Muốn con lắng nghe, hãy học 'siêu bảo mẫu'

15:35 | 25/02/2016;
3 “bí kíp” để thu hút con từ lâu đã được siêu bảo mẫu Hoa Kỳ Deborah Tillman áp dụng cho các gia đình Mỹ.

Ngôi sao của chương trình truyền hình thực tế Suppernanny luôn hướng các bậc cha mẹ tới phương pháp dạy con khoa học dựa trên tình yêu thương và kỷ luật. Dưới đây tóm lược một vài kinh nghiệm của tiến sĩ Tillman.

Gia đình Arnold có 5 đứa con. Một con gái 11 tuổi, 1 con trai 8 tuổi, 1 con trai 5 tuổi và 2 cậu con trai sinh đôi gần 4 tuổi. Sandra- người mẹ 37 tuổi, phải ở nhà để quán xuyến chủ đạo trong việc nuôi dạy các con, đã cảm thấy quá mệt mỏi khi phải xử lý tất cả những rắc rối từ nhỏ đến lớn. Cô gặp tình trạng stress nhưng cũng gặp khó khăn trong việc giãi bày với chồng. Các cậu con trai nhỏ thì ngày một nghịch phá và chỉ biết gào khóc đòi hỏi để cha mẹ chiều theo ý muốn của chúng. Đứng trước tất cả những điều này, Sandra chỉ biết khóc vì khủng hoảng lo lắng. Arnold, người chồng bằng tuổi của cô không hiểu hết được tầm quan trọng của việc gần gũi và nuôi dạy các con. Buổi sum họp của gia đình sẽ diễn ra giống với tình trạng phổ biến của các gia đình hiện đại bây giờ: Cha ôm máy tính, con ôm điện thoại còn người mẹ đôi khi bất lực vì không biết sẽ gắn kết gia đình theo hướng nào? Siêu bảo mẫu Deborah Tillman chứng kiến bế tắc của gia đình Arnold. Bà đã hướng gia đình đến giải pháp “đóng cửa bảo nhau” với nhiều kỹ thuật cần thiết cho một gia đình trẻ hiện đại. Bà khẳng định: Cách nuôi dạy con của vợ chồng Arnold giống như cách của “tuổi teen”, thiếu kiến thức và kỹ năng, lập trường.

 Siêu bảo mẫu Hoa Kỳ Deborah Tillman (Nguồn: Lifetime TV America's suppernanny)

Bà Tillman lắng nghe và chia sẻ với người mẹ 5 con. Bà yêu cầu khóa cửa gia đình, toàn bộ sinh hoạt diễn ra trong ngôi nhà, bao gồm cả sân sau ngôi nhà. Bà thu lại toàn bộ laptop, ipad, điện thoại của cha mẹ, con cái. Việc của họ lúc này không phải là sử dụng thiết bị điện tử, mà phải giao tiếp với nhau, phải chơi và trò chuyện cùng nhau. Họ được yêu cầu chơi xúc cát, vẽ tranh ngoài sân sau. Họ được yêu cầu ngồi đọc sách cùng nhau trong nhà. Tiếp đó, họ được siêu bảo mẫu hướng dẫn cách chơi trò “miêu tả cảm xúc về nhau”: Mỗi thành viên sẽ viết ra những cụm từ cảm nhận về từng thành viên trong gia đình. Sau khi viết, mỗi người sẽ chia sẻ với cả nhà. Cách diễn tả của mỗi đứa trẻ sẽ khiến cả nhà cười vui vì ngôn từ ngộ nghĩnh của lũ trẻ. Trong lúc vui chơi, vì vẫn giữ thói quen quậy phá cũ nên những đứa trẻ nhà Arnold thường xuyên mắc lỗi và chúng ra sức đòi hỏi, thay vì lắng nghe cha mẹ thì phương pháp để xử lý cho việc này là “Calmdown corner”- Góc bình yên.

Khoảng thời gian siêu bảo mẫu Deborah Tillman có mặt trong các ngôi nhà khoảng 1 tuần. Mục đích của bà là hướng dẫn cho các bậc cha mẹ “chìa khóa” để chủ động trong việc nuôi dạy con của mình. Mỗi gia đình có một hoàn cảnh khác nhau, đối mặt với những vấn đề khác nhau trong việc dạy con. Vì vậy không có mẫu số chung duy nhất cho việc nuôi dạy con. Nhưng siêu bảo mẫu Hoa Kỳ Deborah Tillman đã thể thống kê được một số phương pháp chính giúp cha mẹ xử lý vấn đề với con mình. Cụ thể là:

1. Calm- down corner: “Góc bình yên” để trẻ chịu lắng nghe, thay vì giãy nảy hờn dỗi. Khi đặt trẻ vào “góc bình yên”, cha mẹ nên nói ngắn gọn “con cần phải vào góc bình yên vì chưa chịu lắng nghe cha mẹ”. Phương pháp này tưởng dễ dàng, nhưng có rất nhiều gia đình mà bố hoặc mẹ phải mất tới hơn 100 lần để đưa con vào đúng “góc bình yên” vì trẻ dễ khóc lóc phản kháng bằng cách chạy trốn. Những lúc như vậy cha mẹ cần kiên nhẫn đưa trẻ trở lại vị trí này để trẻ có thời gian nhìn lại hành động của mình. Với trường hợp của gia đình Arnold, đứa trẻ khi bị đứng góc luôn gào thét thậm chí mắng mỏ, quát nạt mẹ, vì mẹ là người yêu cầu cậu bé đứng vào “Góc bình yên”. Sau hơn một tiếng đồng hồ người mẹ kiên nhẫn yêu cầu trẻ đứng vào vị trí này, cậu bé đã bình tĩnh hơn, cậu cảm thấy mệt và… ngủ gật. Thời gian chính thức cho “Góc bình yên” thường không xác định nhưng đa phần các gia đình được khuyên khoảng 3-5 phút.

2. Show & Tell Teddy Bear: Khuyến khích thể hiện và trò chuyện với gấu Teddy. Kỹ thuật này dành cho những đứa trẻ có khuynh hướng cắn hoặc đánh người khác. Cô bé Emily hay cắn bố mẹ. Với trường hợp này, siêu bảo mẫu Tillman hướng dẫn cha mẹ hai tay giữ chặt con, nhìn thẳng vào mặt và nói: “Cắn như vậy gây rất đau, và bố mẹ không muốn con làm đau bố mẹ như vậy!”. Cùng với việc nói (tell), cha mẹ cần chỉ cho con thấy (show) vết cắn mà con gây ra. Khi cha mẹ chưa thực sự tự tin vào sự cương quyết kỷ luật của mình (vì trước đó không có kỷ luật), thì có thể thực tập với gấu Teddy hoặc thú bông khác cho thật “nhuần nhuyễn” với kỹ thuật lên giọng, xuống giọng, thái độ và cử chỉ tay để con nhận thức được việc cắn sẽ làm người khác đau, tổn thương và sẽ không nên làm như vậy nữa.

3. Steps for a tidy room - Các bước dọn phòng ngăn nắp. Với những gia đình có con lớn hơn, cha mẹ cần có những hướng dẫn cụ thể để hướng dẫn con tự dọn dẹp căn phòng của mình, bằng cách dán một bảng hướng dẫn 5 bước dọn phòng con lên mặt trong cánh cửa phòng hoặc cánh tủ. 5 bước bao gồm:

Nhặt quần áo của con dưới sàn nhà lên và cho chúng vào ngăn kéo.

Nhặt rác bỏ vào giỏ và mang chúng ra khỏi phòng.

Đặt tất cả đồ chơi và búp bê vào góc dành cho chúng.

Cất sách lên giá sách.

Dọn giường của con.

Kỹ thuật này chú trọng dạy trẻ về trách nhiệm với bản thân. Siêu bảo mẫu Tillman cũng nhấn mạnh kỹ thuật “out of bound”- vượt qua lằn ranh, là kỹ thuật dùng game hoặc tấm hình để dạy trẻ về vai trò, trách nhiệm.

Bà Tillman luôn tìm cách gần gũi chia sẻ với những người mẹ, và hướng dẫn các ông bố cách cùng san sẻ gánh nặng trách nghiệm với vợ mình. Nguồn: Lifetime TV America's suppernanny.

Đó là 3 trong số rất nhiều gợi ý cho cha mẹ khi “đối mặt” với những đứa con quậy phá. “Không phải những đứa trẻ, mà chính cha mẹ là những người gặp vấn đề. Nên giải quyết những khó khăn trong nuôi dạy trẻ, đồng nghĩa với việc “gỡ rối” và giải tỏa những khúc mắc, bế tắc đối của từng cha mẹ”- là cách làm của bà Tillman.

Đặc biệt, bà Tillman rất nhiều lần hướng dẫn cho những ông bố kỹ thuật “Carry the Burden”- học cách mang theo gánh nặng. Những người mẹ ở nhà nuôi con luôn mong muốn người chồng của mình sẽ tham gia, lắng nghe và hiểu được nhu cầu của con cái. Với kỹ thuật này, người bố sẽ hiểu hơn và chia sẻ với vợ, con.

Cuốn sách Parenting on Purpose của bà Tillman được rất nhiều cha mẹ đón nhận. Nguồn: FB Deborah Tillman. 

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn