Mường Tè (Lai Châu): Còn nhiều khó khăn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS

15:55 | 25/07/2023;
Huyện Mường Tè (Lai Châu) có trên 90% dân số là đồng bào DTTS, trong đó, có những dân tộc rất ít người như: Cống, Mảng, La Hủ, Si La. Việc thống kê học sinh trong độ tuổi đến trường, vận động đưa trẻ tới lớp cũng tốn không ít công sức của thầy, cô và các cấp chính quyền. Cùng với đó là khó khăn chung của sự nghiệp giáo dục vùng cao, biên giới, công cuộc đem “con chữ” đến với người La Hủ.

Từ năm học 2021- 2022, dân tộc La Hủ đã có quyết định ra khỏi mức độ dân tộc còn dưới 10.000 người nên chế độ của Nghị định 57/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 05 năm 2017 bị cắt.

Các em học sinh người dân tộc La Hủ cách trường dưới 4 km bị cắt hỗ trợ nên nhiều em học sinh khó khăn đã bỏ lớp giữa chừng.

Mường Tè (Lai Châu): Những khó khăn trong nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS - Ảnh 2.

Chị Vàng Gió Nhù - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Tè

Để hiểu rõ hơn về những khó khăn trong việc xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học cho đồng bào dân tộc thiểu số và nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số nơi đây, PV Báo PNVN đã có cuộc chia sẻ với chị Vàng Gió Nhù, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Tè:

PV: Xin chị cho biết sự phối hợp và tham gia đóng góp của cấp Hội phụ nữ huyện Mường Tè trong việc xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học cho đồng bào dân tộc thiểu số và nâng cao chết lượng giáo dục tiểu học cho học sinh dân tộc thiểu số tại địa phương mình trong thời gian qua.

Chị Vàng Gió Nhù: Mường Tè là một huyện biên giới, vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của cả nước, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn và trình độ dân trí còn thấp. Do đó phụ huynh học sinh chưa quan tâm nhiều đến việc chăm sóc giáo dục con em, ảnh hưởng khá nhiều đến việc học sinh được ra lớp nâng cao chất lượng giáo dục.  

Về chương trình xóa mù và phổ cập giáo dục tiểu học ở địa phương, Hội LHPN huyện Mường Tè đã phối hợp cùng với phòng giáo dục, các ban ngành đoàn thể, vận động chị em chưa biết chữ tham gia các lớp xóa mù mở tại địa phương. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, hiện nay trên huyện Mường Tè có 26 lớp học xóa mù với trên 300 chị em theo học. Điển hình như ở một số xã: Can Hồ, Mù Cả, Bum Tở, chị em cũng rất tích cực tham gia các lớp xóa mù để mở mang kiến thức. 

Do hoàn cảnh gia đình, trước đây số chị em mù chữ cũng rất nhiều, đến nay chị em cũng đã nhận thức, biết chữ là biết được thêm rất nhiều thứ, có thể tự học hỏi thêm kiến thức về làm kinh tế hay chăm sóc gia đình, con cái.

PV: Trong thời gian tới, công tác tuyên truyền cho các chị em vận động con em mình tới trường để đảm bảo tốt công tác phổ cập giáo dục tiểu học cho trẻ em ở địa phương mình sẽ như thế nào, thưa chị?

Chị Vàng Gió Nhù: Đối với Hội LHPN huyện thì hàng năm, trong dịp cuối tháng 8 đều có kế hoạch chỉ đạo các cơ sở Hội tham gia cùng các ban ngành, nhà trường đôn đốc, vận động phụ huynh cho con em mình đến lớp, đến trường. Hội cũng phối hợp với các nhà trường chuẩn bị các phương tiện, điều kiện tốt nhất để các em tham gia học tập đảm bảo và đúng độ tuổi.

PV: Thưa chị, có một thực trạng đã và đang diễn ra là vẫn có tình trạng một số học sinh chưa học hết PTCS đã nghỉ học ở nhà lấy chồng, lấy vợ hoặc không theo học tiếp mà bỏ đi làm ăn ở nơi xa. Các cấp  Hội và chính quyền địa phương có hướng giải quyết tình trạng này ra sao?

Chị Vàng Gió Nhù: Về phía các gia đình cũng có nhiều cháu học hết lớp 12 muốn học tiếp lên đại học nhưng do kinh tế khó khăn phải nghỉ để đi làm thuê ở các công ty dưới xuôi, hay ở nhà làm nương rẫy. Về công tác hướng nghiệp cho các em, đối với Hội LHPN huyện cũng là một vấn đề trăn trở và nan giải. Về phía các cấp chính quyền thì hàng năm ở Trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) cũng mở các lớp học nghề như: Điện, nông lâm nghiệp,…và thường xuyên vận động các em tham gia các lớp học này.

PV: Chị đánh giá thế nào về Chương trình xóa mù chữ cho phụ nữ La Hủ nói riêng và đồng bào dân tộc thiểu số ở Mường Tè nói chung. Chương trình đã thay đổi suy nghĩ và cuộc sống của bà con như thế nào?

Chị Vàng Gió Nhù: Đối với bà con dân tộc thiểu số, đặc biệt như dân tộc La Hủ trong thời gian vừa qua cũng đã được sự quan tâm rất lớn của Nhà nước và các bộ ngành. Nhờ đó, đời sống người dân cũng đã cải thiện hơn trước. Mặc dù vậy còn nhiều gia đình vẫn còn rất khó khăn, đặc biệt là trong việc cho con em theo học lên tới đại học. Trong thời gian tới rất mong Đảng, nhà nước và các cấp chính quyền quan tâm hơn nữa và có những chính sách phù hợp, đồng bộ nhằm hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số, đặc biệt là học sinh dân tộc La Hủ tại địa bàn huyện Mường Tè được ra lớp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của toàn huyện.

PV: Xin cảm ơn chị!


Năm 2022-2023, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng một số chế độ chính sách như Nghị đinh 116 của Chính phủ về hỗ trợ học sinh ăn bán trú ở trường. Nghị định 57 của Chính phủ về hỗ trợ học sinh dân tộc rất ít người. Nghị định 105 của Chính phủ về hỗ trợ học sinh mầm non về tiền ăn bán trú tại trường, cũng như một số hỗ trợ khác theo các nghị quyết của HĐND tỉnh. Tuy nhiên đối với học sinh La Hủ trong năm học 2022-2023 có 4.216 em từ cấp học mầm non đến THCS ra lớp. Nhưng chỉ được 3.116 em được hỗ trợ chế độ ăn tại trường, còn 1085 em không được hưởng chế độ này do các em là học sinh ở độ tuổi tiểu học và trung học, nhà ở trung tâm chưa đảm bảo đủ khoảng cách theo Nghị định 116. Và đây cũng là một thực trạng rất là khó khăn đối với công tác giáo dục của huyện. Bởi dân tộc La Hủ cũng là một dân tộc có tỉ lệ hộ dân chiếm khá cao trên dân số của huyện, tình hình kinh tế đời sống của bà con còn rất khó khăn, tỉ lệ hộ đói nghèo lên đến 80% do đó ảnh hưởng rất nhiều đến việc vận động học sinh ra lớp, duy trì tỉ lệ chuyên cần cũng như nâng cao điều kiện chăm sóc, giáo dục đối với các em học sinh La Hủ mà không được hưởng các chế độ ăn tại trường.

Chị Phạm Thị Hương - Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn