Sau một năm kinh tế khó khăn trên phạm vi toàn cầu, tiền lương giảm mạnh và bão sa thải trở thành chủ đề chủ đề xuyên suốt trong mọi cuộc trò chuyện về việc làm thì sang năm 2024, người tiêu dùng được dự đoán sẽ chi tiêu như thế nào?
Theo Forbes, “chi tiêu trả thù" (một hiện tượng chi tiêu hoang phí xảy ra vào năm 2022 sau khi người dân dồn nén khoản tiết kiệm trong đại dịch Covid-19) đã kết thúc. Xu hướng tiêu dùng này thể hiện tính chu kỳ “cái gì tăng thì phải giảm". Hay nói đúng hơn, giờ đây khách hàng đã bắt đầu tiêu tiền ổn định.
Công ty nghiên cứu thị trường Forrester dự đoán sang năm 2024, khách hàng sẽ rèn luyện nhận thức và tiêu xài bình tĩnh hơn sau cơn bão “chi tiêu trả thù".
Việc tìm kiếm giá trị của sản phẩm sẽ “thống trị” tư duy mua hàng của họ. Trước bối cảnh nền kinh tế suy thoái toàn cầu, niềm tin và thái độ mua sắm của khách hàng đã bị tác động. Bên cạnh nỗ lực tiết kiệm tiền, họ vẫn sẽ không ngừng mua sắm nhưng luôn mong đợi tối đa hoá giá trị nhận được từ sản phẩm, dịch vụ. Điều này được thể hiện không chỉ ở việc khách hàng chuyển đổi mua sắm tại cửa hàng và thương hiệu tốt mà còn là thông qua việc dùng thử, nhận ưu đãi đặc biệt, gói thanh toán giảm giá… khi mua hàng.
Trong một báo cáo mới của Diageo (công ty đứng sau các thương hiệu rượu bao gồm Guinness, Smirnoff và Johnnie Walker) cho biết: “Khi những thách thức tài chính xuất hiện, người tiêu dùng đang đánh giá lại mối quan hệ của họ với sự sang trọng và địa vị”.
Dưới đây 5 xu hướng mà Business Insider đã tổng hợp từ báo cáo này, được dự đoán sẽ định hình hành vi của khách hàng vào năm 2024 và xa hơn nữa.
1. Theo đuổi chủ nghĩa tân khoái lạc (neo-hedonism)
Khách hàng ngày nay đang có xu hướng theo đuổi chủ nghĩa tân khoái lạc, hay tìm kiếm trải nghiệm có ý nghĩa hơn là sự phô trương giàu có. Xu hướng này thúc đẩy mọi người hình dung lại về “niềm vui”, biến nó từ việc theo đuổi sự xa hoa thoáng qua thành trân trọng lâu dài đối với thời điểm hiện tại.
Một ví dụ của xu hướng này là nhiều GenZ và Millennials cho biết họ muốn chi tiền cho những trải nghiệm như buổi hòa nhạc và đi du lịch hơn là tiết kiệm cho việc nghỉ hưu, theo một nghiên cứu của Experian. Hay điển hình hơn là Eras Tour của Taylor Swift đang thúc đẩy chi tiêu và định hình nền kinh tế trải nghiệm. Bên cạnh đó, đi bar và xem triển lãm nghệ thuật cũng thể hiện cách người trẻ chi tiền với xu hướng này.
2. Chi tiêu bền vững - Mua hàng từ những thương hiệu tạo ra thay đổi tích cực
Khách hàng ngày càng nhận được thức được tác động mà việc mua hàng gây ra đối đối với môi trường. Đồng thời, họ muốn hỗ trợ doanh nghiệp "coi sự bền vững và trách nhiệm là giá trị cốt lõi”. Điều này thể hiện ở việc khách hàng xem xét đến toàn bộ vòng đời của sản phẩm, từ khâu tìm nguồn nguyên liệu, sản xuất và phân phối đến việc tái chế, tái sử dụng….
“Tuy nhiên, tính bền vững không thể thay thế cho những động lực mua hàng chính là: thiết kế và chất lượng của sản phẩm, sự ưa thích với thương hiệu", Mark Sandys, Giám đốc đổi mới của Diageo, chia sẻ.
Mark Sandys nói thêm, người tiêu dùng đang tập trung vào trách nhiệm xã hội của các công ty bao giờ hết. Điều này thể hiện ở việc họ ủng hộ các thương hiệu địa phương có khả năng tạo ra việc làm, cũng như doanh nghiệp thể hiện cam kết giải quyết tình trạng bất bình đẳng xã hội, đặc biệt là hỗ trợ quyền LGBTQ+ và chống phân biệt chủng tộc.
3. Tập trung nhiều hơn cho hạnh phúc cá nhân
Những năm vừa qua, từ áp lực kinh tế đến thách thức về môi trường, thế giới phát triển nhanh chóng và sự kết nối giữa người và người đang khiến người tiêu dùng phải đối mặt với nhiều yếu tố gây căng thẳng chưa từng có. Cũng vì thế, “những giây phút bình yên, thư thái đã trở thành kho báu quý hiếm” với họ.
Đại dịch Covid-19 dẫn đến sự thay đổi trong cách mọi người nhìn nhận về sức khỏe và hạnh phúc. Giờ đây, họ dành coi trọng hơn cho sức khỏe tâm lý, cảm xúc, tình dục, xã hội và tài chính.
Trong một cuộc khảo sát với hơn 24.000 người trên 31 quốc gia, Ipsos nhận thấy 78% số người được hỏi cho biết sức khỏe tinh thần của họ cũng quan trọng như sức khỏe thể chất. Ngày càng nhiều người kết hợp các phương pháp trị liệu như spa, yoga và thiền vào cuộc sống hàng ngày tại nhà, thử các phương pháp cai nghiện kỹ thuật số và kết nối với những người xung quanh.
Điều này cũng ảnh hưởng đến cách người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm. Họ chọn chúng vì các đặc tính cải thiện tâm trạng và sức khỏe tinh thần cũng như lợi ích dinh dưỡng.
4. VR và AI định hình cách mọi người tương tác với thương hiệu
Tác động của công nghệ đến cuộc sống con người chỉ tăng lên mỗi năm. Hiện, VR (công nghệ thực tế ảo) đang thay đổi cách mọi người giao tiếp với người khác. AI cũng ngày càng thâm nhập sâu vào đời sống, công việc.
Ngoài ra, VR và AI còn định hình cách mọi người tương tác với thương hiệu. Con người đang chi tiền cho những trải nghiệm và hàng hoá kỹ thuật số nhiều hơn. Họ sử dụng VR và AR (tương tác thực tế ảo) để thử quần áo trước khi mua hoặc để hình dung những món đồ nội thất mới sẽ như thế nào trong nhà mình, nhận được các đề xuất mua sắm được cá nhân hoá do AI tạo ra. Bên cạnh đó, Chatbot AI giúp thương hiệu tăng tương tác và hỗ trợ thông tin nhanh hơn tới khách hàng.
5. Mọi người đang kết nối vì những sở thích chung
Người tiêu dùng đang có xu hướng tìm kiếm không gian để kết nối với những cá nhân có cùng sở thích. Nhiều cộng đồng cả trực tuyến lẫn bên ngoài được thành lập. Đây là nơi mọi người gặp gỡ nhau dựa trên sở thích chung, bất kể họ đến từ đâu.
Đối với các thương hiệu, đây là cơ hội để họ tương tác với cộng đồng người yêu thích của mình, chẳng hạn thông qua ưu đãi trong thời gian có giới hạn hay bổ nhiệm đại sứ là người nổi tiếng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn