Mua bán người thông qua di cư trái phép: Nhìn từ 3 điểm nóng

07:15 | 30/07/2018;
Tại Việt Nam hiện có 3 điểm nóng về tội phạm mua bán người thông qua di cư trái phép là địa bàn biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia. Theo thống kê, 90% số vụ mua bán người là để đưa ra nước ngoài và tập trung ở 3 các tuyến biên giới này.

3 điểm nóng 

Hoạt động mua bán người trên thế giới và khu vực hiện vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là mua bán người thông qua đưa người di cư trái phép. Với vị trí địa lý của mình, Việt Nam cũng là điểm đi, đến, trung chuyển của tình trạng mua bán người đặc biệt là mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới.

truyen-thong-chong-mua-ban-nguoi1.jpg
Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai phát tờ rơi tuyên truyền về tội phạm buôn bán phụ nữ tại các phiên chợ vùng cao. Ảnh: Hậu Hằng

Thông tin tại Hội thảo Kết nối mạng lưới các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới, do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển tổ chức, ngày 14/6/2018, Thượng tá Nguyễn Văn Mận - Trưởng phòng Phòng, chống mua bán người, Cục Phòng chống tội phạm ma túy (Bộ đội Biên phòng) - cho biết: Từ năm 2011 đến 2017, tại Việt Nam, các cơ quan tiến hành tố tụng đã phát hiện, xử lý đối với 2.748 vụ mua bán người với 4.110 đối tượng, số người đã bị mua bán là 5.984 người; trung bình một năm có 900 người bị mua bán, tội phạm mua bán người xảy ra trên cả nước. 90% số vụ mua bán người là để đưa ra nước ngoài và tập trung ở các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào, Campuchia; một số trường hợp ra nước ngoài qua cửa khẩu sân bay. 

Hiện tượng mua bán người ở khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc nổi lên là kết hôn thông qua môi giới. Theo Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, các đối tượng phạm tội thường sang Việt Nam núp dưới hình thức du lịch rồi móc nối qua đội ngũ chân rết ở các địa phương môi giới, dụ dỗ, lừa gạt chị em sang Trung Quốc kiếm việc làm, lấy chồng... sau đó bán vào các ổ mại dâm hoặc thông qua môi giới bán làm vợ người Trung Quốc ở các vùng nông thôn và miền núi hẻo lánh. Ngoài ra, một số phụ nữ sang Trung Quốc lao động theo mùa vụ cũng bị lừa bán. 

Năm 2017, Cơ quan đại diện của Việt Nam tại Trung Quốc đã tiếp nhận, hỗ trợ và xử lý 102 trường hợp phụ nữ Việt Nam là nạn nhân của tội phạm mua bán người. Một nửa trong số này (52 trường hợp) đã phối hợp giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ chi phí ban đầu và đưa về nước an toàn (trong đó có 5 trường hợp vị thành niên). 

Tại địa bàn biên giới Việt Nam - Campuchia, ở phía bạn xuất hiện hàng chục tụ điểm vui chơi giải trí (casino, đá gà, mại dâm, cafe, massage, karaoke...). Đây là những yếu tố tác động trực tiếp đến việc gia tăng các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy và mua bán người. Bọn tội phạm đã lợi dụng sơ hở, sự nhẹ dạ cả tin của một số đối tượng phụ nữ, trẻ em tại Việt Nam lừa sang làm việc tại casino hoặc bán cho các chủ chứa... với chiêu thức hứa hẹn thu nhập cao, cùng đi buôn bán, đi chơi hoặc hứa hôn, yêu đương...

truyen-thong-chong-mua-ban-nguoi.jpg
Truyền thông chống mua bán người
 

Trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào, Hà Tĩnh là một trong những tỉnh có đường biên giới dài với Lào với rất nhiều đường tiểu ngạch, Thông tin từ Công an Hà Tĩnh cho biết: Trong những năm qua số lượng người dân trên địa bàn Hà Tĩnh đi lao động tại các nước Lào, Thái Lan ngày càng đông dưới nhiều hình thức hợp pháp và bất hợp pháp. Các đối tượng thường lợi dụng những phụ nữ nhẹ dạ, cả tin, có hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu tìm việc làm để lừa đưa đi tìm việc làm có thu nhập cao, sau đó đưa nạn nhân sang Lào bán dâm; Một số cô gái vì điều kiện hoàn cảnh khó khăn nên chấp nhận để cho các đối tượng đưa đến các tụ điểm mại dâm để hoạt động và họ hoàn toàn không nhận thức được mình là nạn nhân của mua bán người. 

Theo Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an, các đường dây mua bán người hoạt động có tính chất xuyên quốc gia, với sự câu kết giữa các đối tượng tổ chức ở trong và ngoài nước; móc nối với các đối tượng ở các địa phương khác nhau của Việt Nam để tiếp cận, dụ dỗ, lôi kéo các nạn nhân, sau đó tổ chức cho họ ra nước ngoài. Các nạn nhân thường được tổ chức xuất cảnh hợp pháp bằng hộ chiếu, giấy tờ hợp lệ hoặc xuất cảnh trái phép qua đường tiểu ngạch, không có hộ chiếu giấy tờ; tại nước đến, những người di cư được đưa bào làm việc bất hợp pháp trong các nhà máy, nhà hàng, cơ sở giải trí, công trường, xưởng may “đen”, cơ sở trồng cần sa... 

có nguy cơ cao bị cưỡng bức, bóc lột lao động và lạm dụng tình dục, thậm chí bị ép buộc phạm tội hoặc làm nô lệ tình dục... 

Theo báo cáo của Cơ quan phòng, chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc (UNODC), các dạng phổ biến nhất của mua bán người là mua bán người nhằm bóc lột tình dục (79%) và cưỡng bức lao động (18%). Đáng chú ý, trên toàn cầu có khoảng 20% nạn nhân bị mua bán là trẻ em. Tại Việt Nam, theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, trong vòng 5 năm qua đã có hơn 4.000 nạn nhân bị mua bán trong đó 75% bị bán sang Trung Quốc, số còn lại bị bán sang các nước khác trong khu vực. Trong năm 2017, trên cả nước đã phát hiện 376 vụ án với 491 đối tượng và 991 nạn nhân.

Nguồn: Tọa đàm quốc tế Phòng, chống mua bán người và đưa người di cư trái phép - tháng 4/2018

Giải pháp phòng, chống mua bán người trong tình hình mới 

Để phòng, chống hiệu quả cao tội phạm mua bán người nói chung và mua bán người thông qua di cư trái phép nói riêng, các bộ, ngành và địa phương cần tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức quán triệt và có kế hoạch triển khai hướng dẫn thực hiện có hiệu quả cao các văn bản của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành vừa mới ban hành có liên quan phòng, chống mua bán người và di cư trái phép, nhất là các nội dung và giải pháp được nêu tại Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ.

mua-ban-nguoi.jpg
Một đối tượng mua bán người (phải) tại cơ quan điều tra

 

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết, do đặc điểm phần lớn nạn nhân bị buôn bán là phụ nữ và trẻ em gái, các cấp Hội xác định trách nhiệm phải đầu tư cho công tác truyền thông để phòng ngừa từ gốc. Vì vậy, trong nhiều năm qua, các cấp Hội phụ nữ đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả như tổ chức các chiến dịch truyền thông, diễn đàn, đối thoại, tọa đàm, tư vấn, tập huấn, nói chuyện chuyên đề... trực tiếp tại cộng đồng. 

Các mô hình truyền thông về phòng, chống mua bán người tại cộng đồng được các cấp Hội phối hợp với ngành công an và các ngành/đoàn thể khác tổ chức và triển khai linh hoạt, phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế tại địa phương như truyền thông phiên chợ, sinh hoạt câu lạc bộ, tổ nhóm... Từ những mô hình này, Hội Phụ nữ các cấp đã nhân rộng tại nhiều địa bàn, tạo hiệu quả thiết thực và sâu rộng trên khắp địa bàn trọng điểm. 

Bên cạnh đó, Hội LHPN các cấp đã và đang tổ chức các hoạt động tạo dựng và phát triển sinh kế tại chỗ cho chị em, phụ nữ thông qua các Đề án, chương trình, các dự án quốc tế. 

Đặc biệt, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018 – 2020 do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đang triển khai có hiệu quả tại hơn 100 xã biên giới nhằm nâng cao nhận thức và hỗ trợ phụ nữ phát triển sinh kế bền vững ở quê hương, từ đó không nảy sinh ý định di cư hoặc xuất cảnh trái phép đi làm ăn, lao động, kết hôn... tại nước ngoài. 

Hưởng ứng ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7, nhân dịp này, tại tỉnh Sơn La, TƯ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Cục Tham mưu cảnh sát (Bộ Công an) đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa: Triển lãm ảnh với chủ đề: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với công tác phòng, chống mua bán người; Hội thảo bàn giải pháp phòng, chống mua bán người qua di cư trái phép và Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn