Những ngày vừa qua, liên tiếp xuất hiện các vụ bê bối liên quan đến mua bán lan đột biến khiến dư luận xôn xao. Mới đây nhất là trường hợp một chủ vườn lan đột biến rất lớn từ chối xác định nguồn gốc kie lan đột biến trị giá 4,6 tỷ đồng đã bán ra cho khách để người này bán lại. Cũng vì thế, người khách này không bán được hàng đã "bóc phốt" trên mạng xã hội. Dư luận cho rằng, bản chất của mua bán lan đột biến đã "lộ" và người lãnh hậu quả là người mua cuối cùng.
Theo anh Nguyễn Chí Tài, một người chơi lan đột biến ở Hà Nội, trong giới chơi và kinh doanh lan đột biến, không phải vườn lan lớn nào cũng tử tế. Thực tế hiện nay, việc mua bán lan đột biến chủ yếu theo tin tưởng vào chủ vườn. Thông thường, chủ vườn càng lớn, độ uy tín càng cao. Bởi bản chất của việc mua bán lan chủ yếu là đặt niềm tin vào người bán.
Đối với nhiều người muốn làm giàu nhờ lan, nó giống như trò lướt ván, kiếm vài đồng lãi rồi thôi. Vì vậy, họ không quan tâm đến việc mặt hoa có chuẩn hay không. Tuy nhiên, cũng vì thế mà không ít người phải trả giá. Bởi lẽ, nguyên tắc bảo hành của giới chơi lan đột biến là "sai đến đâu đền đến đó". Ví dụ, A. bán lan phi điệp Bảo Duy cho cho B. thời điểm tháng 12/2020 với giá 700 triệu đồng/kie và cây cao 10cm (tức giá 7 tỷ đồng). Sau một thời gian chăm sóc, đến tháng 2/2021 cây cao 10 cm, B. bán lại cho C. với giá 1 tỷ đồng/cm (tức 10 tỷ đồng). Tuy nhiên, đến tháng 3/2021, C. phát hiện kie lan đột biến đó không phải là Bảo Duy thì sẽ bắt đền B. Song, việc bồi thường sẽ tính vào thời điểm tháng 3/2021. Nếu như khi đó cây lan Bảo Duy đã dài 12cm và giá bán thời điểm tháng 3 là 1,5 tỷ đồng/cm (giá trị lúc này là 18 tỷ đồng) thì B. phải bồi thường cho C. 18 tỷ đồng. B. quay lại bắt đền A. và A. phải bồi thường cho B. 18 tỷ đồng.
Cũng vì nguyên tắc bồi thường này nên mới đây, báo chí có đưa tin một người bán lan đột biến với giá 6 triệu đồng nhưng 2 năm sau người mua đến bắt đền hơn 400 triệu đồng vì sai mặt hoa. Người bán không đồng ý bởi mua trên mạng xã hội đã lâu và không nhớ được địa chỉ người bán. Nếu phải đền số tiền lớn thì không có tiền nên các bên đã báo cơ quan chức năng để giải quyết.
Theo anh Tài, tình trạng mua sai cây lan đột biến gặp rất nhiều. Bởi lẽ, mỗi cây thường qua tay người mua rất nhiều lần, nhiều người ở các địa phương khác nhau. Nếu người bán ban đầu có mục đích lừa đảo, thì người mua không thể tránh được, bởi chủ yếu là tin nhau. Ngược lại, với những chủ vườn uy tín, họ sẵn sàng chấp nhận bồi thường nếu sai mặt hoa. Cũng vì thế, uy tín trong giới chơi lan đột biến sẽ ngày càng lớn, người mua ngày càng nhiều.
Dư luận đặt câu hỏi, những giao dịch lan đột biến thường rất lớn, sao người mua và bán không xác lập hợp đồng kinh tế? Có như vậy, khi xảy ra tranh chấp thì dễ kiện ra tòa bảo vệ quyền lợi. Tuy nhiên, anh Dũng, một người kinh doanh lan đột biến ở Hòa Bình, cho biết, nếu mua lan tại vườn của anh sẽ có phiếu bảo hành. Theo đó, nếu không đúng mặt hoa thì vườn sẽ bảo hành theo giá thị trường, ví như giá phi điệp Hiển Oanh thời điểm ra hoa là 10 triệu đồng/cm mà cây mua bị sai mặt hoa cao 20cm thì sẽ đền thành 200 triệu đồng. Tuy nhiên, khi đề cập đến việc giao kết và lập hợp đồng thì Dũng cho biết, mua bán lan đột biến chẳng ai làm hợp đồng cả. Bởi khi lập hợp đồng phải đi công chứng rất phiền phức và mất thời gian.
Vậy, với người mới chơi và kinh doanh lan đột biến, làm thế nào để tránh bị lừa? Anh Tài cho rằng khi mua lan đột biến nếu chưa hoàn toàn tin tưởng người bán thì chỉ có cách duy nhất là lựa chọn những cây đang có nụ hoặc đang ra hoa. Bởi cây đang nụ sẽ có thời gian bảo hành ngắn, chi phí bồi thường giữa bên mua và bán không chênh lệch nhiều. Trường hợp nếu sai mặt hoa, người bán không có tâm cũng chưa kịp chạy làng.
"Đầu tư kinh doanh sản phẩm nào cũng có rủi ro. Với lan đột biến, nếu xảy ra rủi ro trong việc không đúng mặt hoa và có thể đòi lại được tiền hay không thì tùy vào tâm đức người bán lan. Còn nếu chủ vườn đã chủ lừa đảo thì người mua rất khó có thể lấy lại tiền gốc, chứ chưa nói gì đến tiền bồi thường", anh Tài chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn