Ngay từ sáng sớm mùng 1 Tết (16/2), nhiều Phật tử và người dân Thủ đô đã tới hồ Tây để phóng sinh mong bình an, may mắn. Đây là phong tục truyền thống và quen thuộc với những người dân Việt Nam. Nhiều em bé cũng được bố mẹ dẫn tới nơi phóng sinh. Tín ngưỡng dân gian cho rằng phóng sinh là một hành động thể hiện lòng từ bi và giải trừ được nghiệp chướng. Tục thả chim hay thuỷ sản phóng sinh thường được thực hiện vào các ngày rằm và ngày lễ vía, đặc biệt những ngày đầu năm mới. Đại Đức Thích Thanh Phương, trụ trì chùa Sủi, Gia Lâm, Hà Nội, chủ trì buổi lễ phóng sinh. Tinh thần phóng sinh của Phật giáo là tinh thần hiếu sinh, tình thương của con người khi thấy các loại chúng sinh có sinh mạng bị bắt, có nguy cơ bị giết hại liền phát lòng từ bi tìm cách cứu chuộc, phóng thích sự tự do và mạng sống của con vật đó được đảm bảo. Nhiều nghi thức Phật giáo được tiến hành trong buổi lễ. Phóng sinh hành động đẹp bởi nó thể hiện lòng yêu thương loài vật, yêu thiên nhiên, là một hành động rất thánh thiện: Ban tặng sự sống. Vào những ngày lễ Tết, những ngày lễ lớn của Phật giáo, hình ảnh người người tay xách nách mang xô, chậu, lồng chứa những con cá, con chim, con rùa,… để phóng sinh đã trở thành nét đẹp trong văn hóa Việt Nam nói chung và của Phật giáo nói riêng. Có lẽ người thả chim phóng sinh ai cũng có chung một ước nguyện là “cầu phúc". Người phóng sinh sẽ được hưởng phước lành vì đó là một hành vi thiện nguyện, hướng về điều tốt lành. Các em bé cũng thả cá xuống hồ để phóng sinh. Sư thầy tặng các Phật tử món quà may mắn đầu năm mới.