Hoạt động hút máu của loài muỗi được cho là cơ chế lây truyền chính của bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết được loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có tên là gì, đặc trưng ra sao và lây truyền bệnh như thế nào,... Tất cả các thông tin liên quan đến loài muỗi sốt xuất huyết sẽ được giải đáp qua nội dung dưới đây.
Không phải bất kỳ loài muỗi nào cũng đều có khả năng lây truyền bệnh sốt xuất huyết từ người bệnh sang người lành. Loài muỗi trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết được khoa học xác nhận là các loài muỗi thuộc chi Aedes, gồm Aedes albopictus và Aedes aegypti.
Tuy nhiên, trong hai loài muỗi thuộc chi Aedes này thì muỗi Aedes albopictus có mức độ phân bố kém phổ biến hơn và khả năng truyền bệnh cũng thấp hơn so với muỗi Aedes aegypti. Vì vậy trên thực tế phần lớn các trường hợp lây truyền bệnh sốt xuất huyết đều do muỗi Aedes aegypti gây nên, chiếm đến khoảng 95% các trường hợp.
2. Đặc điểm sinh học của muỗi Aedes aegypti
Muỗi Aedes aegypti có thể có kích thước dao động từ 4-7mm, trên thân và chân muỗi có sự xen kẽ giữa các sọc trắng và đen với nhau, có thể phân biệt dễ dàng với các loại muỗi thông thường. Muỗi Aedes aegypti truyền bệnh sốt xuất huyết còn thường được mọi người gọi là muỗi vằn.
Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết có đời sống kéo dài bình quân từ 1 đến 2 tháng, cá biệt nếu có điều kiện sống thuận lợi thì muỗi có thể sống đến 3 tháng. Môi trường sống ưa thích của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết là những nơi tương đối sạch sẽ, khu vực kín và có ánh sáng yếu. Thông thường, muỗi Aedes aegypti hay hút máu vào hai thời điểm chính là lúc mặt trời mọc và lúc mặt trời lặn.
Nếu hút đủ máu thì cứ sau mỗi khoảng thời gian 3 ngày muỗi cái sẽ lại đẻ trứng một lần. Khác với các loài muỗi khác, muỗi vằn hay đẻ trứng ở những nơi nước sạch như lọ hoa, bát kê chân tủ, bể nước mưa,... Sau đó trứng sẽ nở và phát triển thành loăng quăng, bọ gậy rồi đến muỗi trưởng thành và tiếp tục một thế hệ mới.
Khi muỗi Aedes aegypti hút máu của người mắc bệnh sốt xuất huyết, virus dengue sẽ theo dòng máu di chuyển vào cơ thể của muỗi.
Nếu muỗi tiếp tục di chuyển và hút máu của người không bị bệnh ngay sau đó thì virus sẽ xâm nhập ngay vào cơ thể của họ. Trong cơ thể vật chủ mới, virus dengue sẽ tiếp tục nhân lên cho đến khi đạt đủ số lượng để gây nên các tổn thương có ý nghĩa, làm xuất hiện các triệu chứng đầu tiên thì bệnh sốt xuất huyết sẽ chính thức khởi phát.
Nhưng nếu trường hợp muỗi Aedes aegypti không tiếp tục đốt người lành ngay sau khi hút máu của người bệnh, virus sẽ nhân lên trong tuyến nước bọt của nó. Khoảng thời gian nhân lên này thường kéo dài từ 8 cho đến 10 ngày. Cho đến lúc muỗi hút máu người thì virus từ tuyến nước bọt của muỗi sẽ xâm nhập và gây bệnh cho người bị muỗi đốt.
Do chưa có vaccine phòng bệnh, nên vấn đề phòng bệnh sốt xuất huyết hiện nay vẫn chủ yếu tập trung vào hai khía cạnh chính là tiêu diệt trung gian truyền bệnh và ngăn sự tiếp xúc của trung gian truyền bệnh với đối tượng cảm thụ.
Tiêu diệt trung gian truyền bệnh trong bệnh sốt xuất huyết là việc diệt muỗi và ngăn chặn hoạt động sinh sản của muỗi. Các biện pháp chính bao gồm:
- Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, nhất là các vị trí kín đáo, ánh sáng yếu.
- Sử dụng các loại thuốc diệt côn trùng để tiêu diệt muỗi Aedes aegypti trong môi trường sống xung quanh.
- Loại bỏ môi trường sinh sản của muỗi bằng cách che đậy các dụng cụ chứa nước, nuôi cá trong bể chứa, thay nước bình hoa, bát kê chân bàn thường xuyên,...
Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp diệt muỗi, thì ngăn muỗi tiếp xúc với cơ thể cảm thụ cũng là cách hiệu quả để phòng bệnh sốt xuất huyết.
- Người bệnh nên mặc quần áo dài tay để ngăn muỗi đốt.
- Có thể sử dụng các loại kem chống muỗi bôi ngoài da.
- Có thói quen ngủ màn, kể cả là ngủ vào ban ngày để phòng bệnh sốt xuất huyết.
- Ngay khi có các biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết như sốt cao, nổi ban ngoài da, chảy máu chân răng, chảy máu mũi,... thì cần phải đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn