Muốn ngừng lười biếng, làm ngay 8 điều này

12:00 | 02/07/2022;
Thay vì luôn mặc định 2 chữ lười biếng với ý tiêu cực, 8 lời khuyên dưới đây sẽ giúp bạn tìm ra động lực của mình và mạnh mẽ tiến về phía trước.

1. Hiểu tại sao bạn không có động lực

Theo định nghĩa, lười biếng chỉ đơn giản là sự không muốn làm việc hoặc sử dụng năng lượng. Đừng mặc định lười biếng với ý nghĩa tiêu cực. Thay vào đó, hãy tìm hiểu xem vì sao bạn không có động lực, vì sao bạn cảm thấy mình lười biếng. Biết được điều này, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm ra giải pháp cho vấn đề.

Những câu hỏi bạn có thể cân nhắc là: Bạn thường được nghỉ giải lao thế nào? Bạn đang làm việc mọi lúc? Bạn có ngủ ngon không?

Bạn có chế độ ăn uống đảm bảo không? Cơ thể và bộ não của bạn có nhận được đủ chất dinh dưỡng cần thiết không?

Đó có phải là vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần không? Bạn có thấy mình rơi vào trạng thái tuyệt vọng hay chán nản, không có gì quan trọng trong đời?

2. Phát triển những thói quen tốt hơn

Đôi khi, sự lười biếng và thiếu động lực có thể bắt nguồn từ thói quen thường xuyên của chúng ta.

Ví dụ: Giả sử bạn làm việc tại nhà và thường chợp mắt vào lúc 2 giờ chiều. Cơ thể và bộ não của bạn sẽ quen với việc ngủ trưa đó mỗi ngày. Khoảng 1h45, não và cơ thể của bạn sẽ cho bạn biết rằng đã đến giờ đi ngủ. Chúng sẽ bắt đầu hoạt động chậm lại và chuẩn bị cho việc nghỉ ngơi.

Hãy biến năng suất thành thói quen, đưa bản thân vào sự bận rộn và khi hoàn thành được một số việc, bạn sẽ có động lực hơn để thực hiện những việc tiếp theo.

3. Đặt một số mục tiêu hợp lý

Đặt mục tiêu là cách tuyệt vời để bạn xây dựng động lực. Đặt ra mục tiêu thiếu thực tế có thể khiến bạn nhanh chóng nản lòng và muốn từ bỏ.

Hãy đảm bảo rằng mục tiêu của bạn có đủ các yếu tố sau: Cụ thể, Có thể đo lường, Có thể thực hiện, Có liên quan và Có giới hạn thời gian.

Ví dụ: Giả sử bạn muốn giảm cân. Nếu bạn chỉ đặt ra mục tiêu là “giảm cân”, sẽ rất khó để đạt được thành công. Mục tiêu tốt hơn nên là: "Tôi sẽ giảm cân bằng cách không tiêu thụ quá 1800 calo mỗi ngày trong 30 ngày tới". Bạn sẽ có động lực hơn để hoàn thành mục tiêu khi có một kế hoạch cụ thể.

4. Làm từ những việc nhỏ

Nhớ rằng tất cả những điều lớn lao trong cuộc sống này đều cấu thành từ những điều nhỏ nhặt. Bắt đầu từ những việc nhỏ đó có thể giúp bạn có động lực hơn cho những bước tiếp theo, tránh cảm thấy thất vọng về cuộc sống của mình.

5. Sử dụng các kỹ thuật quản lý thời gian

Kỹ thuật quản lý thời gian có thể giúp bạn chống lại sự lười biếng khi thấy mình quá tải. Trong đó, Pomodoro là một kỹ thuật quản lý thời gian phổ biến có thể giúp bạn tận dụng thời gian của mình. Hiểu một cách đơn giản thì bạn sẽ làm việc trong 25 phút, sau đó nghỉ 5 phút và chu kỳ này được gọi là một Pomodoro. Sau bốn lần Pomodoro, bạn sẽ nghỉ dài hơn, khoảng 15 đến 20 phút.

Quản lý thời gian theo cách này giúp bạn chia nhỏ một ngày, cảm thấy sảng khoái và có động lực hơn. Dành cả ngày để nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính, đốt hàng giờ liền chỉ để cố gắng hoàn thành công việc sẽ khiến bạn kiệt sức và không muốn làm gì nữa vào cuối ngày.

Thay vào đó, hãy tạo ra không gian trong ngày để làm việc và nghỉ ngơi. Não bộ của bạn sẽ có thời gian nghỉ ngơi sau khoảng thời gian làm việc.

6. Tự thưởng cho bản thân khi hoàn thành nhiệm vụ

Đừng quên tự thưởng cho bản thân khi hoàn thành được mục tiêu của mình. Đó có thể là thấy bản thân mình đặc biệt hơn hoặc làm cho mình điều gì đó thú vị mà bạn không thường làm.

Những phần thưởng vật chất cho một mục tiêu đã hoàn thành có thể giúp bạn củng cố mạch khen thưởng của não bộ khi bạn có một thứ hữu hình để nhìn vào và thấy kết quả của mình. Điều này có thể hữu ích khi bạn đang theo đuổi các mục tiêu vô hình hoặc dài hạn.

Ví dụ: Giảm cân và điều chỉnh chế độ ăn uống là một kế hoạch dài hạn đòi hỏi sự cam kết và kỷ luật. Bạn có thể tự thưởng cho mình một bộ quần áo đẹp hơn khi đã thành công đạt được 1 cột mốc. Hãy cố gắng tránh những phần thưởng phản tác dụng như “Vì giảm được 2kg nên mình sẽ tự thưởng 1 ngày ăn xả láng”.

7. Định nghĩa lại thất bại nghĩa là gì

Bạn có sợ thất bại không? Nhiều người không thực sự lười biếng, chỉ là họ sợ bản thân thất bại, trở nên ngu ngốc trong mắt ai đó.

Sự thật là những người thành công đều từng thất bại. Họ thành công bởi với họ, thất bại không đồng nghĩa với dấu chấm hết. Thất bại là cơ hội để họ rút ra cho mình những bài học quý báu. Đôi khi, thất bại chỉ là một trở ngại đưa bạn đến con đường tốt hơn để đạt được thành công.

Nếu ai đó luôn dành cho bạn sự cười chê khi bạn thất bại, hãy bỏ qua những người đó. Tại sao bạn phải dành sự quan tâm cho những người không ủng hộ mình? Thật sự không đáng!

8. Ngừng suy nghĩ và bắt đầu hành động

Lên kế hoạch cho lộ trình tiến tới thành công là điều được khuyến khích làm. Tuy nhiên, đôi khi lười biếng có thể không phải là thiếu động lực hay ham muốn mà chỉ đơn giản là ai đó mãi luẩn quẩn trong những suy nghĩ về việc đó. Họ dành toàn bộ thời gian để suy nghĩ, lập kế hoạch, lập kế hoạch nhiều hơn và suy nghĩ nhiều hơn nữa rồi chỉ dừng ở đó.

Bí quyết giúp bạn vượt qua điều này là ngừng suy nghĩ và bắt đầu hành động. Hãy lập cho mình kế hoạch ban đầu và bắt tay ngay vào thực hiện.

Khi lập kế hoạch quá nhiều, bạn có thể giả định ra quá nhiều trở ngại phải đối mặt trong khi chúng có thể không đến. Thay vào đó, hãy đối mặt khi chúng đến và tự tin rằng bạn đủ thông minh cũng như năng lực để tìm ra giải pháp cho những vấn đề đó.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn