Mua bán thuốc online - Nên hay không?

19:28 | 18/11/2024;
Truyền hình Quốc hội Việt Nam vừa tổ chức Tọa đàm Đối thoại Chính sách với chủ đề: “Mua bán thuốc online - Nên hay không?”.

Tọa đàm có sự tham gia thảo luận của các vị khách mời: bà Trần Thị Nhị Hà - Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ông Vũ Thái Hà - Giám đốc Vận hành eDoctor, Thành viên Nhóm Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (Worldbank) về Ứng dụng Khám chữa bệnh từ xa (telemedicine) và bà Lê Thị Hà - Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương).

Một trong những điểm mới của Luật Dược (sửa đổi) dự kiến sắp được Quốc hội thông qua là quy định về mua bán thuốc online (trực tuyến). Tuy nhiên, theo các chuyên gia dược, hiện việc mua bán thuốc trực tuyến đã và đang diễn ra phổ biến nhưng vấn đề đặt ra là làm sao để đưa hoạt động này vào khuôn khổ pháp luật.

Theo ông Nguyễn Hữu Trọng, Tổng Thư ký Hội Tin học y tế Việt Nam: “Một số nước trên thế giới và trong khu vực đã và đang triển khai bán thuốc online từ nhiều năm qua. Ở Việt Nam, bán thuốc online bắt đầu có từ những năm 2017 - 2018 và ngày càng phát triển mạnh. Theo ước tính thị trường thuốc online Việt Nam tới năm 2024 đang đạt khoảng 5% - 8% thị phần bán thuốc và đang tăng trưởng không ngừng. Vì vậy có thể thấy việc mua thuốc kê đơn trực tuyến rất hữu ích và nhận được sự ủng hộ từ người tiêu dùng Việt Nam".

Mua bán thuốc online - Nên hay không?
- Ảnh 1.

Khách mời chia sẻ tại Tọa đàm đối thoại chính sách với chủ đề: “Mua bán thuốc online - Nên hay không?”.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc mua thuốc kê đơn qua mạng mang lại sự tiện lợi cho người tiêu dùng, đặc biệt là những người sống ở vùng sâu, vùng xa, nơi các hiệu thuốc không phải lúc nào cũng có sẵn thuốc. Thay vì phải đến tận nơi khám bệnh và mua thuốc, người bệnh có thể đặt hàng trực tuyến một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và công sức. Khi người dân có thể mua thuốc kê đơn qua mạng, số lượng bệnh nhân đến trực tiếp các bệnh viện và phòng khám có thể giảm bớt, góp phần giảm tải cho hệ thống y tế và tránh lây nhiễm chéo. Điều này đặc biệt quan trọng trong các trường hợp bệnh lý mạn tính, khi bệnh nhân chỉ cần tái khám để lấy thuốc, không cần phải khám lại. Bên cạnh đó, việc mua thuốc online có thể giúp người dân tiết kiệm chi phí vận chuyển và chi phí khám bệnh. Các cửa hàng thuốc trực tuyến thường có giá cả cạnh tranh hơn do giảm thiểu chi phí thuê mặt bằng, nhân viên và các chi phí phụ trợ khác.

Nếu việc bán thuốc kê đơn qua mạng được quản lý chặt chẽ, có thể giúp người tiêu dùng tiếp cận các loại thuốc chất lượng từ các nguồn đáng tin cậy. Người dùng cũng có thể dễ dàng tra cứu thông tin về thuốc và các đánh giá của người dùng khác trước khi quyết định mua. Tuy vậy, cần phân biệt rõ ràng giữa việc bán thuốc online có kiểm soát và các hoạt động Livestream bán thuốc tự phát của các cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội. Do đó, việc luật hóa và quản lý bán thuốc online cần triển khai ngay, tránh tình trạng bán “chui”, khó nắm bắt, khó phát hiện.

Để giải quyết thực trạng mua bán thuốc tràn lan như hiện nay, ông Nguyễn Hữu Trọng cho biết, “Bộ Y tế đã triển khai hệ thống đơn thuốc quốc gia giúp việc quản lý đơn thuốc minh bạch, rõ ràng. Hệ thống có đầy đủ mã cơ sở khám chữa bệnh, mã bác sĩ, mã đơn thuốc. Những dữ liệu này được liên thông, tập trung trên hệ thống quản lý thuốc kê đơn. Chúng ta hoàn toàn có thể triển khai việc mua bán thuốc trên sàn thương mại điện tử một cách hợp lệ. Tuy nhiên cần phải giám sát chặt chẽ việc mua bán thuốc theo hình thức thương mại điện tử và đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về việc mua thuốc theo đơn của bác sĩ. Chính phủ cần ban hành hoặc sửa đổi bổ sung các chế tài xử phạt đủ để cơ sở khám chữa bệnh và bán thuốc phải thực hiện”. 

Mua bán thuốc online - Nên hay không?
- Ảnh 2.

Khách mời chia sẻ Tọa đàm đối thoại chính sách với chủ đề: “Mua bán thuốc online - Nên hay không?” do Truyền hình Quốc hội Việt Nam vừa tổ chức.

Như vậy, thương mại điện tử chính quy vận hành bởi các công ty đã được cấp phép nên được tạo điều kiện phát triển và toa thuốc điện tử là cơ sở thuận lợi cho thương mại điện tử dược phát triển đúng. Khám chữa bệnh trực tuyến được khuyến khích thì dược phẩm cũng nên được bán trực tuyến.

Về đề xuất quy định liên quan tới việc mua bán thuốc online, ông Chu Đăng Trung, Trưởng Phòng Pháp chế hội nhập, Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, “Theo quy định hiện nay, việc mua thuốc phải được thực hiện trực tiếp tại địa điểm đã được cấp phép, đủ điều kiện kinh doanh về dược. Tuy nhiên trong bối cảnh công nghệ và thương mại điện tử ngày càng phát triển mang lại nhiều hữu ích cho người dân, Bộ Y tế đề xuất đưa quy định về kinh doanh thuốc trên sàn thương mại điện tử vào dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược 2016. Theo đó, việc kinh doanh thuốc trực tuyến được thực hiện qua các sàn giao dịch thương mại điện tử; website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến để xác định được pháp nhân chịu trách nhiệm. Cùng với đó, các cơ sở muốn kinh doanh thuốc trực tuyến phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện và đáp ứng tiêu chuẩn về kỹ thuật, cơ sở vật chất, nhân sự và địa điểm kinh doanh”.

Để công tác quản lý kinh doanh thương mại điện tử dược có hiệu quả và đáp ứng được thực tế khám chữa bệnh hiện nay, Luật Dược mới không nên chốt cứng các quy định về những loại thuốc kê đơn, thuốc hạn chế bán lẻ thuộc nhóm không được bán trực tuyến, chỉ được bán thuốc thuộc danh mục không kê đơn. Bởi vì, mỗi lần ban hành Luật sẽ áp dụng trong thời gian dài, rất khó sửa đổi bổ sung, đôi khi kéo dài quá sẽ không đúng với tình hình thực tế, không thể kịp thời phục vụ tốt cho đời sống người dân. Vì vậy, đề xuất nên để Chính phủ, Bộ Y tế được quyền ban hành hướng dẫn chi tiết ở các nghị định, thông tư tiếp theo. Chính phủ hoặc Bộ Y tế do Chính phủ phân công sẽ ban hành danh mục hoạt chất nào được phép bán hoặc cấm bán. Khi đó, bất cứ thuốc dù có tên thương mại nào nhưng nằm trong danh mục hoạt chất cấm bán thì vẫn phải tuân theo quy định.

Trước một số băn khoăn lo ngại sẽ không kiểm soát được việc kinh doanh dược phẩm trực tuyến, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh thuốc cho rằng, mua thuốc thực hiện qua môi trường điện tử sẽ minh bạch và dễ dàng kiểm soát cho các cơ quan chức năng hơn rất nhiều, chẳng hạn như nội dung tư vấn có thể được ghi âm, vận chuyển thuốc có thể theo dõi hành trình chi tiết. Ngoài ra, việc giao nhận thuốc với người bệnh có đối chiếu qua hình ảnh, chứng thực xác nhận về số lượng, chất lượng và lưu giữ bằng chứng trên môi trường điện tử phục vụ cho việc truy xuất vài tháng sau đó vẫn khả thi. Đặc biệt, trong tình huống có sự cố ngoài ý muốn thì việc truy xuất đường đi của hàng hóa sẽ đơn giản và chính xác hơn rất nhiều.

Thông qua Tọa đàm, Ban tổ chức mong muốn đa dạng thêm góc nhìn, góp phần vào việc xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật Nhà nước trong thời gian tới, hướng đến mục tiêu thực hiện sứ mệnh bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn