Muốn sinh con không dị tật, đây là 3 giai đoạn cha mẹ cần phải làm

06:27 | 15/11/2018;
Theo bác sĩ chuyên khoa đến từ Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM), để giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số thì việc tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh, tật không chỉ diễn ra trong thời kỳ (mang thai) trước sinh và sơ sinh mà ngay cả ở giai đoạn trước khi kết hôn, các cặp đôi đã cần phải thực hiện điều này.

Câu chuyện của bé Thảo

Mẹ sinh Thảo vào năm 2012 tại một bệnh viện huyện ở Vĩnh Long. Sau khi bác sĩ ở đây lấy máu và tầm soát, chẩn đoán bệnh, tật sơ sinh thì phát hiện em bị suy giáp nên gửi kết quả về Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TPHCM  xin tư vấn. Sau đó, mẹ Thảo thương con, trong suốt những năm đầu kể từ khi con làm thủ tục nhập viện, tháng nào chị cũng bế bé từ dưới quê lên đây điều trị; Sau đó, liệu trình điều trị của em được giãn dần ra với tần suất 3 tháng/lần... Đến năm 2016, khi các bác sĩ về dưới nhà thăm Thảo, em đã bước vào tuổi thứ 4, rất nhanh nhẹn và hiếu động và tham dự tốt các chương trình học ở trường mẫu giáo, biết vẽ, biết tập viết…

picture5.jpg
Bé Thảo hiện đang rất nhanh nhẹn và khỏe mạnh, đã có thể tập viết.

Bác sĩ Nguyễn Khắc Hân Hoan – Trưởng khoa Xét nghiệm Di truyền Y học, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ cho biết: “Gánh nặng dị tật bẩm sinh và di truyền cho thấy tỉ lệ ngày càng tăng: 30% các bệnh nhập viện là trẻ em; 20% tử vong sơ sinh và 50% tử vong ở trẻ em, trên 50% phụ nữ sẩy thai trước 13 tuần do rối loạn nhiễm sắc thể… và khi đứa trẻ có dị tật khi sinh ra việc điều trị rất khó, tốn kém, chất lượng cuộc sống kém… Với trường hợp của Thảo là một trong những minh chứng cho thấy thông qua việc tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh sẽ góp phần hạn chế việc sinh ra những đứa trẻ khuyết tật. Với Thảo, nếu như em không được sớm phát hiện và điều trị thì khi em sinh ra sẽ chỉ là một cô bé chậm phát triển trí tuệ, thần kinh, vận động, có thể phải nằm im một chỗ”.

2.jpg
Bác sĩ Nguyễn Khắc Hân Hoan (đứng): "Thông qua việc tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh sẽ góp phần hạn chế việc sinh ra những đứa trẻ khuyết tật". 
Cả nước, thống kê năm 2017, với số trẻ sinh ra khoảng 1,4 triệu trẻ thì tỷ lệ trẻ bị dị tật bẩm sinh chiếm tỷ lệ 1/33, tức là mỗi năm tại Việt Nam có khoảng hơn 41.000 trẻ bị dị tật bẩm sinh (trong đó có khoảng 1.400-1.800 trẻ bị mắc bệnh Down, khoảng 250 trẻ mắc hội chứng Edwards, 1.000-1.500 trẻ bị dị tật ống thần kinh, 300-400 trẻ bị suy giáp bẩm sinh, đặc biệt có khoảng 15.000-30.000 trẻ bị thiếu men G6PD, có khoảng 2.200 trẻ bị bệnh tan máu bẩm sinh…).

