Tôi không nhớ mẹ tôi bắt đầu làm sữa đậu nành và tào phớ từ năm nào. Nhưng có những người bạn thân thiết gắn bó từ lâu, ra trường nhận công tác xa, mỗi lần quay về thành phố vào dịp hè lại điện thoại hỏi tôi: “Hè này, u đã làm sữa đậu nành chưa?”. Nếu câu trả lời là rồi thì nhất định một buổi trưa nào đó, dù tôi không có nhà, bạn cũng phi xe đến, ăn cùng mẹ tôi bữa cơm. Sau bữa trưa sẽ là tiết mục tào phớ, sữa đậu nành kèm đá viên nhỏ.
Còn nhớ, từ nhỏ tôi đã là đứa khảnh ăn. Thời bao cấp khó khăn, trẻ con nhìn thấy gì cũng háo hức muốn ăn, riêng tôi lại rất thờ ơ với đồ ăn. Vì muốn con gái chịu khó ăn nên mẹ tôi cũng hay mày mò nghĩ ra món nọ món kia. Có món tôi nhớ nhất là kem đậu xanh. Mẹ rang đỗ xanh, xay nhuyễn và hàng ngày mang theo đến chỗ làm. Vì hồi đó tủ lạnh rất hiếm nên mẹ phải nhờ máy đá ở gần chỗ làm.
Hồi đó, chiều nào tôi cũng mong mẹ về. Háo hức chờ mẹ đưa cho chiếc cặp lồng, trong đó có hai que kem chẳng còn rõ hình thù vì quãng đường từ chỗ làm về nhà khá xa, không có đồ bảo quản nên kem đã tan kha khá. Mẹ tôi kể, có lẽ đó là thứ quà duy nhất mà tôi thích nên suốt cả mùa hè, trừ ngày nghỉ, còn thì ngày nào mẹ cũng làm kem cho con gái.
Món sữa đậu nành mẹ làm từ hồi trên thị trường còn chưa có sữa tươi đóng hộp, sữa đậu nành đóng túi như bây giờ, cũng vì muốn con chịu khó ăn uống. Quả thật, đến bây giờ tôi vẫn tự hào vì món sữa đậu nành mẹ tôi làm, chắc chắn là ngon nhất bởi vô cùng chất lượng, chứ không loãng toẹt như sữa đậu nành vẫn bán đầy ở các hàng đậu phụ ngoài chợ.
Đậu nành mẹ nhờ mua ở quê, những hạt tròn nhỏ (không lấy loại hạt to), mẹ giải thích, hạt nhỏ sẽ thơm hơn rất nhiều. Hạt đậu mua về mẹ nhạt bỏ toàn bộ những hạt lép. Trước đây, mẹ dùng bột làm thạch để làm đông tào phớ, giờ thay bằng đường nho (loại đường không quá ngọt và làm đông được tào phớ). Loại đường này bán nhiều ở siêu thị hoặc các cửa hàng làm bánh.
Mỗi lần làm, mẹ thường chuẩn bị 2 lạng đậu nành, 1 thìa cà phê đường nho (không xúc quá đầy), 2 lít nước lã. Đậu nành mẹ ngâm từ đêm hôm trước, đến sáng hôm sau ngủ dậy là mẹ lập tức làm sạch, bỏ toàn bộ vỏ, để ráo nước. Thời gian ngâm đậu nành nên căn trong khoảng 6 - 7 tiếng vì ngâm quá lâu đậu sẽ bị chua, sản phẩm sẽ không ngon.
Sau đó cho đậu vào máy xay sinh tố, nên xay làm vài lần, mỗi lần xay xong lại lọc, cho tới khi hết 2 lít nước.
Chuẩn bị khăn xô, phủ lên rổ để lọc lấy nước đậu. Cho nước đậu lên đun, để lửa vừa, khuấy đều trong quá trình đun để đậu không lắng xuống đáy. Khi sôi thì tắt bếp, để lửa nhỏ một lúc thì tắt bếp.
Pha thìa đường nho với 15-20ml nước lọc, lắc đều cho đường tự tan hết, láng đều khắp nồi hoặc âu (đã chuẩn bị từ trước để làm khuôn đựng tào phớ). Sau khi tắt bếp khoảng 8 - 9 phút thì nhanh tay đổ nước đậu vào nồi, tuyệt đối không khuấy. Phải làm theo đúng quy trình này, chứ không được đổ nước đường nho vào nồi nước đậu. Dùng màng bọc kín miệng nồi, nhẹ nhàng đặt vào hộp xốp hoặc lò vi sóng, đóng kín lại và để trong 1 tiếng.
Bình thường mẹ tôi hay giữ lại một phần nước đậu nành, cho thêm đường vào để ăn cùng tào phớ, nhưng sau này để bát tào phớ ăn có vị ngọt thanh hơn, mẹ dùng đường phèn đun sôi, thêm lá nếp, vài lát gừng trong quá trình đun. Khi nước đường nguội có thể thả thêm vài bông hoa nhài lên bề mặt rồi cho vào tủ lạnh. Khi ăn nên dùng nắp lon sữa để xúc tào phớ vào bát, sau đó múc nước đường, hoặc sữa đậu nành vào.
Nay tuổi đã cao, mẹ không còn làm món này mỗi ngày, thi thoảng làm mẹ cũng học theo ngoài hàng, chuẩn bị thêm một ít thạch, trân châu, dừa nạo, hạt é, thậm chí cả caramen… để thả vào ăn cùng tào phớ. Món ăn chơi chơi mẹ làm hồi nào, giờ cũng có thể ăn đến no căng bụng vì các “món độn” nhiều hơn món chính.