Khi Eric Seufert tiến hành chế biến một lô bia thử nghiệm vào năm 2017 bằng nước thải tái chế, ông không quá lo lắng về thành phẩm đạt được.
Trước đó, công ty kỹ thuật xử lý nước đã tìm và đề xuất Seufert cùng họ tham gia dùng thử các mẫu nước tái chế này, đồng thời cũng giải thích cho ông về quy trình lọc nước. Và ông nhanh chóng hiểu ra rằng nó không có gì quá khác biệt so với nước thông thường.
Nước tái chế ngày càng phổ biến
Sau khi thưởng thức lô bia thử nghiệm, chủ sở hữu nhà máy bia 105 West Brewing Co. tại Colorado đã tự hào phục vụ nó tại quầy bar của mình. Theo Seufert, mỗi dòng sông ở đất nước này đều có chứa nước thải đã qua xử lý, vậy nên ông không quá tỏ ra e ngại về nó.
Dù là chế biến bia, thức ăn hay làm nước uống trực tiếp thì việc tận dụng nước thải tái chế có lẽ sẽ sớm trở thành một thông lệ, tương tự như những loại nước suối hay nước lấy từ tuyết.
Trong tuần trước, cơ quan chất lượng nước của Colorado đã phê duyệt sơ bộ thông qua quy trình xử lý nước thải và đưa trực tiếp đến các hộ dân để sử dụng trực tiếp. Theo WateReuse, một hiệp hội quốc gia ủng hộ phương pháp dùng nước thải tái chế, Colorado sẽ sớm trở thành bang đầu tiên thông qua các quy định sử dụng nước tái chế nếu không có gì thay đổi trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 11.
Laura Belanger, kỹ sư tài nguyên nước của tổ chức phi lợi nhuận Western Resource Advocates chia sẻ: “Những quy định rõ ràng sẽ giúp đảm bảo dự án được tiến triển an toàn và những người đề xướng sẽ biết được rằng họ cần phải làm gì”.
Chuyên gia thuộc Hội đồng Bảo tồn nước Colorada, Kevin Reidy tin rằng trong tình huống dân số của bang tăng nhanh và nguồn cung cấp nước trong khu vực cạn kiệt, việc tái chế nước thải là một cơ hội lớn để cải thiện nguồn cung nước. Ngoài ra, đó còn có thể là một phương hướng mới cho Castle Rock, một thành phố phụ thuộc vào nguồn nước ngầm hữu hạn.
“Tôi nghĩ đó là một biện pháp quan trọng mang tính lâu dài vì nó cung cấp những lựa chọn khác để ứng phó với tình trạng khan hiếm nguồn nước sạch trong tương lai, cho dù là vì hạn hán hay bất kỳ lý do nào khác", Mark Marlowe, giám đốc Castle Rock Water khẳng định.
Quy trình xử lý nước thải bao gồm việc khử trùng bằng khí ozone hoặc tia cực tím để loại bỏ virus và vi khuẩn, sau đó tiếp tục lọc qua một lớp màng với các lỗ siêu nhỏ để loại bỏ những vật thể rắn tồn tại trong nước và các chất gây ô nhiễm. Biện pháp này đang thu hút được không ít sự quan tâm khi tình trạng hạn hán kéo dài.
Hội đồng bảo tồn Colorado phát biểu rằng: “Trong khi nhiều bang khác của Hoa Kỳ không có quy định cấm rõ ràng cho việc tái sử dụng nước thải, và việc phát triển hệ thống này trên toàn bang sẽ giúp khuyến khích việc sử dụng trên toàn quốc".
Tuy không có quy định cụ thể của liên bang về việc sử dụng trực tiếp nước thải đã qua xử lý, nhưng các dự án này vẫn phải tuân thủ chặt chẽ những tiêu chuẩn y tế của liên bang về nước uống.
Giống như nhiều thành phố khác thuộc bang Colorado, Castle Rock vẫn đang trong quá trình đánh giá chi phí và mức độ cấp thiết của việc tái sử dụng nước thải. Mặc dù vậy, có lẽ sẽ mất từ 3 đến 5 năm để nguồn nước mới này thực sự được đưa vào sử dụng.
Đây không phải là một khoảng thời gian quá dài để phát triển một nguồn cung cấp nước nếu so sánh với việc xây dựng một hồ chứa trong khoảng 20 đến 30 năm. Việc xử lý nước thải để uống dường như đã trở thành cách thiết thực nhất để đáp ứng sự gia tăng nhanh chóng về dân số của bang.
Ở Aurora, gần như tất cả nguồn nước đều có thể được tái sử dụng. Thành phố này hiện đang tái sử dụng 10% nước, và quá trình lọc được thực hiện tại bờ sông South Platte. Florida, California và Arizona cũng đang nhanh chóng áp dụng các quy định về tái chế nước, đồng thời một số tiểu bang khác cũng đang bắt tay vào thực hiện dự án hoặc ít nhất là lên kế hoạch cho nó.
Denver và Colorado Spring - hai thành phố đông dân nhất của bang - đã tái chế phần lớn nước của họ cho mục đích khác như tưới tiêu công viên. Chính quyền của cả hai thành phố đều mong đợi một ngày nào đó lượng nước tái chế này sẽ được sử dụng cho mục đích uống, tuy nhiên họ cũng lo lắng về khả năng cắt giảm lượng nước bắt buộc.
Greg Fisher, giám đốc kế hoạch tại Denver Water cho hay: “Quá trình xây dựng kéo dài vào năm có thể sẽ gây ra một số vấn đề. Nếu chúng ta chỉ dựa vào nguồn cung cấp nước tái sử dụng, thì khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng sẽ dễ gặp phải rủi ro".
Bên cạnh đó, các dự án tái chế nước có thể sẽ đòi hỏi chi phí bỏ ra khá cao dù đã có sẵn nguồn tài trợ từ liên bang. Cơ quan bảo vệ Môi trường đã cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các dự án nước, bao gồm cả việc tái chế. Thông qua các chương trình tái chế nước của Cục Khai hoang Hoa Kỳ, Dự luật Cơ sở hạ tầng lưỡng đảng sẽ cung cấp khoảng hơn 1 tỷ đô la cho các dự án tái chế nước ngoài liên bang trong vòng 5 năm tới.
Như một phần của chương trình trên, 20 triệu USD đã được cung cấp cho Hội đồng quản lý nước của thành phố El Paso, bang Texas để xây dựng một cơ sở tái sử dụng nước uống trực tiếp. Dự án này dự kiến sẽ tiết kiệm được khối lượng nước đủ để cung cấp cho khoảng 26.000 hộ gia đình mỗi năm.
Mặt khác, không phải tất cả các dự án đều có được sự trợ giúp của liên bang, vì vậy chi phí xử lý nước có thể sẽ rơi vào tay người sử dụng. Tuy nhiên, so với việc tìm thêm một nguồn nước khác có chi phí nguồn cung và lưu trữ lớn, thì việc trả tiền để sử dụng nước tái chế vẫn tiết kiệm hơn nhiều.
Theo Seufert, ông có thể làm nên loại bia ngon tuyệt nhờ nước tái chế, nhưng điều ông lo lắng hơn nằm ở phần giảm chi phí kinh doanh: “Tôi không chắc về việc nguồn nước sẽ được cung cấp với giá thấp, nhưng ít nhất thì tôi tin rằng họ đang cố gắng làm việc đó”.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn