22 ngày là thời gian đóng cửa lâu nhất của chính phủ Mỹ trong lịch sử nước này. Một phần Chính phủ Mỹ đã phải đóng cửa từ ngày 22/12/2018 vừa qua với những bất đồng giữa Tổng thống Trump và Đảng Dân chủ về yêu cầu khoản ngân sách hơn 5 tỷ USD để xây dựng bức tường dọc biên giới với Mexico. Những tranh cãi này đến nay vẫn chưa thể đi đến hồi kết.
Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cấp ngân sách và mở cửa trở lại Bộ Nội vụ, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) cùng một số cơ quan liên bang khác chịu ảnh hưởng của tình trạng đóng cửa một phần chính phủ. Tuy nhiên, dự luật này có nguy cơ cũng sẽ bị Thượng viện và Nhà Trắng bác bỏ.
Đây là một phần trong hàng loạt dự luật mà các nghị sĩ Dân chủ tại Hạ viện thúc đẩy trong tuần vừa qua, nhằm gây sức ép đối với phe Cộng hòa ở Quốc hội cũng như Nhà Trắng, trong bối cảnh tình trạng đóng cửa chính phủ vẫn tiếp diễn. Sau cuộc bỏ phiếu, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra phương án tiếp theo nhằm chấm dứt tình trạng đóng cửa chính phủ.
Thế nhưng, đây không phải là điều mà Tổng thống Donald Trump muốn Quốc hội Mỹ làm trong thời điểm hiện tại. Phát biểu trong một sự kiện tại Nhà Trắng về vấn đề an ninh biên giới, ông Trump khẳng định, Quốc hội nên bỏ phiếu thông qua đề xuất xây dựng bức tường biên giới và ông chưa vội ban bố tình trạng khẩn cấp.
Trước đó, truyền thông Mỹ đưa tin Nhà Trắng đang chuẩn bị cho việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, cho phép Tổng thống Donald Trump xúc tiến dự án xây dựng bức tường dọc biên giới Mỹ-Mexico. Nhiều khả năng Tổng thống sẽ huy động vốn cho bức tường biên giới từ quỹ hoạt động của Công binh lục quân nước này, cụ thể là số tiền 13,9 tỷ USD.
Việc chính phủ Mỹ đóng cửa trong khoảng thời gian lâu nhất lịch sử đã và đang tác động tiêu cực đến đời sống của người dân Mỹ. Khoảng 800.000 nhân viên liên bang đã bị ảnh hưởng khi phải làm việc mà không được trả lương hoặc bị sa thải. Nhiều công chức đã phải xin nghỉ việc, bán tài sản tích lũy, tìm việc làm thêm để có tiền sinh hoạt.
Trong khi đó, các công viên luôn trong tình trạng ngập rác thải khi không có người quét dọn. Nghiêm trọng nhất là vấn đề an ninh hàng không bị đe dọa khi nhân viên nhiều bộ phận thông báo nghỉ ốm tăng kỷ lục. Ngoài ra, 38 triệu người thuộc Chương trình Hỗ trợ dinh dưỡng bổ sung (SNAP) cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu họ bị cắt đi các nguồn trợ cấp hàng tháng nếu chính phủ Mỹ tiếp tục đóng cửa.
Việc đóng cửa chính phủ còn làm dấy lên nhiều lo ngại trên toàn nước Mỹ về sự gián đoạn các chương trình phúc lợi. Hiệp hội Hỗ trợ phụ nữ, trẻ em và trẻ sơ sinh (WIC), vốn cung cấp lương thực và giáo dục cho các bà mẹ mang thai có thu nhập thấp hay trẻ em nghèo, đã ban thành tuyên bố hối thúc các nhà lập pháp Mỹ sớm chấm dứt tình trạng đóng cửa chính phủ trước khi các cơ quan liên bang cạn kiệt ngân quỹ. Chủ tịch hiệp hội Douglas Greenaway cho biết: “Hơn 7 triệu bà mẹ, phụ nữ mang thai và trẻ em phụ thuộc vào WIC. Việc đóng cửa chính phủ không chỉ gây ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người mà còn dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe”.