Mưu sinh ở làng tái chế phế liệu lớn nhất miền Bắc

20:12 | 22/08/2023;
Chúng tôi tìm về thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa (Hà Nội), được mọi người biết đến là làng phế liệu lớn nhất miền Bắc, một ngày cuối tháng 8 trời nắng gắt.
Mưu sinh bất chấp ô nhiễm

Theo chỉ dẫn, chúng tôi đến đường vào nghĩa trang thôn Xà Cầu, đập vào mắt là con đường nhỏ chừng 4m, được rải đá cấp phối, hai bên đường la liệt những bao tải, đống phế liệu là chai nhựa, ni lông... cao ngất bằng cả ngôi nhà. Đến đầu đường đã nghe tiếng máy chạy, tiếng lách cách phân loại phát ra từ những chai nhựa, tiếng người gọi nhau tạo nên không khí làm việc khẩn trương mặc dù không khí nóng bức, mùi xú uế của phế liệu nồng nặc bao trùm.

Ghé vào một vựCVa phế liệu bên đường, phía trong, đa phần là các chị em trung tuổi với khẩu trang, mũ bịt kín đang chăm chú, tỉ mẩn làm phần việc của mình. Người phân loại chai lọ nhựa, người bóc tách nhãn mác ở trên chai lọ và phân loại theo từng loại nhựa để đưa đi tái chế...

Mưu sinh ở làng tái chế phế liệu lớn nhất miền Bắc - Ảnh 1.

Con đường dẫn vào nghĩa trang thôn Xà Cầu hai bên là các vữa phế liệu

Đang dùng con dao nhỏ tỉ mẩn bóc tách lớp nhãn mác trên lọ nhựa, bà Nguyễn Thị Thỏa (70 tuổi), tâm sự: "Chúng tôi tuổi già, lại không có lương, bản thân không muốn phụ thuộc con cháu nên ra đây làm thuê cho vựa phế liệu này. Công một ngày làm việc chăm chỉ từ 6h sáng cho đến 5h chiều được gần 200 ngàn đồng nhưng ngày nọ bù ngày kia. Ngày nào mệt thì nghỉ, cuộc sống giờ già cũng không ăn uống được nhiều".

Nhưng với bà Nguyễn Thị Hiền (65 tuổi), người cùng thôn Xà Cầu thì lại khác, bà không làm thường xuyên, lúc nào rảnh việc gia đình bà lại sang vựa phế liệu làm kiếm thêm thu nhập. "Tôi làm không thường xuyên nên công không đều và khoán theo sản phẩm, 1kg thì được 1.000 đồng, một buổi trời chăm chỉ làm được 50.000 đồng, phụ thêm con cháu đỡ vất vả vì mình", bà Hiền cho biết.

Ngồi một góc phía trong của vữa phế liệu là cô Nguyễn Thị Huệ (50 tuổi) là người thôn Ngọc Đình, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai (Hà Nội) có thâm niên với công việc phân loại phế liệu này đã hơn chục năm có lẻ.

Mưu sinh ở làng tái chế phế liệu lớn nhất miền Bắc - Ảnh 2.

Theo bà Nguyễn Thị Thỏa, một ngày làm việc chăm chỉ từ 6h sáng cho đến 5h chiều là được gần 200 ngàn đồng

"Ở chỗ tôi đất làm lúa giờ không còn, người dân không có việc, thất nghiệp nên chạy tứ tán đi kiếm việc làm mưu sinh. Người đi làm công nhân, người đi ra phố làm thuê, còn tôi qua đây với công việc phân loại phế liệu. Biết là vất vả, ảnh hưởng đến sức khỏe do không khí ô nhiễm, mùi hôi thối nhưng không còn con đường nào khác, "đói nên phải bò" thôi chú ạ", cô Huệ ngậm ngùi tâm sự.

Chuyển nghề làm hương sang nghề tái chế phế liệu

Chúng tôi gặp cô Nguyễn Thị Sơn sinh năm 1967, chủ một vựa thu mua phế liệu ở thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) khi đang tất bật với công việc phân loại phế liệu. Cô Sơn cho biết, ngày trước, thôn Xà Cầu có nghề làm hương đen nhưng do thị trường, nhu cầu thấp làm ăn không còn như trước nên người dân trong thôn dần chuyển sang nghề thu mua, tái chế phế liệu để làm kế mưu sinh. Và gia đình cô Sơn cũng như nhiều người trong thôn không trụ được với nghề truyền thống của cha ông để lại là sản xuất hương đen chuyển sang nghề tái chế phế liệu.

Mưu sinh ở làng tái chế phế liệu lớn nhất miền Bắc - Ảnh 3.

Cô Nguyễn Thị Sơn kể về công cuộc đổi nghề mưu sinh của mình và gia đình

"Do cuộc sống mưu sinh, làng nghề mai một dần nên bất đắc dĩ cô phải chuyển sang làm nghề thu mua, tái chế phế liệu. Nghề này vất vả, suốt ngày tiếp xúc với mùi xú uế, không khí ô nhiễm nhưng vì miếng cơm manh áo nên phải làm. Tôi làm từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều, quần quật với công việc phân loại chai lọ nhựa, vận chuyển hàng đi... Công việc vất vả là vậy nhưng công cán không được bao nhiêu, chủ yếu lấy công làm lãi, một ngày tính ra được 200 ngàn đồng", cô Sơn lấy khăn quệt vội đám mồ hôi đang tủa ra trên trán tâm sự.

Mưu sinh ở làng tái chế phế liệu lớn nhất miền Bắc - Ảnh 4.

Chị em với công việc phân loại phế liệu

Cũng theo cô Sơn, gia đình cô và nhiều người dân trong thôn Xà Cầu chuyển từ nghề làm hương đen truyền thống sang nghề tái chế được hơn 10 năm nhưng cuộc sống người dân cũng còn nhiều khó khăn, quay cuồng với công việc mưu sinh.

"Với gia đình tôi, cũng như nhiều hộ dân trong thôn Xà Cầu cũng còn may mắn bởi vì ở đây, người dân còn có nghề tái chế phế liệu. Nên khi nghề làm hương đen truyền thống dần mai một thì nhiều hộ gia đình trong thôn chuyển đổi sang làm nghề tái chế phế liệu, chứ nhiều làng nghề con vất vả hơn khi kinh tế khó khăn, thị trường, nhu cầu thấp hàng làm ra không bán được...", cô Sơn cho biết thêm.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn