Năm 2019, khoảng 48.000 người điều trị HIV/AIDS nhận thuốc ARV từ nguồn quỹ BHYT

10:07 | 07/03/2019;
Ngày mai (8/3), sự kiện “Những bệnh nhân đầu tiên điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV từ Quỹ bảo hiểm y tế” sẽ được ngành Y tế triển khai đồng loạt trên cả nước, nhằm quảng bá việc quỹ BHYT đã chi trả chi phí thuốc ARV cho bệnh nhân điều trị HIV/AIDS.

Ngày 8/3, sự kiện “Những bệnh nhân đầu tiên điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV từ Quỹ bảo hiểm y tế” được tổ chức đồng loạt tại 63 tỉnh/thành trên cả nước, nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của bảo hiểm y tế (BHYT) trong việc điều trị HIV/AIDS; đồng thời, vận động sự ủng hộ của các ban, ngành trong việc đảm bảo cung ứng thuốc ARV từ nguồn BHYT.

Đến nay, 188 cơ sở y tế đã sẵn sàng chi trả khám và điều trị HIV/AIDS bao gồm cả thuốc ARV qua nguồn quỹ BHYT. Bộ Y tế đã chọn 4 địa phương là Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An và TP Hồ Chí Minh để tổ chức sự kiện cấp quốc gia “Những bệnh nhân đầu tiên nhận điều trị ARV từ nguồn bảo hiểm y tế”.

TS Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, cho biết: Hiện nay, có hơn 115 nghìn người nhiễm HIV đang được điều trị ARV và con số này sẽ ngày một tăng. Nguồn viện trợ quốc tế cho hoạt động này đang giảm dần. Do vậy, Chính phủ đã chủ trương sử dụng BHYT là nguồn thay thế và chỉ đạo các địa phương phải đảm bảo 100% người nhiễm có thẻ BHYT.

BHYT có tính chia sẻ và rất nhân văn trong cộng đồng khi người tham gia BHXH đi khám chữa bệnh được BHYT chi trả; nếu không bị ốm đau thì số tiền đó có cơ hội giúp những người khác không may bị bệnh, giảm áp lực chi trả tiền khám chữa bệnh cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người có chi phí điều trị cao.

Còn đối với người có HIV/AIDS thì BHYT càng có ý nghĩa hơn. Theo TS Hoàng Đình Cảnh, người nhiễm HIV phải điều trị bằng thuốc kháng vi rút liên tục, suốt đời. Họ còn hay bị mắc các nhiễm trùng cơ hội hoặc mắc bệnh tật. Chi phí điều trị HIV/AIDS bao gồm thuốc ARV, các xét nghiệm CD4, tải lượng vi rút, các xét nghiệm chức năng gan, thận... sẽ rất tốn kém, tạo ra áp lực tài chính nặng nề với người nghèo, người thu nhập nhập thấp. Nếu tham gia BHYT, người bị nhiễm HIV/AIDS chỉ phải bỏ ra số tiền khám chữa bệnh nhỏ hơn nhiều.

dieu-tri-arv.jpg
Dự kiến khoảng 48.000 người điều trị HIV/AIDS nhận thuốc ARV từ quỹ BHYT năm 2019

 

Thực tế hiện nay, người nhiễm HIV thuộc rất nhiều các đối tượng khác nhau và sẽ tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng đã quy định trong Luật BHYT. Phần đông người nhiễm HIV thuộc nhóm người không được hỗ trợ của nhà nước mà phải tham gia BHYT theo hộ gia đình. Vì vậy, các địa phương cân đối kinh phí hỗ trợ cho những đối tượng thuộc hộ cận nghèo, khó khăn để đảm bảo 100% người nhiễm có thẻ BHYT.

Triển khai chương trình điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV từ Quỹ BHYT, đến nay hơn 90% cơ sở điều trị HIV/AIDS đã kiện toàn để được ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, khoảng 85% cơ sở điều trị đã thanh toán ít nhất một dịch vụ từ nguồn quỹ BHYT.

Theo đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS, năm 2019, năm đầu tiên của chương trình này sẽ triển khai khám chữa bệnh BHYT ở 188 cơ sở. Dự kiến đến hết năm 2019 sẽ có 48.000 bệnh nhân nhận thuốc ARV từ BHYT.

ARV là thuốc ức chế sự phát triển của virus HIV trong cơ thể người bệnh; giúp giảm lây truyền HIV do khi điều trị bằng thuốc ARV số lượng vi rút HIV trong máu của người nhiễm HIV giảm xuống mức thấp. Phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV nếu được điều trị ARV sớm thì có đến 98% trẻ em sinh ra không bị nhiễm HIV.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn