Mua phải hàng giả trên mạng, biết kêu ai?

16:11 | 26/09/2015;
Không khó để tìm một website bán hàng trong số hàng vạn trang đang tồn tại ở Việt Nam. Nhưng để tìm một trang ‘đàng hoàng’ đủ để người mua cảm thấy yên tâm thì quả là quá khó.

Chị Hoàng Thị Oanh, ngụ tại quận Gò Vấp, TP.HCM, kể câu chuyện của mình với giọng đầy ấm ức: “Tôi muốn mua một chiếc iPhone chính hãng nhưng dạo qua vài cửa hàng ở TP.HCM thì thấy giá khá cao, mình không đủ tiền mua. Theo lời khuyên của một số bạn bè, tôi vào mạng lướt qua một số trang web bán hàng, chọn 3 trang có bán món hàng tôi muốn mua với giá rẻ hơn thị trường khoảng 30%, trang nào cũng cam kết bán hàng chính hãng và đưa ra một số hình thức hậu mãi khá hấp dẫn, như khách hàng phát hiện hàng giả thì có thể đổi hoặc trả lại, thậm chí họ còn hứa sẽ bồi hoàn gấp đôi giá trị món hàng. Thế nhưng, sau khi tôi bỏ ra 10 triệu đồng để mua chiếc iPhone 5 loại 36Gb, nhờ một người bạn kiểm tra thì phát hiện là hàng nhái của Trung Quốc. Tôi liên hệ để trả hàng, thì chủ trang mạng cứ hứa hẹn lần lữa, cuối cùng thì anh ta... biến mất!”.

Vì tiếc món tiền bị mất oan, chị Oanh đã từng tính đến chuyện nhờ công an nhưng chị lại không thể biết được chủ trang web là ai. Ảnh minh họa: internet

Trường hợp như chị Oanh không phải là hiếm. Thời gian gần đây, nhiều khách hàng đã “sập bẫy” một số trang mạng rao bán hàng chính hãng với giá “rẻ bất ngờ” – chỉ bằng 40-50% so với thị trường. Các trang này dường như đều có chung một “chiêu bài”, đó là tự dựng lên một “sự kiện” nào đó, ví dụ như “nhân dịp khai trương trang web”, hay “chào đón khách hàng thứ 100.000”.v.v... để đưa ra các chương trình “khuyến mãi” hấp dẫn. Trong số này, có không ít trang đăng cả địa chỉ trụ sở hẳn hoi. Thậm chí, một số người tự cho là có kinh nghiệm mua hàng online, chỉ chọn những trang web có nhiều phản hồi (comment) tích cực từ phía “khách hàng”. Thế nhưng, khi phát hiện mình đã mua nhầm hàng nhái, hàng giả, khách hàng gọi điện khiếu nại thì đều nhận được những câu trả lời “hứa hẹn là chính”. Có người sốt ruột quá, tìm đến địa chỉ trụ sở đăng trên trang web thì tá hỏa thấy đó chỉ là địa chỉ “ma”.

Một “dân trong nghề” cho biết, việc tạo ra một gian hàng online tại Việt Nam hiện nay là hết sức đơn giản, chỉ cần khoảng 5 phút với vài thao tác mà chỉ cần những người mới tập tò làm quen với công nghệ thông tin cũng có thể làm được. Còn về những “phản hồi tích cực”, cũng nhân vật này cho biết, việc tạo ra chúng còn dễ hơn cả việc lập trang web. Chủ gian hàng có thể tự mở nhiều địa chỉ dưới nhiều nick khác nhau để tự viết phản hồi cho trang của mình, hoặc nhờ các “chiến hữu” đóng góp. Vì thế mà có những trang mới ra đời được chừng 1 tháng nhưng đã có tới hàng ngàn phản hồi, tất cả đều mang hơi hướm ca tụng, “bốc thơm”, khiến khách hàng dễ dàng bị mắc lừa.

Chị Oanh, vì tiếc món tiền bị mất oan, đã từng tính đến chuyện nhờ công an nhưng chị lại không thể biết được chủ trang web là ai, ở đâu thì làm sao biết tìm đến công an địa phương nào. Thế nên, sau những thương vụ lừa đảo người tiêu dùng trót lọt, những trang web trên vẫn “vô tư” hoạt động mà chẳng lo có ai “sờ” đến!? Hiện ở Việt Nam, việc mua bán trên những trang rao vặt này hiện vẫn chưa có ai kiểm soát, ngay cả cơ quan thuế cũng chưa “với” đến.

Được biết Bộ Công thương vừa có chủ trương sẽ buộc các hoạt động giao dịch mua bán trên mạng phải đăng ký và chịu thuế. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại rằng, chỉ có những người mua bán “đàng hoàng” mới đăng ký, còn những kẻ “buôn gian bán lận” vẫn tìm cách “lách luật”, và người mua không thể phân biệt được đâu là trang web có đăng ký, đâu không?

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Trưởng đại diện Cục Thương mại điện tử phía Nam cho biết, đến cuối năm 2013, thống kê cả nước có 518 website thương mại điện tử bán hàng. Trong đó, 344 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử đã tiến hành đăng ký, thông báo với Bộ Công thương. Tuy nhiên, “thực tế, số lượng các website thương mại điện tử bán hàng đang hoạt động chưa đăng ký, thông báo với Bộ Công thương còn cao hơn nhiều. Hiện chúng ta chưa kiểm soát nổi có bao nhiêu trang như vậy” - bà Hạnh nói.

Trở về câu chuyện bảo vệ người tiêu dùng, trong trường hợp mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng trên mạng thì biết kêu ai? Và như vậy, sự lo ngại của người tiêu dùng không phải là không có cơ sở!

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn