Mùa săn chuột đồng

14:00 | 02/09/2015;
Mùa bẫy chuột đồng ở huyện biên giới Hồng Ngự, thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) bắt đầu vào vụ. Không ít hộ gia đình đã duy trì được cuộc sống ổn định nhờ thu nhập từ nghề bẫy chuột đồng.
Chuột đồng có quanh năm nhưng cao điểm là sau vụ lúa. Đây cũng là thời điểm “ăn nên làm ra” của những gia đình chuyên làm nghề săn chuột. Hiện nay, người dân bắt chuột bằng nhiều cách khác nhau, phổ biến nhất là bẫy rập vì cho sản lượng nhiều. Chỉ với dụng cụ đơn giản: 1 chiếc xuồng nhỏ, vài trăm cái rập và thùng ướp nước đá, người dân đã có thể “hành nghề”. Với giá bán chuột đồng 50.000 - 60.000 đồng/kg, người săn chuột không chỉ góp phần bảo vệ mùa màng mà còn có điều kiện tăng thêm thu nhập. 

Đến xã Thường Thới Hậu A, có thể trò chuyện với những tay “săn” chuột kỳ cựu vì nơi đây có hơn 20 hộ dân sống bằng nghề bắt chuột bẫy rập cho thu nhập khá từ những cánh đồng lúa chín. Bình quân 1 hộ dân có khoảng 100 - 200 cái rập, 1 ngày đêm có thể thu nhập trên 300.000 đồng. Anh Trần Văn Bình (SN 1975), ở ấp Bình Hòa Trung, xã Thường Thới Hậu A, cho biết: “Sáng 7-8 giờ bắt đầu đi ra cánh đồng, 2-3 giờ trưa thì tiến hành gày rập, đến 8 giờ tối thì thăm rập và 4 giờ sáng hôm sau tiến hành gom rập về bán cho thương lái. Nghề này tuy cực nhưng cũng cho thu nhập khá, giúp ổn định cuộc sống gia đình”.

Chuẩn bị bẫy để bắt chuột đồng
Khi con nước bắt đầu vào ruộng, những cánh đồng chìm trong nước thì chuột đồng tập chung chủ yếu ở những khu gò cao - nơi có nhiều cỏ để trú ngụ. Người dân chỉ cần theo đó đặt rập chuột, không phải dùng mồi nhử và đón đầu. Chuột sẽ đi theo lối mòn và chui vào rập. Anh Cao Văn Kê (SN 1953), ngụ ấp Bình Hòa Trung, xã Thường Thới Hậu A, có hơn 4 năm trong nghề bẫy rập, tiết lộ: “Bẫy rập chuột cũng có phải có kinh nghiệm và đón đầu, phải xem những nơi có dấu chân chuột đi qua và chuột đồng mùa lũ chủ yếu tập trung ở những gò cao. Khi đi đặt rập chuột, phải mang theo thùng đá để nếu chuột chết vì sập bẫy quá lâu thì sẽ làm thịt, ướp lạnh ngay tại chỗ.”

Nhiều năm trở lại đây, bẫy chuột đồng không còn là nghề “ tay trái” của nhiều hộ dân mà nó đã trở thành nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình. Ông Phạm Văn Hoàng (52 tuổi), ngụ xã Tân Hội, thị xã Hồng Ngự, kể: “Nghề bắt chuột đồng có từ khá lâu rồi. Ban đầu, người dân bắt chuột sau khi thi hoạch lúa bằng cách ví cù, sau này nhiều người thích ăn thịt chuột đồng nên chuột được bắt để bán cho nhà hàng, khách sạn, trở thành đặc sản”. 

Sau khi kết thúc một đêm vất vả và mệt mỏi, mọi người mang chuột bán cho thương lái với giá 35.000 đồng/kg. Bình quân mỗi người bắt được 10-15kg chuột/đêm, hôm nào may mắn có thể lên đến 20-30kg/đêm. Ra đến chợ, chuột đồng được bán với giá 50.000 - 60.000 đồng/kg và luôn đắt hàng.
Chuột đồng được bán với giá 50.000 - 60.000 đồng/kg và luôn đắt hàng.

Giờ đây, thịt chuột đồng đã được bày bán thường xuyên ở chợ từ nông thôn đến thành thị. Những mâm chuột trắng ngần luôn mời gọi người dân. Chị Bùi Thị Thu Nguyệt, tiểu thương tại chợ thị xã Hồng Ngự, cho biết: “Từ sáng sớm đã có nhiều người mua chuột, đặc biệt là thời điểm này, vì chuột nhiều và ngon. Loại lớn thì khoảng 3-4 con/kg, loại nhỏ khoảng 10-12 con/kg. Tuy giá không rẻ nhưng vẫn luôn hút hàng vào những ngày cuối tuần”.

Thịt chuột đồng cũng trở thành món đặc sản, còn được dân nhậu gọi là “thịt cầy” trong các nhà hàng, khách sạn. Nhu cầu thưởng thức món ăn này của thực khách ngày càng cao, do đó thịt chuột đồng luôn rộng mở về đầu ra.

Vậy nên nghề săn chuột đồng vào mùa lũ ở các xã biên giới huyện Hồng Ngự đã giúp giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập đáng kể cho nhiều người dân nơi đây.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn