Khu tập thể bắt đầu có dấu hiệu già nua nên không ít hàng xóm với gia đình tôi… chuyển nhà đi nơi khác sống. Hàng xóm mới tất nhiên toàn… người lạ và thật khó mà thân thiết nổi.
Chuyển đến sống ở ngay sát vách nhà tôi là vợ chồng chị Hậu. Anh chị có hai con nhỏ, trứng gà trứng vị. Cả hai vợ chồng nhà này đều có vẻ mặt lầm lì, ít nói, dù không ít lần gặp họ, tôi đã chủ động chào hỏi trước, nhưng họ cũng chẳng buồn nhếch môi đáp lời.
Công việc của tôi khá bận nên hầu như chẳng mấy khi ở nhà. Nhưng nhiều hôm ở nhà, tôi thấy như bị tra tấn. Anh chồng chị Hậu chủ yếu làm ca tối, nên ban ngày chỉ ở nhà… nằm dài. Chị Hậu tôi chưa tìm hiểu được làm nghề gì nhưng cũng thấy thoắt ẩn thoắt hiện. Tức là có hôm tôi thấy cả hai vợ chồng cùng ngồi nhà, nghêu ngao hát karaoke hoặc… nhậu.
Hai đứa con không gửi trẻ mà ở nhà khi thì cùng bố, lúc cùng cả bố lẫn mẹ. Những lúc bố mẹ chúng ngồi khề khà uống rượu, mày tao với nhau thì hai đứa trẻ cũng loanh quanh ngay bên cạnh.
Cách chị Hậu trò chuyện với hai đứa nhỏ khiến tôi rất choáng. Chưa bao giờ tôi thấy chị xưng hô mẹ con với bọn trẻ mà thường hay “mày - tao” và gào lên với con. Lúc đầu vừa thiu thiu ngủ mà nghe chị quát tháo chồng con, ai nấy đều bật dậy vì tưởng nhà hàng xóm có chuyện gì. Sau biết chị quát con thì ai nấy đều che miệng, ngáp một cái thật dài rồi vào chùm chăn ngủ tiếp. Tôi vốn khó ngủ, mỗi lần như thế, vào giường nằm mãi mới ngủ lại được.
Dù không làm theo giờ nhà nước, nhưng sáng nào nhà chị cũng như thể đồng hồ báo thức của các nhà trong khu. Chồng về đến nhà là thể nào chị cũng ông ổng nói vài câu. Lắm hôm chắc vừa đi làm về mệt, chồng chị nổi quạu lên thế là lao vào… choảng nhau. Vợ gào, chồng hét, còn hai đứa con thì khóc thét.
Hồi đầu, cũng có mấy anh trong khu nhảy vào can, nhưng từ lần, anh Bảo vì can mà bị chị Hảo dùng chảo đập trúng đầu, phải đi bệnh viện khâu hơn chục mũi thì mọi người đều hãi. Thậm chí có lần, chứng kiến chị Hậu bị chồng nện cho tóe máu, mọi người sợ quá đã phải gọi điện báo công an phường. Lập biên bản, được vài hôm vợ chồng họ lại tiếp tục gây lộn, đánh nhau như cơm bữa...
Có bà Dung, hơn bảy mươi tuổi, vốn là cụ bà mềm mỏng nhất khu sang nói chuyện, cũng bị chị Hậu tốc váy chửi: “Chuyện nhà tôi, vợ chồng tôi tự lo, không đến lượt bà phải tham gia vào!”. Người già cả nghĩ, bà Dung ấm ức lắm, bà bảo không thể sống gần kiểu hàng xóm vô văn hóa như vậy. Nghĩ là làm, bà giục con cái nhanh chóng bán nhà rồi cũng chuyển đi.
Trước mỗi lần đi làm về, tôi vẫn mở toang cửa ra vào cho thoáng. Hàng xóm đi qua đi lại còn chào hỏi, “buôn bán” vài câu, nhưng từ hồi biết “chất” nhà chị Hậu, cứ về đến nhà là vợ chồng tôi khóa cửa thật chặt. Chúng tôi rất sợ trẻ con nghe được những từ chợ búa mà vợ chồng chị Hậu nói với nhau.
Từ nhà tôi phải đi ngang qua nhà chị Hậu. Có lần con gái tôi không may đá phải đôi giày của chị Hậu vứt trước cửa (về lý giày dép nhà ai phải cất gọn trong nhà, nhưng nhà chị Hậu thì biến lối đi chung thành chỗ để đồ mà không ai dám ý kiến gì), tôi đã cẩn thận cúi xuống xếp gọn lại, nhưng chị này từ trong nhà xông ra quát con tôi: “Đi đứng phải nhìn chứ, đôi giày người ta như thế mà xéo vào thì ba bữa là hỏng à?”…
Con bé nhà tôi vốn ưa nhẹ, mới nghe vậy đã rơm rớm nước mắt. Sáng ra, muốn mọi việc nhẹ nhàng nên thay vì nói chuyện thẳng thắn để hàng xóm nhận ra lỗi trước tiên thuộc về chị ta, tôi đã xuống nước nói lời xin lỗi. Vậy mà chị Hậu vẫn căng lên nói: “Được cả con mẹ, không lo dạy con lại còn vào hùa bênh nó!”…
Không muốn con phải chứng kiến cảnh chướng tai gai mắt và nghe những câu chửi bậy bạ, tôi nắm tay dắt con đi thật nhanh. Đến lúc này thì tôi tin là “bà chằn” có thật và ở rất gần nhà tôi. Nếu tình trạng này kéo dài, tôi stress mất. Có lẽ cũng phải tính kế bán nhà, chuyển đi nơi khác tìm lại bình yên…