Áp lực cuộc sống ngày nay buộc cha mẹ phải trở nên mạnh mẽ trước mặt những đứa con. Để che đậy sự mệt mỏi của mình và để con yên tâm lớn lên, hầu hết các bậc cha mẹ sẽ cố tỏ ra uy nghiêm và không bao giờ thể hiện mặt yếu đuối của mình trước mặt con cái. Một số cha mẹ thậm chí còn tỏ ra quyền lực, xây dựng hình tượng nghiêm khắc trước mặt con, để chúng nghĩ rằng cha mẹ thật "vĩ đại”, là “bề trên”. Từ đó, chúng sẽ ngoan ngoãn và dễ vâng lời hơn.
Tuy nhiên, đối với con trẻ, việc cha mẹ xây dựng hình tượng quá nghiêm khắc, quyền lực không phải là điều tốt. Cha mẹ thực sự thông minh không bao giờ cố tỏ ra uy quyền trước mặt con cái, bởi điều này dễ khiến con trở nên yếu đuối, ỷ lại, không có lợi cho sự phát triển của trẻ.
“Hiệu ứng điểm yếu” ban đầu là một hiệu ứng tâm lý phổ biến ở nơi làm việc công sở. Hiệu ứng này chỉ rõ, trong quá trình làm việc, một người sếp giỏi là người biết hạ thấp cái tôi và vai vế của mình một cách có chừng mực để thúc đẩy sự gắn kết đối với các nhân viên và rút ngắn khoảng cách với cấp dưới. Nghiên cứu cho thấy, nếu mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới hài hòa thì doanh nghiệp sẽ tạo ra giá trị và lợi ích cao hơn, vì vậy, người lãnh đạo thường áp dụng hiệu ứng này để rút ngắn khoảng cách giữa sếp và nhân viên.
Khi giáo dục con cái, cha mẹ cũng có thể áp dụng hiệu ứng này để giáo dục con trở thành người tự lập từ sớm.
Trong quá trình giao tiếp với con cái, cha mẹ giả vờ yếu đuối một cách đúng mực - đúng thời điểm không những không làm mất đi sự ngưỡng mộ và uy nghiêm trong mắt con, mà còn rút ngắn khoảng cách trong mối quan hệ cha mẹ - con cái.
Ảnh minh họa
Một chuyên gia giáo dục nổi tiếng của Trung Quốc từng nói: "Nhiệm vụ đầu tiên của cha mẹ là gần gũi với con cái và chăm sóc cho sự trưởng thành của chúng. Nhiệm vụ thứ hai là tách khỏi và thúc đẩy sự độc lập của con cái".
Cha mẹ giả vờ yếu đuối trong một số trường hợp có thể nâng cao tinh thần trách nhiệm của trẻ, thúc đẩy trẻ suy nghĩ độc lập, trở thành "hiệp sĩ nhỏ" giúp cha mẹ giải quyết vấn đề, khiến trẻ trở nên giỏi tư duy và nhạy bén hơn. Điều này rất có lợi cho tương lai của con khi đến một khoảng thời gian nào đó, chúng bắt buộc phải tự lập (khi đi học đại học, sống xa nhà,...) trẻ sẽ dễ dàng thích nghi và học cách sinh tồn.
Việc bố mẹ "tỏ ra yếu đuối" trước mặt con không phải vì không hiểu hoặc không biết gì, mà là một kiểu rút lui khôn ngoan, cho phép và khuyến khích trẻ được là chính mình.
Có nhiều cha mẹ như "siêu nhân", giúp con sắp xếp mọi việc trong cuộc sống. Những bậc cha mẹ như vậy đáng được tôn trọng, nhưng việc làm của họ thực sự không có lợi cho sự trưởng thành của con. Mọi thứ trong cuộc sống của con đều do cha mẹ sắp đặt, và con cái sẽ trở nên rất phụ thuộc vào cha mẹ.
Kiểm soát, quản lý con quá gắt gao sẽ vô tình biến con trở thành “con rối” trong vòng tay cha mẹ. Từ đó, trẻ quen dần với sự sắp đặt có sẵn, ít khi tư duy độc lập, khả năng phản biện kém, không có ý kiến và quan điểm sống riêng. Cho đến khi lớn, cuộc đời của những đứa trẻ này cũng đều chịu sự sắp đặt và định hướng của cha mẹ chúng.
Ảnh minh họa
Hãy để trẻ có cơ hội trải nghiệm và lựa chọn điều mình thích, từ việc ăn uống, học tập hay chơi đùa. Được lựa chọn chính là một sự hạnh phúc. Cho dù trong quá trình đó, con có gặp thất bại thì đó cũng là cơ hội để con học tập, rút ra bài học kinh nghiệm và học cách chịu trách nhiệm cho sự lựa chọn của mình. Ngoài ra, khi cha mẹ tự hào về việc trẻ "làm tốt" cũng nuôi dưỡng lòng tự trọng và sự tự tin trong con.
Yêu là nắm tay đúng lúc, yếu đuối là biết buông tay đúng lúc. Vì cha mẹ không thể cùng con đi hết cuộc đời, thế nên cha mẹ hãy tập buông bỏ đúng lúc thì mới có thể nuôi dạy những đứa trẻ độc lập và can đảm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn