Ngày 24/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ hỗ trợ phát động một sáng kiến toàn cầu nhằm chống lại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tuy nhiên, đại diện Mỹ tuyên bố sẽ không tham gia sáng kiến này.
Phát biểu tại cuộc họp của Liên hợp quốc, người phát ngôn WHO Fadela Chaib cho biết Tổng thống Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen sẽ tham gia sáng kiến do Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khởi xướng. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng sẽ tham gia sáng kiến này.
Tuy nhiên, người phát ngôn của Phái đoàn thường trực Mỹ tại Liên hợp quốc khẳng định, Washington sẽ không tham gia sáng kiến nói trên của WHO. Quan chức trên cho biết Mỹ muốn tìm hiểu thêm về sáng kiến này để có thể ủng hộ quá trình hợp tác quốc tế một cách hợp lý.
Trước đó, ngày 23/4, WHO thông báo về kế hoạch khởi xướng một sáng kiến “hợp tác mang tính quyết định” nhằm thúc đẩy việc phát triển các loại thuốc, phương pháp xét nghiệm và vắcxin để phòng ngừa và điều trị bệnh COVID-19. Mục đích sáng kiến này là nhằm phát triển các công nghệ chống COVID-19 mà bất kỳ ai cần đều có thể tiếp cận, trên phạm vi toàn thế giới.
Sáng kiến nói trên của WHO được cho là bao gồm việc dự trữ vắcxin phòng COVID-19 để sử dụng ở các nước nghèo, tương tự như cơ chế dự trữ vắcxin phòng cúm để ứng phó trường hợp xảy ra đại dịch. Trong số các đối tác tài trợ truyền thống chủ chốt của WHO, ngoài 194 thành viên còn có Liên minh vaccine GAVI, Quỹ Bill & Melinda Gates và Quỹ Toàn cầu.
Tổng thống Donald Trump mới đây đã chỉ trích WHO vì đã phản ứng chậm trước sự lây lan của đại dịch COVID-19 và tuyên bố ngừng đóng góp quỹ cho tổ chức này. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định WHO cần phải tiến hành một cuộc cải cách cơ bản sau đại dịch COVID-19. Ông Pompeo cũng đề cập đến khả năng Mỹ có thể sẽ không bao giờ nối lại hoạt động tài trợ cho WHO.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn