Chị Lai cho biết, phân vô cơ là nguồn phân về lâu dài khi bón vào đất sẽ làm mất đi các thành phần dinh dưỡng tự nhiên có trong đất, ảnh hưởng đến chất lượng nông sản. Nhận thấy nguồn phế phẩm từ nông nghiệp, ngư nghiệp tại địa phương dồi dào, chị Nguyễn Thị Lai đã quyết tâm tạo ra phân hữu cơ từ nguồn phế phẩm này với mong muốn giúp bà con nông dân hiểu đúng về phân hữu cơ đối với môi trường đất, tạo sự yên tâm cho người tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp.
Chị đã dành thời gian tìm hiểu và làm phân hữu cơ từ những phế phẩm như phân bò, rơm rạ, bã nấm, phân trùn kết hợp với rau, củ, quả mà người nông dân bỏ đi. Cùng với đó, chị đã thuê đất từ bà con nông dân để vừa cải tạo đất vừa kiểm tra hàm lượng dinh dưỡng có trong phân sau khi trồng thử nghiệm. Việc sử dụng những phế phẩm từ rác thải nông nghiệp làm phân hữu cơ vừa bảo vệ môi vừa tăng chất dinh dưỡng cho đất, tạo môi trường tự nhiên bảo vệ hệ sinh vật dưới lòng đất. "Tôi mong muốn kết hợp lâu dài cùng bà con nông dân để tạo ra những sản phẩm rau sạch từ nguồn nguyên liệu sẵn có, hy vọng sẽ góp phần bảo vệ môi trường", chị Lai chia sẻ.
Năm 2017, chị Lai thành lập Công ty cổ phần Air Yamanashi chuyên về cung cấp phân bón hữu cơ và vệ sinh công nghiệp, có trụ sở tại quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Vào thời điểm ấy, chị gặp rất nhiều khó khăn: không có kiến thức để phân tích thành phần dinh dưỡng trong phân, không có đất để thực hiện ý tưởng, không có kinh phí để hiện thực hóa ý tưởng. Vì thế, chị đã thuê lại 500m2 đất của một hộ dân ở xã Hoà Khương và kết hợp cùng chủ hộ để làm. Sau một thời gian thử nghiệm, nghiên cứu, chị đã có những thành công bước đầu. Chị dùng khoản tiền nhỏ dành dụm được để thuê kỹ sư phân tích thành phần dinh dưỡng nhưng không gặp được người thực sự muốn đồng hành cùng mình. Chị lại phải đôn đáo đi tìm người hỗ trợ. Cứ thế vật lộn với khó khăn, đến gần một năm sau chị mới tạo ra 3 loại phân hữu cơ để bón cải tạo đất, trồng thử nghiệm 4 loại nông sản là mướp, bí đỏ, dưa leo, dưa hấu.
Điều đáng mừng là tất cả nông sản chị trồng đều cho kết quả tốt. Nhờ đó, một số doanh nghiệp bắt đầu tin tưởng, đặt mua nông sản của chị. Tuy nhiên, đầu năm 2018, các hộ nông dân quyết định không cho thuê đất nữa. Trong phần đất đã đầu tư có cả hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt mà chị đã dày công xây dựng. Kỹ sư nghỉ việc, đất không tiếp tục thuê được, dịch Covid-19 đến... bao nhiêu công sức của chị Lai trở về con số 0. Nhưng không vì thế mà chị bỏ cuộc.
Đầu năm 2021, chị bắt đầu nghiên cứu lại phân chuồng bã nấm, phân trùn quế, phân cá và đã có kết quả khả quan cho cây ăn lá. "Các loại phân hiện tại chúng tôi làm giúp đất tơi xốp, tạo chất keo khi trời mưa khó rửa trôi, chống sâu bệnh. Giá thành của các loại rau ăn lá cao hơn nhưng chất lượng tạo được sự tin tưởng của người sử dụng", chị Lai cho biết.
Không chỉ làm thành công phân hữu cơ để trồng nông sản, chị Lai còn mang những kiến thức, mô hình này phổ biến cho bà con nông dân, đồng thời kết hợp cùng các vựa rau sạch của người nông dân để cung cấp sản phẩm. Dù vất vả nhưng đây là công việc mà chị yêu thích. Chị hy vọng sẽ đóng góp sức mình cho việc làm tăng độ màu mỡ cho đất nông nghiệp ở địa phương. Hiện nay, cơ sở sản xuất của chị đang tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động với thu nhập ổn định. Cùng với đó là phối hợp với 50 hộ dân để canh tác, trồng nông sản sạch.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn