'Muốn kiếm tiền bộn từ nuôi dế, phải tìm nguồn thức ăn sạch'

18:48 | 28/10/2019;
Là một giáo viên về hưu nhưng cô Thái Kim Hoa (phường 3, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) vẫn chưa ngơi việc. Cô hăng hái tham gia công tác đoàn thể tại địa phương. Đặc biệt hơn, ở cái tuổi ngoài 50, cô bắt đầu khởi nghiệp với mô hình nuôi dế. Cô Hoa không chỉ tạo được mô hình kinh tế hiệu quả mà còn trở thành tấm gương cho nhiều bạn trẻ trong vùng noi theo.

Mô hình nuôi dế  của cô Thái Kim Hoa là một mô hình kinh tế khá thành công, tăng thu nhập cho gia đình. Lý giải việc “bén duyên” với nghề nuôi dế, cô Hoa cho biết: Thời gian đầu về hưu, cô cảm thấy rất buồn và luôn trăn trở phải làm một điều gì đó để đỡ lãng phí thời gian. Trong một dịp tình cờ, cô được một người cháu tặng cho 2 ổ trứng dế (giống dế Thái) đem về nuôi để gây đàn. Sau một thời gian nuôi thử nghiệm, cô thấy dế rất dễ nuôi, tăng đàn nhanh, phát triển mạnh, ít hao hụt. Thế là cô bắt đầu nuôi dế với số lượng nhỏ. “Sau khi về hưu tôi cũng thử nuôi nhiều con vật như heo, gà, vịt. Nhưng heo thì lúc đó hay bị bệnh tai xanh và phân thải ảnh hưởng đến môi trường; gà, vịt thì bị cúm gia cầm. Sau đó, có đứa cháu giới thiệu đến mô hình nuôi dế, từ đó tôi làm thử mà thành thiệt, tôi gắn bó với nghề này được gần 10 năm rồi”, cô Hoa chia sẻ.

 

Cô Thái Kim Hoa đang xây dựng mô hình nuôi dế khá thành công
 

Lúc bắt đầu khởi nghiệp, cô nuôi chỉ  5 -7 thùng nhỏ, dần dà cô thấy bán được và bắt đầu mở rộng. Năm 2013, cô bắt đầu xây dựng chuồng trại chuyên nghiệp và mở rộng mô hình cho bà con hàng xóm, người thân cùng làm. “Mới đầu, mọi người nhìn vào, ai cũng nghĩ tôi không được bình thường. Bản thân tôi cũng cảm thấy ngại mỗi khi nghĩ đến món ăn làm từ dế. Tôi nghĩ trong bụng món này liệu có ai ăn không và bán có ai mua không. Thế nhưng, khi tôi học được bí quyết làm món dế chiên giòn, mọi suy nghĩ của tôi đã thay đổi. Đây là món ăn giàu đạm và lạ miệng, ăn giòn giòn rất ngon”, cô Hoa tâm sự.

Với mô hình chăn nuôi lạ nhưng cô nhận được sự quan tâm, động viên của các cán bộ Hội LHPN địa phương. Hội đã hỗ trợ cô số tiền vay vốn 10 triệu đồng, cô Hoa dùng để mua con giống, mua thức ăn ban đầu từ giai đoạn dế con đến dế thương phẩm. Đồng thời, gia đình cô còn chuẩn bị diện tích nuôi; thêm một phần chi phí mua con giống, thức ăn, thuốc phòng và trị bệnh; chi phí cải tạo chuồng trại; chi phí nhân công lao động và các chi phí khác.

 

Dế thương phẩm được bán với giá khá cao

Thời gian sinh trưởng của dế rất ngắn. Từ lúc nở con đến lúc trưởng thành chỉ mất 40-50 ngày tuổi là có thể xuất chuồng. Thịt dế ngon nhất là dế sữa độ 30-35 ngày tuổi. Dế có thể chế biến thành các món như dế chiên bột, dế chiên bơ, dế rang nuối, dế chiên mắm, nhân bánh xèo hoặc gỏi dế…

Thức ăn chính của dế là bột bắp, bột đậu nành, lá mỳ, rau sạch... Ngoài ra, chuồng trại cần để nước thường xuyên cho dế uống. Về kỹ thuật nuôi, cô Hoa nhốt chung cả dế trống và dế mái. Khi nào dế trưởng thành, cô sẽ nhốt riêng cho dế mái đẻ trứng. Sau khi nở, dế con được nhốt riêng từng chuồng tùy theo lứa tuổi.

Cô Hoa cho biết: “Thời gian đầu nuôi dế rất dễ nản, bởi vì loài dế rất nhạy cảm với hóa chất, nếu cho ăn các loại rau có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật là dế chết cả đàn. Hay chuồng trại mà ẩm tí, có mùi khai tí là dế cũng dễ chết. Tôi nhớ có một lần ra mua bắp cải ngoài chợ về cho dế ăn, sau đó dế lăn ra chết. Từ đó, tôi rút ra kinh nghiệm là nguồn thức ăn phải đảm bảo sạch tuyệt đối. Chuồng trại phải làm nơi thoáng mát. Khi đã hiểu được loài dế thì mới nuôi dễ dàng được”.

Hiện nay, cô đã bỏ mối được nhiều tỉnh lân cận và trong tỉnh tại các quán làm món ăn, các trại nuôi gà và các tiệm bán chim, cá cảnh… Ngoài ra, cô còn bán giống và hướng dẫn cách nuôi cho bà con và hàng xóm xung quanh, cô còn nhận bao tiêu đầu ra sản phẩm cho những hộ mua con giống của mình để hỗ trợ họ phát triển kinh tế. Cô tích cực giới thiệu, hướng dẫn chị em phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, tiến tới thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã trong chăn nuôi. “Chị em phụ nữ cứ mạnh dạn khởi sự kinh doanh, không biết thì học hỏi, ý chí, nghị lực sẽ làm nên thành công. Mình phải thay đổi cách sống, tự chủ về kinh tế, phát huy khả năng của mình”, cô Hoa chia sẻ.

 

Hiểu được đặc tính của loài dế sẽ rất dễ nuôi.

Mỗi ngày trại dế của cô có thể xuất từ 15 - 20kg dế thương phẩm (mỗi kg dế trưởng thành ước độ 1.400 con). Dế bán với giá từ 100.000 - 130.000đ/kg cho người mua làm mồi nuôi chim, gà, cá kiểng và làm mồi câu cá. Riêng đối với dế thịt hoặc dế sữa có giá 200.000đ/kg. Bình quân, cô Hoa thu được lợi nhuận gần 150-200 triệu đồng/năm.

Bên cạnh những thuận lợi đạt được, cô cũng còn nhiều băn khoăn. “Tôi mong muốn tìm được đầu ra tốt để hỗ trợ lại cho bà con nuôi dế giống tôi. Đầu ra hiện nay vẫn còn rơi vào tình trạng lúc “dội chợ”, lúc “hụt hàng”. Ví dụ mùa nước nổi này, dế sinh sản nhanh nên bị dư ra, người nuôi chưa làm chủ được đầu ra. Bản thân tôi thì đã ổn định hơn chút nhưng với các hộ khác thì vẫn còn nhiều khó khăn. Tôi có ước mơ là tìm được đầu mối thu mua lớn và kết nối giúp các hộ còn lại. Dù gì, nếu làm được nghề nuôi dế này thì kinh tế cũng khá hơn là trồng mỳ, trồng lúa”, cô Hoa bộc bạch.

“Chị em cứ mạnh dạn khởi sự kinh doanh, không biết thì học hỏi, ý chí, nghị lực sẽ làm nên thành công. Mình phải thay đổi cách sống, tự chủ về kinh tế, phát huy khả năng của mình”, cô Hoa chia sẻ. 

 

Bạn đọc có nhu cầu mua sản phẩm có thể liên hệ tại địa chỉ: Cô Thái Kim Hoa, số 29/18, Khóm 1, Phường 3, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Số điện thoại: 0270.3834369 - 0937.084846.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn