Mù mắt, hỏng mũi vì tiêm filler làm đẹp ở cơ sở không phép
13:18 | 04/11/2018;
Với mong muốn có gương mặt đẹp hơn, nhiều chị em đã không ngần ngại bỏ công sức và tiền bạc tiêm filler (chất làm đầy). Thế nhưng, thay vì tới các cơ sở y tế có uy tín, nhiều người lại tìm đến các spa, cơ sở thẩm mỹ không được cấp phép, để rồi phải gánh hậu quả khủng khiếp.
Mắt sáng hóa mù
Tin lời quảng cáo trên mạng xã hội của một spa trên địa bàn quận 3 (TP.HCM), nữ sinh 20 tuổi ngụ tỉnh Bình Dương tên T.P.T.V đã tìm đến nơi này để tiêm filler nâng mũi với giá 600.000 đồng. Tuy nhiên, ngay sau tiêm filler, mắt trái của V. không nhìn thấy nữa, đau nhức dữ dội. Nữ sinh này được người của spa đưa đến Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) cấp cứu.
Bác sĩ đã tiêm thuốc giải theo dõi, tiêm kháng sinh, giảm đau cho bệnh nhân; chẩn đoán bệnh nhân bị tắc động mạch võng mạc trung tâm gây mù mắt. Sau đó, V. được gia đình xin xuất viện đưa đến Bệnh viện Mắt để điều trị. Tuy nhiên, do bệnh viện không điều trị được nên gia đình lại đưa V. quay trở lại Bệnh viện Trưng Vương.
Qua kiểm tra vỏ hộp filler mà spa đã tiêm cho V., cơ quan chức năng phát hiện, sản phẩm này có nguồn gốc từ Hàn Quốc; bên ngoài không có tem, không có nhãn phụ tiếng Việt.
Chị V. không phải là trường hợp đầu tiên rước họa vì tiêm filler tại spa xảy ra trên địa bàn TP.HCM. Trước đó, vào giữa tháng 7/2018, chị N.T.C.D (30 tuổi, ngụ TP.HCM) cũng đã tìm đến một spa nằm trong một chung cư trên địa bàn quận 4 (TP.HCM) để nâng mũi. Chỉ sau khi tiêm filler 5 phút thì chị D. thấy đau nhức dữ dội, mờ mắt và không mở được mắt; đau tại ổ mắt lan lên vùng trán. Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện điều trị.
Sau đó, chị D. được tiếp tục chuyển đến Bệnh viện Trưng Vương. Bệnh nhân được chẩn đoán ban đầu là bị tổn thương xoang hang, lấp mắt trái do chất làm đầy. Khám chuyên khoa Tạo hình - Thẩm mỹ chẩn đoán tăng nhãn áp do chất làm đầy, tắc động mạch trung tâm võng mạc, liệt dây III, hoại tử vùng mũi, mắt trái do tiêm chất làm đầy. Dù tích cực cứu chữa nhưng các bác sĩ cho biết việc khôi phục thị lực cho chị D. là hoàn toàn vô vọng.
Trước đó, chị C.U.P (24 tuổi, là một người mẫu ảnh) cũng gặp biến chứng sau khi tiêm chất làm đầy. Theo đó, chị P. thực hiện nâng mũi tại một cơ sở thẩm mỹ nhưng bị nhiễm trùng và được rút sống mũi ra. Chị P. không đến bệnh viện mà quyết định tiếp tục đến một cơ sở thẩm mỹ khác để tiêm chất làm đầy. Tình trạng mũi của chị không được cải thiện mà ngày càng đau và sưng tấy chỗ tiêm.
Do tình trạng bệnh ngày càng nặng nên chị này mới nhập viện điều trị, được bác sĩ tiến hành rửa vết thương, tiêm thuốc giải, cắt lọc mô hoại tử. Sau khi điều trị, vết thương của bệnh nhân may mắn diễn tiến tốt hơn, diện tích vết thương giảm. Bệnh nhân sau đó được chỉ định phẫu thuật để tránh vết thương diễn tiến xấu để lại sẹo.
Cẩn trọng kẻo tiền mất tật mang
Có một điểm chung đối với những trường hợp đau lòng khi tiêm filler là các nạn nhân đều tìm đến các spa không có giấy phép hoạt động và đều do những người không có tay nghề thực hiện. Cụ thể, sau vụ việc xảy ra đối với nữ sinh 20 tuổi ở Bình Dương, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã kết hợp với Phòng Y tế quận 3 và các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra cơ sở spa mà nữ sinh này đã được tiêm filler nhưng tại thời điểm kiểm tra, cơ sở không có biển hiệu.
Bên trong một căn phòng trước đó được bày trí để thực hiện thủ thuật có dấu hiệu tẩu tán hết đồ đạc, chỉ còn chiếc giường. Chủ spa không có mặt, cơ sở này chưa có đăng ký kinh doanh. Tương tự, đối với spa, nơi chị N.T.C.D (30 tuổi, ngụ TP.HCM) thực hiện tiêm filler, qua kiểm tra, cơ quan chức năng cũng ghi nhận spa này không có giấy phép hoạt động, không có chứng chỉ hành nghề.
Thực tế, nhu cầu làm đẹp của chị ngày càng lớn. Chính vì thế, các spa, cơ sở làm đẹp mọc lên “như nấm sau mưa”. Điều đáng nói, nhiều cơ sở hoạt động không có giấy phép, do những người không có bằng cấp, chuyên môn thực hiện. Điều đáng nói, chỉ sau khi gây ra các tai biến nghiêm trọng thì các cơ sở này mới bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.
Còn trước đó, những cơ sở này vẫn hoạt động công khai, thậm chí quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến bày tỏ thái độ lo ngại rằng sau khi sai phạm, chủ các spa lại có thể ngang nhiên tìm một địa điểm mới để tiếp tục “hành nghề” lén lút. Tiếp tục gây nên những hậu quả khôn lường cho những người phụ nữ đang khao khát làm đẹp cho bản thân.
PGS.TS Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng Khoa Bỏng - Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương, cho biết, bản thân filler khá lành tính, không gây độc. Filler là chất làm đầy được sử dụng khá phổ biến trong thẩm mỹ. Tuy nhiên, khi tiêm vào cơ thể, nó lại được người không có chuyên môn về thẩm mỹ thực hiện nên tiêm bừa, tiêm ẩu.
Vùng mặt, nhất là vùng mũi là nơi có rất nhiều dây mạch máu thần kinh, nếu tiêm sai kỹ thuật sẽ gây những biến chứng nghiêm trọng và có thể gây tắc mạch máu trung tâm võng mạc dẫn đến mù mắt. Theo bác sĩ Khanh, hiện nay các spa, cơ sở thẩm mỹ mọc lên tràn lan, áp dụng những kỹ thuật không được cấp phép; nhiều người chưa được đào tạo nhưng vẫn thực hiện các thủ thuật cho bệnh nhân, rất dễ gây biến chứng nặng.
Theo khuyến cáo của TS Quốc Khánh, chị em trước khi quyết định đi làm đẹp phải tham khảo thông tin một cách cẩn trọng để tránh gặp phải hậu quả đau lòng.
GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM
Mới đây đã có công văn chỉ đạo 24 quận/huyện trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, các cơ sở spa, chăm sóc da, dịch vụ chăm sóc da mặt, cắt tóc, gội đầu... nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở có thực hiện các dịch vụ liên quan đến lĩnh vực y tế hoạt động không phép. Qua kiểm tra, Thanh tra Sở Y tế đã phát hiện một số cơ sở hoạt động lén lút gây biến chứng cho người dân, có tính chất đối phó với cơ quan quản lý nhà nước.
Tổn thương vùng da do chất làm đầy rất nguy hiểm, nhất là ở vùng mắt. Khi tiêm những chất làm đầy, chất này sẽ đẩy về động mạch mắt gây biến chứng nặng nề. Thậm chí, có thể dẫn đến biến chứng ở vùng não. Khi tắc động mạch mắt thì khả năng cứu chữa vô cùng khó khăn, dễ dẫn đến mù lòa. Trong trường hợp tắc động mạch mắt đòi hỏi việc cứu chữa phải rất sớm. Hiện nay, có loại thuốc đối kháng với chất làm đầy nhưng thời gian vàng là 90 phút. Nếu đến muộn hơn khoảng thời gian này thì việc cứu chữa mắt coi như vô vọng.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM
Sau khi nhận được phản ánh của báo chí về việc cơ sở thẩm mỹ nằm trên địa bàn quận 3, TP.HCM khiến một nữ bệnh nhân 20 tuổi đối diện nguy cơ mù mắt khi tiêm filler nâng mũi, Sở Y tế đã cử Thanh tra phối hợp cùng cơ quan chức năng địa phương đến kiểm tra bất ngờ cơ sở này.
Kết quả, nơi đây thực chất chỉ là địa điểm cung cấp dịch vụ làm đẹp chứ không phải là phòng khám hay cơ sở y tế. Do đó, các thủ thuật như cắt mí, tiêm filler nâng mũi, nâng cằm... là không được phép. Trong thời gian tới, Sở Y tế TP.HCM và các quận/huyện sẽ tiếp tục rà soát kỹ các cơ sở y tế trên địa bàn, sẽ xử lý nghiêm nếu các cơ sở này sai phạm.