PV: Theo dự báo, hiện tượng nắng nóng ở Nam bộ sẽ còn kéo dài bao lâu, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Hưởng: Năm nay, nắng nóng ở Nam bộ diễn ra trên diện rộng và kéo dài. Trong đó, ở khu vực Đông Nam bộ, cụ thể là các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, nắng nóng kéo dài liên tục 36 ngày.
Đây được đánh giá là đợt nắng nóng dài và gay gắt nhất từ đầu năm tới nay. Chúng tôi đã thống kê được một số nơi xảy ra nắng nóng kỷ lục trong tháng 4 như ở Biên Hòa (Đồng Nai), nhiệt độ có ngày lên 40 độ, vượt mức 39 độ vào năm 2020. Long Khánh (Đồng Nai), Thủ Đầu Một (Bình Dương) hay khu vực Phước Long của tỉnh Bình Phước cũng có mức nhiệt cao kỷ lục trong tháng 4.
Dự báo, ở Nam bộ sẽ còn nhiều ngày nắng nóng với mức nhiệt phổ biến từ 35 đến 38 độ, có nơi 39-40 độ và không loại trừ khả năng xuất hiện kỉ lục về nhiệt độ trong những ngày còn lại của tháng 4. Sang đến tháng 5, khi mưa bắt đầu xuất hiện thì nền nhiệt của Nam bộ sẽ có xu hướng giảm.
PV: Xin ông cho biết nguyên nhân của hiện tượng nắng nóng gay gắt tại khu vực Nam bộ thời gian qua?
Ông Nguyễn Văn Hưởng: Chúng ta đang chịu tác động của hiện tượng El Nino. Về mặt hoàn lưu khí quyển khi xuất hiện El Nino thường tạo ra dòng giáng, hạn chế đối lưu ở khu vực El Nino ảnh hưởng nên dẫn đến tình trạng ít mưa trên khu vực.
Dòng giáng này được thể hiện bằng việc lưỡi áp cao cận nhiệt đới trên độ cao 3.000-5.000m hoạt động mạnh. Tây Nguyên và Nam bộ nằm trong lưỡi áp cao cận nhiệt đới này khiến trời ít mây, nắng nóng sớm và gay gắt.
Dự báo, khoảng nửa cuối tháng 5/2024, lưỡi áp cao cận nhiệt đới này rút ra ngoài, gió mùa Tây Nam xuất hiện, lúc đó ở Tây Nguyên và Nam bộ dần chuyển sang mùa mưa, nắng nóng sẽ giảm dần.
PV: Vậy tình hình thời tiết tại những khu vực khác của nước ta thời gian tới sẽ thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Hưởng: Dự báo từ nay đến tháng 8/2024, nền nhiệt trung bình trên cả nước sẽ cao hơn so với trung bình các năm trước từ 0,5 độ đến 1,5 độ. Có khả năng xuất hiện nhiều đợt nắng nóng hơn, gay gắt hơn, phân bố nắng nóng sẽ tập trung nhiều tại khu vực Bắc bộ và Trung bộ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn