Ngày 12/10, tại TPHCM diễn ra Hội thảo "Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tham gia chuỗi cung ứng và thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện mua sắm có trách nhiệm giới".
Hội thảo do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) phối hợp tổ chức.
Tại Việt Nam, hiện có hơn 20% chủ sở hữu doanh nghiệp vừa và nhỏ là phụ nữ; 51% doanh nghiệp Việt Nam có phụ nữ trong cơ cấu chủ sở hữu, cao hơn so với các quốc gia khác.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhấn mạnh: Việt Nam đã đạt những thành tích tốt, ấn tượng trong khu vực doanh nghiệp tư nhân về số lượng, tổng tài sản, đầu tư.
Đối với vấn đề bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, khối doanh nghiệp tư nhân đã tạo ra nhiều việc làm cho phụ nữ , số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ngày càng tăng; thậm chí có doanh nghiệp đạt được quy mô, tầm vóc khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, cũng có vấn đề đặt ra là những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đa số ở cấp thấp nhất của chuỗi cung ứng trong nhiều ngành và gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu mua sắm của các công ty lớn.
Theo ông Cương, nguyên nhân của hiện tượng này là sức cạnh tranh của doanh nghiệp chưa thực sự cao, năng lực quản trị và tiếp cận thông tin, khoa học công nghệ vẫn còn nhiều hạn chế; vẫn có định kiến của xã hội đòi hỏi phụ nữ rất nhiều vai trò, trách nhiệm trong gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, chính sách can thiệp giới trong lãnh đạo doanh nghiệp vẫn còn thiếu, yếu và thay đổi diễn ra chậm.
Giải pháp cho vấn đề này, ông Cương cho rằng liên quan đến khung pháp lý chung, vai trò của các doanh nghiệp lớn, cần áp dụng các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và sự nỗ lực của bản thân nữ doanh nhân. "Sự phát triển của kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn chắc chắn là một trong các yếu tố góp phần giúp phát huy tiềm năng tiềm năng của những người phụ nữ mong muốn khởi sự kinh doanh; góp phần đóng góp cho cộng đồng doanh nhân nữ có năng lực cạnh tranh, niềm tin, đà phát triển mạnh mẽ hơn nữa", ông Cường nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Kim Lan, Quản lý Chương trình tăng cường Quyền năng kinh tế cho phụ nữ WRT - UN Women Việt Nam, cho biết, mua sắm có trách nhiệm giới là việc lựa chọn bền vững các dịch vụ, hàng hóa hoặc công trình dân dụng có tính đến tác động đối với bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Đồng thời khẳng định, việc mua sắm có trách nhiệm giúp doanh nghiệp củng cố thương hiệu và danh tiếng của công ty; tăng cường đổi mới sáng tạo cũng như nâng cao sự hài lòng của nhân viên, giữ chân nhân tài.
Bà Caroline Nyamayemobe, Quyền Trưởng Văn phòng UN Women tại Việt Nam nhấn mạnh, bằng chứng cho thấy các quốc gia có bình đẳng giới cao hơn có nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn và cạnh tranh hơn. Việc ưu tiên mua sắm từ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và doanh nghiệp có trách nhiệm giới giúp tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ và thúc đẩy tiến trình bình đẳng giới tại Việt Nam. Ngoài ra, đây cũng một trong những yếu tố giúp nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập.
Dịp này, 24 doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia ký Tuyên bố ủng hộ Các Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ (Women's Empowerment Principles - WEPs), thể hiện cam kết trao quyền cho phụ nữ tại nơi làm việc, trên thị trường và trong cộng đồng. Với sự ký kết này, tổng số doanh nghiệp Việt Nam đã ký WEPs là 174.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn