Theo đó, vào ngày 26/2/1994, khoảng 300.000 con chuột Chinchilla (hay còn gọi là sóc chuột Chinchilla) chết đồng loạt ở Tân Cương (Trung Quốc).
Chinchilla không giống như loài chuột thông thường. Sóc chuột Chinchilla (có tên khoa học là Abrrocoma cinereal), thường sống ở nơi có dãy núi Andes chạy dọc qua, tức lãnh thổ Nam Mỹ. Khác với các loài chuột khác, Chinchilla không sống ở những nơi có địa hình ẩm thấp. Thay vào đó, chúng chỉ sống và phát triển ở những nơi có độ cao khoảng 4.000 m so với mực nước biển. Loài vật này thường ra ngoài vào buổi đêm để ăn cỏ và các loại hạt, thảo mộc.
Trên thực tế, sóc chuột Chinchilla chỉ dài từ 15-22 cm và có cân nặng khoảng 300 gram. Dù có cơ thể nhỏ bé nhưng chúng có thể leo được trên các địa hình đất đá nhờ vào những chiếc móng chắc khỏe nằm ở sau phần chân. Bốn chân của chúng cũng không đồng đều về số lượng ngón. Cụ thể, hai chân trước có 4 ngón, còn 2 chân sau lại có 5 ngón. Nhờ hai chân có 5 ngón nên giúp loài vật bé nhỏ này có thể trụ vững hoặc bật nhảy ra trong những tình huống cấp bách.
Sóc chuột Chinchilla rất nhạy cảm và có yêu cầu cao về môi trường sống. Do địa hình ở Tân Cương thoáng đãng, có nhiều đồng cỏ rộng lớn, những ngọn núi cao… nên rất thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của loài vật này.
Trên thực tế, dù được coi là nguồn lây bệnh nhưng loài chuột rất thông minh. Do đó, chỉ số IQ của những con sóc chuột Chinchilla cũng không tầm thường. Chúng có những hành động rất khó đoán.
Một số lượng lớn sóc chuột Chinchilla xuất hiện đã khiến cuộc sống của người dân địa phương ở Tân Cương bị xáo trộn. Khi mọi người đang "vò đầu bứt tai" suy nghĩ cách đối phó với loài vật này thì bất ngờ phát hiện ra một hiện tượng vô cùng kỳ lạ. Đó là khoảng 300.000 con sóc chuột Chinchilla đồng loạt nhảy từ vách núi cao xuống vào năm 1994.
Mặc dù không ưa thích loài vật này nhưng nhiều người dân vẫn còn sợ hãi về hiện tượng bất thường trên. Để tìm ra bí mật về hiện tượng 300.000 con sóc chuột Chinchilla cùng tự sát tập thể, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đã tới Tân Cương để tiến hành điều tra, khảo sát thực địa.
Kết quả, sau một thời gian dài quan sát, tìm hiểu và nghiên cứu, sự thật về việc 300.000 con sóc chuột Chinchilla tự sát hàng loạt ở Tân Cương mới dần được hé mở.
Theo các chuyên gia, việc 300.000 con sóc chuột Chinchilla cùng nhau nhảy từ vách đá xuống không phải là ý định ban đầu của loài vật này, thay vào đó là do áp lực từ bên ngoài. Đó chính là môi trường.
Các vấn đề về môi trường luôn là bài toán nan giải đối với xã hội loài người. Việc bảo vệ môi trường ở Tân Cương cũng gặp nhiều khó khăn vì nơi đây có môi trường sinh thái với khả năng phục hồi kém. Hơn nữa, vào thời điểm đó, người dân địa phương đã phá rừng, phá hủy rất nhiều đồng cỏ và biến chúng thành đất canh tác để trồng trọt.
Trong khi đó, sóc chuột Chinchilla sinh sống ở trong rừng và đồng cỏ. Do đó, khi khu vực sinh sống ngày càng giảm, trong khi số lượng không ngừng tăng lên khiến những con sóc chuột Chinchilla rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan".
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện tượng 300.000 con sóc chuột Chinchilla cùng nhau nhảy khỏi vách đá thực chất không phải là một vụ tự sát tập thể. Đó chỉ là vụ tai nạn. Bởi lẽ có thể mục đích ban đầu của 300.000 con sóc chuột này không phải là nhảy khỏi vách đá để tự sát. Thay vào đó, chúng chỉ muốn tìm được một môi trường sống mới, sau khi nhận ra khu vực sinh sống bị đe dọa.
Sự cố nhảy từ vách đá mà nhiều người dân địa phương chứng kiến ở Tân Cương vào năm 1994 thực ra chỉ là sự mở đầu cho cuộc di cư của loài sóc chuột Chinchilla.
Có lẽ 300.000 con sóc chuột Chinchilla đã đánh giá thấp độ cao của vách đá này và đồng loạt nhảy xuống. Kết cục thật đáng buồn khi chúng không tìm được môi trường sống mới mà còn mất mạng.
Dù kết luận thế nào thì có một thực tế không thể chối cãi được chính là môi trường sinh thái đã bị hủy hoại bởi hành động của con người.
Việc 300.000 con sóc chuột chết hàng loạt là một hồi chuông cảnh tỉnh con người về kết quả của sự thay đổi môi trường. Trái Đất ngày nay là một môi trường sinh thái nơi con người, động vật và thực vật cùng chung sống hài hòa. Nếu như con người muốn phá vỡ sự cân bằng đó bằng cách liên tiếp chặt phá rừng, săn bắt động vật hoang dã, cũng như phát thải khí nhà kính, thì sẽ nhận lại phản ứng dữ dội từ thiên nhiên.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn