Kim Thoa, 30 tuổi, hiện đang là freelance copywriter đã mua căn hộ với diện tích 68m2 ở Bình Dương, giáp với TP Thủ Đức. Giá nhà tại thời điểm 7/2019 là 1,7 tỷ đồng, chi phí nội thất cơ bản bao gồm thiết bị gia dụng và điện tử khoảng 200 triệu đồng.
Được biết Kim Thoa thích nhà cửa từ nhỏ nên luôn mơ về một ngôi nhà của riêng mình. Tuy nhiên, mãi đến khi thăm căn nhà mới của bạn thân và hỏi về bài toán tài chính, cô bạn mới mạnh dạn quyết định tìm hiểu và mua nhà. “Lúc đó mình độc thân, đi làm vài năm nên chưa đủ tài chính tự mua nhà nên đã mua chung với em trai, kém mình 3 tuổi. Bọn mình trả tầm 600 triệu, vay ngân hàng 1,1 tỷ đồng, khoảng 65% giá trị căn nhà".
Không gian căn nhà vô cùng xinh xắn
Sau khi cân nhắc trên nhiều khía cạnh, cô bạn đã quyết định tự thiết kế nội thất cho căn nhà của mình. “Thứ nhất là về chi phí, mình không có nhiều tiền tại thời điểm mua nhà nên nếu tìm một đơn vị thiết kế như ý mình muốn thì chi phí sẽ không đủ. Thứ hai, mình cũng là người mê và luôn tự tìm hiểu trang trí nội thất nên cũng muốn được tự mình trải nghiệm quá trình tự lên ý tưởng và hiện thực hoá nội thất cho căn nhà mình. Về mặt thời gian mình không quá gấp vì mua dự án và 1 năm sau mới vào ở nên có thể chuẩn bị”.
Kim Thoa chia sẻ việc tự làm khi không có chuyên môn dĩ nhiên sẽ có sai sót, đó cũng là điều khiến cô bạn phải suy nghĩ rất nhiều. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc giữa niềm vui được trải nghiệm và nỗi sợ sai sót này, Thoa vẫn lựa chọn “dấn thân" tự thiết kế nội thất nhà cửa. Thời gian cho việc lên ý tưởng và chuẩn bị là 1 năm và cần 2 tuần để hoàn thiện nội thất.
Kim Thoa đã thiết kế nội thất trên powerpoint cho dễ theo dõi và đồng thời cũng dễ để làm việc với các bên cung cấp hơn. Điều này phần lớn “được truyền cảm hứng" khi cô bạn là người làm trong ngành truyền thông - quảng cáo, thường xuyên trình bày ý tưởng và kế hoạch thực hiện trên powerpoint.
Bên cạnh đó, cô bạn cũng bắt đầu từ việc xem hình nhà cửa trên Pinterest, Instagram, YouTube sau đó chọn lọc lại những gì bản thân thích. Tuy nhiên, vì lo lắng lựa chọn 1 phong cách cố định đến lúc không thích nữa cũng sẽ khó thay đổi, nên sau cùng Kim Thoa gần như không theo một phong cách cụ thể nào cả. Cô bạn chỉ chọn những món đồ và sắp đặt theo cảm xúc làm sao để tạo nên sự ấm cúng, thoải mái và cảm giác thân thuộc.
Dù việc tự lên ý tưởng thiết kế nội thất khá thú vị, nhưng sau hơn 2 năm chuyển về nhà mới, nó cũng có một số khuyết điểm. Song, theo Kim Thoa, đa số những điểm này đều có thể tự điều chỉnh lại. “Chẳng hạn, bộ rèm ban đầu đặt sai màu thì mình đã thanh lý, bộ bàn ăn bên xưởng làm sai so với thiết kế đưa ra nên mình đã trả lại để mua bộ khác,... Mình gần như không bao giờ hỏi bản thân câu "nếu được làm lại" vì với mình mọi thứ xảy ra đều có lý do của nó, việc sai sót cũng cho mình những bài học, trải nghiệm hay. Tới thời điểm hiện tại mình gần như hài lòng về căn nhà, kể cả những chỗ chưa hoàn hảo”.
Sau trải nghiệm cá nhân, Kim Thoa cho rằng chưa hẳn tự thiết kế nội thất đã giúp tiết kiệm. Nếu yêu thích, hiểu biết và có thời gian, tự thiết kế nội thất sẽ giúp bạn tiết kiệm chi phí và đem lại trải nghiệm đáng giá. Còn khi bạn không có kiến thức, hiểu biết, thời gian tìm hiểu, chuẩn bị sẽ dễ làm sai và chi phí còn nhân lên nhiều hơn mà kết quả lại không như mong muốn. Vì vậy với những ai đang muốn tiết kiệm mà không có thời gian tìm hiểu, kiến thức mà vẫn muốn nhà đẹp, Thoa khuyên nên tìm các đơn vị nội thất chuyên nghiệp có mức chi phí phù hợp để không bị căng thẳng trong quá trình làm nhà.
Kim Thoa nhấn mạnh rằng nếu muốn tự thiết kế nội thất, hãy lưu ý 5 điều này:
- Chấp nhận rằng chắc chắn sẽ có sai lầm: Dù bạn là người có chuyên môn hay ngoại đạo như mình thì việc mắc sai lầm khi làm nội thất nhà như mua sai món, đặt sai màu, sai kích thước... là chuyện đương nhiên. Cứ thả lỏng và xác định tâm lý sẽ có sai sót nhưng hãy kiểm soát sai số trong mức phần trăm có thể chấp nhận được và chuẩn bị tài chính hay phương án sửa sai nếu mắc lỗi.
- Không cần hoàn thiện mọi thứ cùng một lúc: Kim Thoa xác định, ít tiền thì làm từ từ, đi làm có đủ deadline và KPI rồi, làm nhà cho bản thân thì không cần “khắc nghiệt" đến vậy. Tuy nhiên không có nghĩa là thả trôi, cô bạn vẫn lên kế hoạch và chia giai đoạn, ví dụ khi mới nhận nhà cần hoàn thiện cho những sinh hoạt cơ bản. Một phần khi vào ở, chủ nhà có thêm thời gian cân nhắc xem món đó có cần thiết không, chọn loại nào phù hợp, có giá tốt. Nhược điểm là sẽ hơi mất thời gian.
- Hình dung mọi thứ cụ thể nhất có thể: Chẳng hạn, Kim Thoa làm tủ kệ theo ý mình nên mỗi món đồ, cô bạn đều làm trên 1 slide, mô tả cụ thể nhất có thể: kích thước, chất liệu, màu sơn, bên trong, bên ngoài, đằng trước, đằng sau... tìm hình minh hoạ gần giống nhất và vẽ sơ sơ theo hình dung của bạn nếu có thể. Khi làm với xưởng, cô bạn cũng tìm các bên đã làm kiểu tương tự, yêu cầu họ gửi hình trong lúc đang sản xuất để kiểm tra xem có đúng như thiết kế không.
- Coi việc tự làm nhà là một niềm vui và tận hưởng nó: Trước hết việc tự làm nhà sẽ rất phức tạp, tốn thời gian, dễ gây tranh cãi... nếu bạn coi đây là một công việc phải làm. Nhưng sẽ nhẹ nhàng hơn nếu coi đó là một hành trình mà bản thân đang trải nghiệm niềm vui được tự tay trang trí cho căn nhà của bản thân.
- Đừng để căn nhà chỉ đẹp lúc đầu, hãy khiến nó đẹp dần lên theo năm tháng: Cô bạn luôn thấy một căn nhà đẹp và có hồn hơn khi có người ở và biết chăm chút. Khi mới về nhà, Kim Thoa làm mọi thứ ở mức cơ bản và sống tối giản. Theo năm tháng, cô bạn góp nhặt thêm các món đồ từ những chuyến đi hay săn từ các tiệm đồ secondhand, quà được bạn bè tặng, trồng thêm cây xanh, cắm thêm hoa tươi... Cô bạn cũng thay đổi vị trí đồ đạc trong nhà, trang trí mỗi dịp lễ Tết để luôn đem lại cảm giác mới mẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn