Muốn nghỉ việc vì "ma cũ bắt nạt ma mới"

06:58 | 16/05/2021;
Công việc ở đây có thể giúp em nâng cao chuyên môn của mình nhưng làm việc trong môi trường nhiều áp lực như vậy khiến em rất mệt mỏi. Mỗi tối, chỉ cần nghĩ tới việc sáng mai sẽ phải đi làm, em đã thấy chán nản.
Em chào chị Thanh Tâm!

Em là Minh Dương, 25 tuổi, đã tốt nghiệp đại học được 2 năm, đang làm cho 1 cơ quan của nhà nước. Em cảm thấy em luôn cố gắng để hoàn thành công việc. Tuy nhiên, giữa sự cố gắng và kết quả có sự chênh lệch không ít. Các chị cùng cơ quan thường xuyên phản ánh không tốt về công việc của em mà em không hiểu tại sao lại vậy. Chị có thể giúp em được không?

Trước khi vào làm chính thức, em đã được thực tập 3 tháng tại cơ quan. Trong thời gian thực tập, mọi người đều rất vui vẻ và chia sẻ cởi mở với em. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp và chính thức đi làm thì thái độ của họ rất khác. Những việc em làm đều bị "soi" và phán xét. Có người coi việc em làm sai là một niềm vui để trêu chọc và mách sếp. Em cảm thấy rất ngột ngạt trong môi trường làm việc đó.

Bữa trước là nghỉ lễ, cũng là ngày em phải trực và nhận giấy tờ dự án. Em đã liên hệ với đối tác và họ hẹn tới hết nghỉ lễ mới gửi hồ sơ. Nhưng sau đấy không hiểu vì sao, buổi chiều hôm đó, khi em vừa về thì giấy tờ đã được gửi tới. Do đi trên đường, điện thoại để trong cốp xe, nên em không biết đối tác gọi. Vì gọi cho em không được, họ đã liên hệ với một chị đồng nghiệp của em. Vậy là khi em vừa về đến nhà, mở điện thoại lên thấy gần 20 cuộc gọi nhỡ. Vừa nóng, vừa mệt, em nhấc điện thoại lên gọi lại cho chị ấy thì nhận được 1 "cơn mưa" tức giận: "Sao em làm việc không có trách nhiệm gì vậy? Ngày của em trực mà hồ sơ gửi tới không nhận, lại về sớm là như thế nào? Em có biết thất lạc những giấy tờ ấy, cơ quan bị thiệt hại ra sao không?". Chị ấy mắng mà không để cho em một lời giải thích. Do quá tức giận, em đã không kiềm chế được và nói: "Thôi chị không cho em giải thích, không tin em, em không thèm nói chuyện với chị nữa".

Căng thẳng chuyện “ma cũ bắt nạt ma mới” ở công sở - Ảnh 1.

Công việc ở đây có thể giúp em nâng cao chuyên môn của mình nhưng làm việc trong môi trường nhiều áp lực như vậy khiến em rất mệt mỏi. Ảnh minh hoạ không phải nhân vật trong bài

Tự nhận thấy sai lầm, em nói ngay lời xin lỗi nhưng đã quá muộn. Ngày hôm sau, tất cả mọi người đều biết chuyện. Em bị nói là ý thức kém, vô trách nhiệm và hỗn láo với tiền bối. Điều này khiến em cảm thấy vừa oan ức, vừa khó chịu. Em chỉ muốn nghỉ làm ngay thôi chị Thanh Tâm ơi. Sống trong môi trường làm việc này quá ngột ngạt, nhiều lúc khiến em không thể thở nổi. Nhưng khi em kể những chuyện này với mẹ, bà lại coi đấy là một chuyện bình thường. Bà kể cho em nghe nhiều chuyện từ khi bà mới bước chân đi làm và phải học hỏi từng việc một, từ cách chào hỏi, đi đứng đến việc pha trà, gọt hoa quả... Nhưng em vẫn khó chịu, em thấy các chị ở cơ quan thật quá đáng.

Chị biết không, trước đây em có quen và yêu một anh bác sỹ. Nhưng em bị "cắm sừng". Vậy là các chị đồng nghiệp cứ hỏi đi hỏi lại chuyện đó khiến em phát bực. Nếu em làm việc gì chưa tốt, họ sẽ lấy chuyện yêu đương ra để nói: "Đầu óc mày để trên mây thế này, bảo sao thằng bác sỹ nó không thích", "Đàn ông nó yêu những người có chiều sâu cơ em ơi!". Các chị ấy nói vậy khiến em rất tủi thân.

Công việc ở đây có thể giúp em nâng cao chuyên môn của mình nhưng làm việc trong môi trường nhiều áp lực như vậy khiến em rất mệt mỏi. Mỗi tối, chỉ cần nghĩ tới việc sáng mai sẽ phải đi làm, em đã thấy chán nản. Kì lạ thay, mọi người để ý mỗi công việc của em, còn những người khác thì vẫn cởi mở và chia sẻ nhiều việc với nhau. Nhiều lúc em tự hỏi, có phải trong công việc em thực sự đang làm chưa tốt. Về đối nhân xử thế có phải em cũng còn thiếu sót nhiều nên mới vậy? Em không muốn đi làm ở đấy nữa. 

Chị Thanh Tâm ơi, theo chị, em có nên xin nghỉ việc không?

                                                                                                     Minh Dương (Vĩnh Phúc)

Minh Dương thân mến!

Chị đã nhận được thư và đọc những dòng chia sẻ của em về công việc. Dù ở môi trường nào, người mới cũng sẽ được chú ý hơn, ví dụ như trong công việc là đồng nghiệp mới, trong gia đình là dâu mới... Người mới, vì mình chưa biết họ là ai, họ như thế nào nên thường sẽ được quan tâm hơn. Trong cơ quan của em cũng vậy, do mọi người đã có thời gian làm việc cùng nhau nên hiểu cách làm và tính cách, còn em mới vào, thường sẽ được chú ý hơn. 

Trong giai đoạn đầu, chị nghĩ việc đầu tiên em cần làm là học hỏi và chỉn chu, sáng tạo trong công việc, làm việc có trách nhiệm để được ghi nhận. Có như vậy, sẽ không ai nói xấu em được. Việc gì sai thì mình nhận lỗi để sửa, việc gì chưa tốt thì học hỏi để làm tốt hơn. Đặc biệt, em nên bình tĩnh hơn khi giao tiếp, vì mình là người mới, nên chỉ cần 1 lỗi sai, có thể sẽ bị nhận xét, thổi phồng lên nhiều hơn.

Em đã có 3 tháng thử việc yên bình, bây giờ là lúc em chứng minh giá trị trong công việc của mình. Chị tin rằng khi em đã nhận ra những điều mình cần để tâm sửa mình cho tốt hơn, em sẽ ngày càng hoàn thiện. Trường hợp em đã cố gắng làm tốt mà vẫn chưa đạt yêu cầu, hãy thẳng thắn hỏi người khiển trách mình cách làm việc được tốt hơn. Thậm chí, em có thể gặp sếp để trao đổi về những căng thẳng khi làm việc ở cơ quan, nhờ sếp hướng dẫn cách cân bằng.

Chị chúc em đủ bản lĩnh để vượt qua và thành công.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn