“Mũ thần” giúp cải thiện 40% hiệu suất học tập

11:15 | 13/12/2017;
Chuyện tưởng chỉ có trong những bộ phim khoa học viễn tưởng, nay đã được các nhà khoa học Mỹ hiện thực hóa. Với chiếc “mũ thần”, người đội nó sẽ thông minh hơn, giúp tăng 40% hiệu suất học tập.
Tăng trí thông minh không còn là mơ ước

Sắp tới mỗi khi ôn thi hoặc muốn làm việc hiệu suất cao, chúng ta chỉ cần đội một chiếc mũ lên đầu thì trí thông minh sẽ tăng lên tới gấp rưỡi.

Các nhà khoa học tại Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng tiên tiến DARPA, Bộ quốc phòng Mỹ phát triển thành công một thiết bị không xâm lấn có thể kích thích não nhằm tăng cường khả năng nhận thức.
1cn_anh-to.jpg
Sản phẩm “mũ thần” đội vào sẽ thông minh hơn, giúp tăng 40% hiệu suất học tập.

Khi thử nghiệm trên khỉ, thiết bị này đã giúp tăng tốc độ học tập của nó lên tới 40%. Thiết bị nói trên được phát triển trong dự án Restoring Active Memory (RAM, tạm dịch Chủ động phục hồi trí nhớ) do DARPA triển khai với sự tham gia của nhóm các nhà khoa học đến từ phòng thí nghiệm HRL ở California, ĐH McGill tại Montreal, Canada và Viện nghiên cứu Y học Soterix ở New York. 

Trong báo cáo nghiên cứu vừa công bố trên Current Biology, các nhà nghiên cứu đã mô tả chi tiết cách họ sử dụng kỹ thuật kích thích từ xuyên sọ (tDCS) để tác động lên thùy trước trán ở não khỉ nhằm cải thiện khả năng nhận thức của nó.

Sau khi kích thích, họ cho những con khỉ tham gia thử nghiệm thực hiện một số tác vụ có liên quan tới việc học từ dữ liệu hình ảnh trực quan và địa điểm. Những con khỉ làm đúng, sẽ được thưởng. Kết quả cho thấy, những con khỉ đội thiết bị tDCS có thể tăng đáng kể khả năng nhận thức so với những con không đội mũ.

Trưởng nhóm nghiên cứu Praveen Pilly cho biết: “Trong thử nghiệm, chúng tôi nhắm tới thùy trước trán bằng các kích thích không xâm lấn để tăng cường khả năng nhận diện hình ảnh. Đây là khu vực kiểm soát nhiều chức năng điều hành, bao gồm việc ra quyết định, kiểm soát nhận thức và bộ nhớ.

Nó kết nối với hầu hết các vùng vỏ não khác và việc kích thích vào đây sẽ mang tới nhiều ảnh hưởng sâu rộng”. Trên thực tế, khả năng tăng cường chức năng não một cách tức thời luôn là điều mà con người mơ ước.
2cn.jpg

Trước đây nó chỉ tồn tại trong các bộ phim hoặc tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, nhưng với sự tiến bộ của công nghệ hiện đại thì điều đó có vẻ như đang tiến gần tới hiện thực hơn. Rõ ràng việc tăng cường chức năng não, từ đó tăng trí thông minh sẽ giúp ích rất nhiều trong cách con người xử lý công việc trong nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên một nghiên cứu được tiến hành nhằm tạo ra công cụ có thể cải thiện trí thông minh. Trước đây một nhóm các nhà khoa học tại ĐH Boston cũng phát triển thiết bị cải thiện khả năng học. Dù vậy, DARPA tuyên bố rằng, thiết bị của họ sẽ có giá rẻ và tiện dụng hơn nhiều so với các công nghệ trước đây.

Hình thành ký ức mới

Nghiên cứu mới này cũng mở ra hy vọng cho việc điều trị một số bệnh và thương tích, bao gồm chấn thương sọ não, bệnh Alzheimer, động kinh... gây mất trí nhớ.

Theo đó, nhóm Công nghệ Nano thuộc nhóm các nhà khoa học đến từ phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore (LLNL) đã hợp tác với ĐH California, Los Angeles (UCLA) và Medtronic phát triển một thiết bị sử dụng phương pháp ghi âm thời gian thực và kích thích các mô thần kinh Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học LLNL, một cơ sở độc quyền dành cho việc tạo ra các giao diện thần kinh tương thích sinh học, cho biết:
3cn.jpg
Trưởng nhóm nghiên cứu Praveen Pilly

"Hiện tại, không có phương pháp điều trị hiệu quả nào cho mất trí nhớ do bị chấn thương sọ não. Do đó, đây là một cơ hội to lớn từ DARPA để thúc đẩy khả năng tiên tiến của Lawrence Livermore trong việc phát triển các thiết bị y tế tiên tiến, mang đến những thay đổi rõ rệt trong việc chăm sóc sức khỏe con người". 

LLNL sẽ phát triển một thiết bị thần kinh cấy ghép vào vỏ não, cho phép kích thích và ghi âm từ 64 kênh nằm trên một cặp mảng điện cực cao. Một hệ thống điện tử bên ngoài đeo quanh tai sẽ lưu trữ thông tin kỹ thuật số liên quan đến việc lưu trữ và phục hồi bộ nhớ và cung cấp điện từ xa đến gói cấy ghép bằng hệ thống cuộn dây RF.

Được thiết kế để tồn tại trong suốt quá trình điều trị, điện cực của thiết bị sẽ được tích hợp với điện tử sử dụng công nghệ tích hợp LLNL tiên tiến và công nghệ 3D. Các cộng tác viên của Lawrence Livermore, UCLA và Medtronic, sẽ tập trung thực hiện các thử nghiệm lâm sàng, chế tạo các bộ phận và các chi tiết của thiết bị.

Ông Itzhak Fried, nhà nghiên cứu chính của UCLA cho biết: "Chương trình RAM là một thách thức lớn đối với nhiều lĩnh vực từ nghiên cứu não cơ bản đến y học, máy tính và kỹ thuật. Dù đối mặt với vô vàn khó khăn, nhưng chính các bệnh nhân mắc bệnh Alheimer, hay những thành viên bị thương trong lực lượng vũ trang... - những con người đau khổ đó đã xâm chiếm toàn bộ suy nghĩ của chúng tôi và khiến chúng tôi phải nỗ lực nhiều hơn”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn