“Mùa xuân im lặng” - khởi nguồn phong trào vì môi trường

08:00 | 05/06/2016;
Nhân ngày Môi trường thế giới 5/6, cùng nhớ về Rachel Louise Carson-nhà động vật học và sinh học biển Hoa Kỳ. “Mùa xuân im lặng” (Silent Spring) - tác phẩm nổi tiếng của bà được ghi nhận là xuất phát điểm cho phong trào bảo vệ môi trường trên toàn cầu.

Rachel Carson sinh ngày 27/5/1907 tại một nông trang gia đình nhỏ gần vùng Springdale, Pennsylvania, Hoa Kỳ. Khi còn là một đứa trẻ, bà dành hàng giờ để hỏi han mẹ về các ao hồ, cánh đồng và khu rừng. Ban đầu, bà tới trường để học tiếng Anh và viết văn nhưng sau đó nỗi say mê khám phá thế giới tự nhiên trong Rachel trỗi dậy và bà chuyển sang học về chuyên ngành sinh vật biển. Năng khiếu về viết lách giúp bà rất nhiều trong lĩnh vực mới, làm cho "động vật trong nước hay trong gỗ đều trở lên sống động".

2.jpg
Rachel Carson thời trẻ.  

Năm 1929, bà tốt nghiệp loại xuất sắc trường Đại học Nữ sinh Pennsylvania, ngày nay là Đại học Chatham. Mặc dù khó khăn về tài chính, bà tiếp tục học về động vật học và di truyền học tại Đại học Johns Hopkins. Ở đây, Rachel đã bắt gặp tình yêu với biển. Bà say mê khám phá biển và biển cũng tạo nên bước ngoặt lớn trong cuộc đời bà sau này. Năm 1932, bà nhận bằng thạc sĩ về động vật học vào năm 1932.

Rachel tham gia giảng dạy động vật tại đại học Johns Hopkins và đại học Maryland trong vài năm rồi bà tiếp tục học chương trình tiến sĩ tại phòng thí nghiệm sinh vật biển tại Woods Hole, Massachusetts.

Chiến tranh thế giới thứ nhất rồi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933 đã làm cho cuộc sống của người phụ nữ đam mê khoa học Rachel gặp nhiều khốn khó, đặc biệt là khi cha bà qua đời vào năm 1932. Bà không thể tiếp tục học hết chương trình tiến sĩ.

Để có tiền phụ giúp gia đình, Rachel đã làm việc bán thời gian cho cục Thủy sản Hoa Kỳ với vị trí là một người viết bài khoa học. Tại đây, bà phải chịu đựng và cố gắng vượt qua sự phản đối khi bà, một người phụ nữ, lại đăng ký tham gia kỳ thi tuyển chọn dịch vụ công. Dù vậy, bà đã vượt qua tất cả các ứng viên khác trong kỳ thi năm 1936 và trở thành người phụ nữ đầu tiên được làm việc lâu dài với vị trí là nhà sinh học biển tại ngành Cá và Động thực vật hoang dã Hoa Kỳ thuộc Cục Thủy Sản.

Công việc của Rachel là viết kịch bản cho các chương trình truyền thanh về biển. Rachel đã tạo nên bước ngoặt lớn lao cho chương trình vì các kịch bản giờ đây không phải chỉ là khoa học đơn thuần mà còn giàu chất thơ và đầy rung cảm.

3.jpg
 Bà là nhà động vật học và sinh vật học nổi tiếng. 

Tháng 11/1941, cuốn sách đầu tiên của Rachel được xuất bản. Cuốn sách mang tên “Under the Sea-Wind”. Cuốn sách nhận được nhiều lời khen ngợi vì lần đầu tiên có người viết về biển dưới cái nhìn của sinh vật biển. Nhưng chiến tranh đã nhấn chìm cuốn sách vào sự lãng quên. Phải chờ đến cuốn thứ hai “The Sea Around Us (Biển quanh ta) xuất bản tháng 7/1951, Rachel mới trở thành người của công chúng. Cuốn sách nhanh chóng trở thành “best-seller”.

Sau thành công này Rachel nhận được nhiều giải thưởng và tiền bạc. Rachel từ bỏ công việc đang làm ở trung tâm nghiên cứu của chính phủ để sống bên ngôi nhà bên bờ biển và dành trọn thời gian cho viết sách.

Bắt đầu những năm 1940 Rachel và một nhóm các nhà khoa học bắt đầu quan tâm đến việc sử dụng DDT (một loại chất độc có hiệu lực rất mạnh đối với côn trùng)  và các chất hóa học tổng hợp khác trong chương trình kiểm soát các loài sinh vật phá hoại của chính phủ. Rachel nhận ra rằng, những loài động vật chịu ảnh hưởng của các chất hóa học đó không chỉ dừng lại ở muỗi hay kiến lửa mà còn có cả các loại côn trùng có ích và chim.

Bà viết một số bài báo về tác hại của thuốc trừ sâu và gửi tới một vài tờ tạp chí nhưng những tạp chí này từ chối đăng với lí do các nhà quảng cáo đã mua chỗ trên tạp chí không đồng ý cho những bài báo có thể gây tranh cãi này xuất hiện. Rachel quyết định viết một cuốn sách. Khi biết Rachel có kế hoạch viết một cuốn sách về trái đất nhiều người khuyên bà không nên viết về thuốc trừ sâu bởi lí do thật đơn giản sẽ chẳng có ai bỏ thời gian ra đọc.

4.jpg
 Bà dành trọn đời cho nghiên cứu khoa học và kêu gọi bảo vệ môi trường.

Không nản lòng, bà vẫn kiên trì quyết tâm. Và rồi “Silent Spring” (Mùa xuân im lặng) ra đời năm 1962 bắt nguồn từ mối lo sợ sẽ không còn tiếng chim hót líu lo mỗi khi xuân về, dưới tác động tiêu cực của các chất hóa học. Thế giới đã đón nhận cuốn sách “Silent Spring” với nhiều bất ngờ và “giật mình”. Cuốn sách như một lời cảnh tỉnh đối với nhân loại, khi tác giả đã mô tả cụ thể sự phá hoại ghê gớm của thuốc trừ sâu đến môi trường sống và sức khỏe con người.

Ban đầu, vài phần của cuốn sách khi xuất hiện trên tạp chí New Yorker không nhận được gì ngoài sự im lặng nhưng khi tờ New York Times vào cuộc thì tình hình thay đổi.

Các ông trùm hóa chất làm ầm ĩ bởi đây là cuốn sách sẽ đẩy họ đến chân tường. Các bài báo liên tiếp ra đời chỉ trích “Mùa xuân im lặng” tới tấp. Có bài báo còn gọi Rachel là kẻ gàn gở tự nhiên.

Không giống như các cuốn sách trước đó Rachel chỉ nhận được lời khen ngợi, “Mùa xuân im lặng” nhận được cả sự chỉ trích, lăng mạ và cả những lời ca ngợi. Những lá thư ngập đầy hộp thư trước nhà Rachel. Người dân khẩn thiết kêu gọi những nhà khoa học như bà phải làm cái gì đó để ngăn chặn thảm họa gây ra bởi DDT.

Dư luận quanh cuốn sách của Rachel đã theo chân các chính khách lọt vào Nhà trắng. Tổng thống Kenedy cho thành lập một ủy ban điều tra thảm họa môi trường. Rachel gặp gỡ các thành viên của ủy ban vào tháng 1/1963. Bản báo cáo của ủy ban công bố vào tháng 5 đã thừa nhận những điều mà Rachel đưa ra là đúng. Kết quả là Rachel được mời tới Washington để làm chứng trước thượng viện.

5.jpg
 "Mùa xuân im lặng" là xuất phát điểm cho phong trào bảo vệ môi trường trên toàn cầu.

Cuốn sách được xuất bản là sự kiện đánh dấu sự ra đời của phong trào vì môi trường. Nó đã tạo ra làn sóng phản đối kịch liệt trong công chúng dẫn đến một lệnh cấm thuốc trừ sâu DDT được ban hành vào năm 1972 ở Mỹ. Rachel Carson được truy tặng huân chương Tổng thống về tự do (Presidential Medal of Freedom).

Rachel đã làm việc hăng say cho đến lúc nói lời vĩnh biệt vào mùa xuân năm 1964 do căn bệnh ung thư vú. Tuy vậy, những gì bà để lại cho nhân loại vẫn còn được nhắc và vận dụng cho tới ngày nay. Độc giả trên khắp hành tinh vẫn tìm đọc những cuốn sách của bà nhất là “Mùa xuân im lặng”. “Mùa xuân im lặng” đã làm cho mọi người nhận ra rằng chúng ta có trong tay sức mạnh để chấm dứt phá hủy hành tinh bắt tay bảo tồn những nguồn tài nguyên quý giá.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn