Qua Mỹ hơn 10 năm nhưng 5 năm nay chị Phương Anh (hơn 40 tuổi, Tiền Giang) mới tìm thấy niềm đam mê của mình trong căn bếp nhỏ với làm bánh, nấu ăn. Nhờ đó, từ đôi bàn tay trắng, chị đã xây dựng được cho mình 2 cửa hàng đồ ăn Việt ở nơi xứ người.
Hiện nay, mỗi sáng thức dậy, sau khi ra vườn tưới cây, chị ra nhà hàng làm việc tới khi đóng cửa rồi về nhà dọn dẹp, bắt đầu nướng bánh, bắt hoa trước để hôm sau trang trí. Nhờ các con tự lập từ nhỏ, chồng giúp đỡ việc chăm con nên chị không phải bận tâm nhiều, có khi chơi với các con đến lúc đi ngủ, chị lại tiếp tục làm việc tới 1-2h sáng, thậm chí 4h sáng vào cuối tuần.
Chị Phương Anh.
Chị Phương Anh cho biết, chị sang Mỹ được 10 năm. Trước đây khi ở Việt Nam do làm văn phòng nên nấu ăn không được giỏi. Khi sang Mỹ, tới sinh nhật con, chị mua bánh ở tiệm về chỉ để chụp hình mà không ăn nổi, phải bỏ đi. Từ đó quyết tâm học làm bánh, nấu ăn trong chị tăng cao.
Trước đó, khi sống ở Nam Carolina, Mỹ - ở tiểu bang này không có nhiều người Việt sinh sống, đa phần là làm nail nên các dịch vụ dành cho người Việt rất ít. Những nhà hàng Việt nấu để phục vụ người bản xứ là chính nên không hợp với khẩu vị của người Việt nên chị đành tự học nấu ăn để tăng hương vị cho món ăn gia đình. Và cách đây 6 năm khi mua ngôi nhà đầu tiên ở Duluth, Carolina, Mỹ, chị đã bén duyên với bếp.
“Mình đến với bếp bánh là do sở thích ăn bánh, thứ 2 là do mình thích tìm tòi, học hỏi. Rồi vô tình mình quen được các bạn trẻ làm bánh ở Việt Nam nên niềm đam mê bắt đầu mãnh liệt hơn”, chị Phương Anh chia sẻ.
Từ mua bánh sinh nhật con không ăn được, chị quyết tâm học làm bánh.
Ở Mỹ rất khó tìm nguyên liệu làm bánh hay nguyên liệu nấu đồ ăn Việt nên để mua được dụng cụ và nguyên liệu chị phải đi xa mới có chợ Việt Nam. May mắn có chồng luôn đồng hành, không chỉ là “chuột bạch” cho chị thử món ăn mà con là người chở chị đi mua hay tìm giúp chị những nguyên liệu, dụng cụ khi cần.
Chia sẻ về thời gian đầu học nấu ăn, làm bánh, chị Phương Anh cho hay, chị làm hư bánh rất nhiều, thậm chí chồng con không ăn được. Tuy nhiên, chưa bao giờ chị bỏ cuộc. Hễ con đi ngủ, chị lại tranh thủ vào bếp, có hôm chị thức gần đến sáng để chinh phục một món ăn hay một loại bánh. Sau này, chị bắt đầu học online rồi xem nhiều video trên Youtube hay của các nghệ nhân bánh Việt Nam học hỏi và từ đó bắt đầu làm bánh hay nấu ăn đem tặng.
Ở Mỹ có phong tục nhà ai có tiệc thì mỗi người mang theo một món ăn. Chính vì vậy chị bắt đầu được nhiều người biết đến và nhờ làm bánh hoặc món ăn cho họ. Vậy là từ đó chị bén duyên với bếp bánh.
“Ban đầu mình làm bánh kem tươi whipping thôi nên trang trí không đẹp lắm. Sau đó thấy kem bơ ổn định hơn, mình bắt đầu tìm hiểu rồi mê những chiếc bánh hoa xinh đẹp. Mỗi lần làm một chiếc bánh mà mình ưng ý theo từng thời điểm thì cảm giác rất khác nhau. Lúc mới biết làm thì vui mừng nhưng thấy vẫn còn nhiều thiếu sót. Tới lúc chinh phục được những chiếc bánh đẹp hơn thì lâng lâng, rồi tự nghĩ sao mình có thể làm được chứ.
Mình nhớ nhất là lần đầu tiên làm bánh bò nướng không có khuôn cho vào khay nướng của lò nướng. Hết giờ đêm bánh ra nó có cái hình một chiếc bàn bốn chân, mùi trứng tanh nồng nàn. Sau một trận cả nhà cười lăn cười bò thì thùng rác hưởng trọn”, chị Phương Anh cười cho biết.