Theo thống kê tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ năm 2017, trong tổng số 105.023 ca sàng lọc trước sinh và 124.928 ca sàng lọc sơ sinh tại bệnh viện, kết quả đã phát hiện ra thai bất thường là 9.523 (tăng 5,27% so với 2016); phải thực hiện thủ thuật là 10.397 ca (tăng 14,4% so với 2016)...; chọc ối 9.209 ca, sinh thiết gai nhau 620 ca, truyền ối 349 ca, giảm ối 108 ca, hủy thai 111 ca; Kết quả chẩn đoán thai bất thường di truyền phát hiện 431 trường hợp, trong đó có nhiều nhất là Trisomy 21 (315 ca), Trisomy 18 là 76 ca và có XYY, Turner,  Trisomy 13, Trisomy X, Klinefelter… ; Xét nghiệm đột biến gen Thalassemia trước sinh: 2016 tổng số là 1.535, thai 225, phát hiện kiểu gen nặng là 50 ca; năm 2017, trong tổng 1.600 ca, có thai là 243, có kiểu gen nặng là 53 ca (chiếm 22%) thai có kiểu gen thiếu máu nặng, phù nhau thai…

3.jpg
Các thai phụ tham gia tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh tật trước sinh tại BV Từ Dũ.
c.jpg
Một thai phụ đi khám tầm soát, chẩn đoán mới phát hiện ra mình có vấn đề về máu.

Theo bác sĩ Phan Thanh Bình - Trưởng Khoa chăm sóc trước sinh Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, TPHCM: “Nhờ kết quả của tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đã có thể can thiệp để giúp giảm tỷ lệ trẻ bị đột biến gen Thalassemia, bởi nếu không được can thiệp kịp thời, chỉ 1 năm 2017 đã có tới 53 trẻ sinh ra mắc tan máu bẩm sinh và các em ấy sẽ phải gắn với việc truyền máu cho đến lúc chết…”.

Phải làm gì để có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh?

Theo tư vấn của Bác sĩ Phan Thanh Bình: “Người dân cần nhớ được 3 giai đoạn cần phải đi tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh, tật đó là (1) thực hiện khi các cặp đôi chuẩn bị kết hôn; (2) thực hiện xét nghiệm thường quy cho phụ nữ mang thai từ 11-13 tuần 6 ngày, nếu trễ hơn thì có thể làm ở giai đoạn từ 16-18 tuần, và giai đoạn (3) là 48 giờ sau sinh, trẻ sẽ được lấy máu ở gót chân để thực hiện xét nghiệm”.

d.jpg
Các cặp đôi cần phải được tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn hoặc trước khi quyết định sinh con.

*Tư vấn của bác sĩ Phan Thanh Bình (Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ) về các giai đoạn cần phải nhớ trong tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh :

TẠI SAO CẦN PHẢI SÀNG LỌC TRƯỚC SINH VÀ SƠ SINH? Sàng lọc để phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm những bất thường của trẻ giai đoạn thai còn trong bụng mẹ và ngay sau khi trẻ ra đời để từ đó đưa ra các biện pháp can thiệp kịp thời giúp thai nhi và trẻ sơ sinh phát triển khỏe mạnh bình thường góp phần nâng cao chất lượng dân số.

LỢI ÍCH CỦA SÀNG LỌC TRƯỚC SINH VÀ SƠ SINH:
  – Cơ hội sinh con khỏe mạnh nhiều hơn.
  – Giảm lo lắng về khả năng sinh con bị dị tật.
  – Lựa chọn ngưng thai kỳ khi phát hiện thai nhi bị dị tật bẩm sinh.
  – Có kế hoạch sinh và chăm sóc trẻ bị dị tật một cách tốt nhất trong trường hợp thai phụ quyết định giữ thai.
  – Giảm chi phí cho gia đình và xã hội.
  – Góp phần cải thiện chất lượng dân số.

*Tại TPHCM, các thắc mắc về tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh tật trước sinh và sơ sinh, liên hệ: Điểm tư vấn sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân. Địa chỉ: 823 Hồng Bàng, Phường 9, Quận 6, TP. Hồ Chí Minh.

* Thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại đâu?
Bệnh viện Từ Dũ. Địa chỉ: 284 Cống Quỳnh, Phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1 (tại đây, khung bảng giá dịch vụ làm các xét nghiệm tầm soát, chẩn đoán bệnh, tật trước sinh và sơ sinh có mức trung bình từ 200-350 ngàn đồng).
Hoặc Bệnh viện Hùng Vương. Địa chỉ: 128 Hồng Bàng, Phường 12, Quận 5.

(Nguồn: Chi cục Dân số -KHHGĐ TPHCM)

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn