Một khảo sát tại Việt Nam mới đây của công ty tiếp thị thương mại Criteo cho thấy, có tới 60% người tiêu dùng Việt Nam khi đang online mà không biết làm gì thì sẽ quyết định đi… mua sắm.
Mua sắm trực tuyến đang trở thành một thói quen của đông đảo người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên nhiều người, nhất là phụ nữ, lại có một “thói quen” khá… tai hại, đó là quyết định mua sắm khi đang online mà không theo kế hoạch định trước.
Chị Trần Thị Tuyến, ngụ tại quận Tân Bình, TPHCM, kể: “Một buổi sáng rảnh rỗi, khi đang lướt mạng để tìm kiếm thông tin thì bất ngờ tôi thấy mấy mẩu quảng cáo khá hấp dẫn, đó là những món hàng thời trang đang giảm giá 40%.
Từ những mẩu quảng cáo đó, tôi lại được dẫn đến những trang mua sắm khác, với nhiều nội dung còn hấp dẫn hơn. Chẳng mấy chốc, tôi như lạc vào “mê hồn trận” của những quảng cáo khuyến mãi, với hàng trăm mặt hàng vừa đẹp, vừa có giá mềm. Thế là, tôi quyết định “chấm” một số mặt hàng để đặt mua, với tổng giá trị lên tới vài triệu đồng”.
Những quyết định mua sắm mang tính “tình cờ” như vậy vẫn thường đến với nhiều người, khi mà họ có cảm giác “đang rảnh rỗi”.
Điều này khá trùng hợp với kết quả khảo sát của Criteo: 3 hoạt động “tiêu khiển” hàng đầu với người dùng trực tuyến ở Việt Nam, đó là: 60% mua sắm trên mạng; 46% tìm kiếm sản phẩm, dịch vụ; 36% gặp gỡ bạn bè, gia đình.
Điều này do 3 nguyên nhân chính: tiết kiệm thời gian với 62% ý kiến người khảo sát; tiện lợi ở mức 55%; 46% là vì giá rẻ hơn so với mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng.
Với nhiều tiện lợi như vậy, nên khi gặp được những quảng cáo, người tiêu dùng sẽ dễ dàng đi đến những quyết định mua sắm mang tính “đột xuất” nằm ngoài kế hoạch đã được định trước.
Về hình thức, quyết định mua sắm khi “bắt gặp” các sản phẩm hấp dẫn, giá rẻ hứa hẹn mang tới những mối lợi cho người mua. Song, trên thực tế, cách mua sắm “vô kế hoạch” như vậy có thể dẫn tới không ít tai hại.
Thứ nhất, khi bị “cuốn” vào các quảng cáo hấp dẫn, người dùng sẽ khó tự chủ được cảm xúc, dẫn tới những quyết định mua sắm khá bất thường - điều mà vào các thời điểm khác, họ sẽ khó lòng đưa ra quyết định tương tự.
Thứ hai, việc shopping “ngoài kế hoạch” như vậy có thể khiến người dùng không đủ tỉnh táo để cân nhắc mua sắm, dẫn tới mất cân đối về tài chính.
Thứ ba, những quyết định mua sắm mang tính “bất chợt” có thể khiến người dùng không xác định đúng món hàng mà mình thực sự cần, có thể sẵn sàng bỏ tiền để mua những món hàng chưa có nhu cầu sử dụng, là nguyên nhân dẫn tới sự lãng phí.
Thứ tư, quyết định mua sắm khi đang… không biết làm gì có thể hình thành nên thói quen tai hại, đó là coi việc mua sắm như một hình thức… tiêu khiển. Nó có thể khiến người dùng trở thành một “con nghiện” mua sắm - về sau này sẽ rất khó “cai nghiện”.
Theo Criteo, năm 2016, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam đạt 1 tỉ USD và dự báo ngành ngày sẽ tăng trưởng 30% mỗi năm và sẽ tăng gấp 10 lần vào năm 2020 với hơn 10 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến.
“Tỉ lệ sử dụng internet tại Việt Nam năm 2017 là 50,5% dân số. Cùng với đó, 44% hộ gia đình tại Việt Nam có điện thoại thông minh. Nhìn vào 2 dữ liệu này, tôi cho rằng điện thoại thông minh là phương tiện hàng đầu để các gia đình tại Việt Nam tiếp cận internet.
Như vậy, có một cơ hội rất lớn cho thương mại điện tử tại Việt Nam, đặc biệt là thương mại điện tử trên di động", ông Joshua Koh, Giám đốc Điều hành Khu vực Bán hàng Trung cấp khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Criteo, nhận xét.
Báo cáo từ Nielsen cho thấy, mỗi người sử dụng internet tại Việt Nam bỏ ra số tiền trung bình lên tới 160 USD/năm cho thương mại điện tử. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng thị trường hàng năm của thương mại điện tử Việt Nam đã đạt tới 22% - tỉ lệ tiếp cận thương mại điện tử lên tới 28%.
Sức hấp dẫn từ thị trường mua bán trực tuyến đang ngày một tăng nhưng song hành với đó, người dùng cần phải học cách tự chủ bản thân, không nên coi hoạt động mua sắm như một cách tiêu khiển.