Chị Phương Anh chia sẻ, ông xã và các con giúp đỡ rất nhiều trong cải thiện khả năng nấu nướng. Con trai là fan ruột của chị còn con gái kén ăn hơn nên chính là động lực cho chị học thật nhiều. Ông xã thì luôn là thực khách khó tính đầu tiên của chị và là người tạo động lực cho chị mở 2 nhà hàng kinh doanh ở Mỹ, một nhà hàng chuyên món Việt và một nhà hàng chuyên món Tàu – Việt, để 2 vợ chồng từ tay trắng có được sự nghiệp như hiện nay.
“Trước kia mình nấu ăn tại nhà cho khách order. Ở tiểu bang trước ít người đặt bánh hơn. Khoảng một năm nay khi dọn về Atlanta, Georgia, Mỹ thì công việc làm bánh khởi sắc hơn rất nhiều.
Mình không biết được gọi là nấu ăn ngon hay không vì còn tùy vào khẩu vị của người ăn nữa nhưng hiện tại mình có 2 nhà hàng. Nhà hàng đầu tiên mình mua lại nhà hàng Tàu do người Việt làm chủ vào gần cuối năm 2015 và sau này mình mở một nhà hàng chuyên món ăn Việt nữa”, chị Phương Anh cho hay.
Những nguyên liệu chị phải ship từ Việt Nam sang.
Chị Phương Anh tâm sự, với các món ăn, chị luôn cố gắng giữ thật đúng hương vị nhất có thể. Phương châm của chị trong nấu ăn kinh doanh trên xứ người là giới thiệu cho người bản xứ biết chính xác hương vị món ăn Việt Nam là như thế nào nên trong tất cả các món ăn của chị đều có nước mắm hoặc mắm ruốc, mắm nêm, hay mắm tôm. Mặc dù việc tìm nguyên liệu Việt vô cùng khó ở Mỹ nhưng chị luôn cố gắng lặn lội đến các khu chợ Việt xa để mua hoặc gửi ship từ Việt Nam sang. Và để tạo sự riêng biệt, chị không ngừng học hỏi ngày đêm và không tiếc khi học online dù rằng chỉ có công thức và video. Chính vì vậy, đó là niềm tự hào của riêng chị khi chưa từng qua lớp học trực tiếp nào.
Vì muốn giữ bản sắc Việt để người Việt đỡ nhớ quê và cũng muốn giới thiệu cho người Mỹ món ăn thuần túy Việt, chị liên tục cập nhật các món mới của Việt Nam. Hễ thấy thích hợp chị sẽ phục vụ khách hàng liền. Hiện nay, do dịch COVID-19 ảnh hưởng nhiều đến kinh doanh nên chị xoay sở làm nhiều món ăn vặt thường xuyên để thu hút khách cũng như cố gắng giữ hương vị món ăn chuẩn nhất.
“Niềm an ủi của mình là khách thương, thích cái sáng tạo trong từng chiếc bánh. Có khách khi lấy bánh cứ trầm trồ bánh đẹp, họ nâng niu cái bánh khi mang ra xe, làm người làm bánh như mình rất ấm lòng. Có khách biết mình nâng niu từng cái hoa nên khi đặt bánh nói rằng mình làm gấp cũng được, miễn đẹp là được, đơn giản thôi, không cần bỏ thời gian nhiều đâu nhưng họ biết rất rõ mình không qua loa với những chiếc bánh.
Mình đã từng được khách Mỹ gọi lại và nói là món bò kho này ngon nhất ông ấy từng được ăn. Hay món bún bò Huế giống nhà nấu nhất hay cơm phần gia đình chuẩn như nhà nấu, mong rằng mình nhận nấu cơm tháng để họ có thể đặt và dành thời gian cho con họ nhiều hơn là phải nấu mỗi ngày. Vì món ăn Việt có rau nên sẽ được lựa chọn cho sức khỏe. Với lại mình nấu ăn không bột ngọt và không nhiều muối nên khách hàng rất thích”, chị Phương Anh nhớ lại.
Chị cố gắng gìn giữ và quảng bá món ăn Việt ở nước ngoài.
Chia sẻ về việc làm sao cân đối được giá cả vì nguyên liệu Việt Nam khá đắt đỏ, chị Phương Anh thổ lộ, những người hiểu chiếc bánh, món ăn chị làm đều là home make, ngon, đẹp, theo đơn hàng thì đồng ý về giá cả. Đặc biệt họ biết chị chăm chút từ chiếc hộp đẹp mua ở Việt Nam còn những khách không biết họ vẫn so sánh khi đặt mua của chị. Dẫu vậy, chị cũng không buồn lòng bởi mỗi lần thấy khách hàng trầm trồ khi cầm chiếc bánh đẹp, nân niu chúng, hay khen ngợi món ăn chị làm giống nhà nấu nhất là chị lại cảm thấy vui và hạnh phúc, có động lực cố gắng hơn.
Những chiếc bánh chị làm khiến vị khách nào cũng thích thú.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn