế như tổ hợp tác chăn nuôi, ra mắt các sản phẩm phục vụ du lịch.
Cũng bằng công sức của mình cộng với xã hội hóa, chúng tôi còn thực hiện Chương trình và duy trì 16 tuyến đường "Thắp sáng đường quê” đã thành lập tại Páo Khắt (bản Xua Lông, xã Nậm Khắt), bản Dề Thàng (xã Chế Cu Nha), bản Xéo Dì Hồ (xã Lao Chải) để cho những con đường bản thêm sáng đẹp.
PV: Với một địa phương là vùng dân tộc thiểu số đa dạng, Hội LHPN huyện có phát huy những nét đặc trưng riêng trong xây dựng Nông thôn mới?
Bà Sùng Thị Mỷ: Huyện Mù Cang Chải là địa phương có nhiều dân tộc cùng sinh sống, đây là điều khác biệt với nhiều địa phương khác. Bởi vậy, Hội LHPN huyện đã xác định xây dựng Nông thôn mới phải gắn với phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Chúng tôi xác định, văn hóa dân tộc là cốt lõi, là động lực để duy trì tính bền vững của phát triển xã hội. Đồng thời, đối với một địa bàn đang hướng tới phát triển du lịch như Mù Cang Chải, thì bản sắc văn hóa truyền thống còn là nguồn tài nguyên, là sản phẩm để phát triển du lịch. Chính vì thế, chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng Nông thôn mới gắn với phát huy các giá trị văn hóa truyền thống một cách mật thiết.
Bà Sùng Thị Mỷ, thứ 2 từ trái sang, trong một hoạt động của Hội LHPN huyện Mù Cang Chải.
PV: Xin bà cho biết cụ thể hơn về những kết quả đạt được những mục tiêu đó?
Bà Sùng Thị Mỷ: Mù Cang Chải có các dân tộc Kinh, Thái, Mông và một số dân tộc khác, trong đó dân tộc Mông chiếm gần 91%. Ví dụ đối với người dân tộc Mông, trong quá trình tuyên truyền xây dựng, chúng tôi đề ra mục tiêu là ngoài các chỉ tiêu, tiêu chí theo kế hoạch chung, thì chị em còn thực hiện bảo tồn các giá trị dân ca, dân vũ truyền thống của người Mông; tổ hợp tác trang phục truyền thống; âm nhạc, đạo cụ… Đến nay Hội đã có 28 đội văn nghệ tại các thôn bản. Trong các buổi sinh hoạt hội, sinh hoạt cộng đồng thôn bản, người dân vẫn duy trì các hoạt động văn hóa văn nghệ truyền thống. Ở những địa phương có phát triển du lịch, thì các chị em trong đội văn nghệ còn phục vụ biểu diễn cho khách du lịch để có thêm thu nhập. Vì thế, chị em khá hào hứng với việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
PV: Các hội viên, phụ nữ người dân tộc thiểu số ở Mù Cang Chải đánh giá và tham gia vào việc phát huy bản sắc văn hóa trong xây dựng Nông thôn mới như thế nào?
Bà Sùng Thị Mỷ: Như tôi đã nói ở trên, việc gắn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc vào mục tiêu xây dựng Nông thôn mới ở Mù Cang Chải là thiết thực với đời sống tinh thần của người dân, của cộng đồng. Bởi vậy, đa phần chị em đều rất hào hứng, nhiệt tình tham gia. Cho đến nay, ở nhiều Chi hội, nhiều thôn bản, các phong trào văn hóa văn nghệ, dân ca dân vũ đã trở thành những hoạt động thường kỳ, quen thuộc của cộng đồng. Các chị em luôn chủ động sưu tầm các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống để tập luyện và sẵn sàng có thể biểu diễn mỏi khi có sự kiện.
Đây là một trong những vấn đề mà chúng tôi luôn tuyên truyền để chị em tiếp tục phát huy, duy trì tính bền vững gắn với công cuộc xây dựng Nông thôn mới ở cộng đồng mình, địa phương mình.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn