Năm 2023, lãi suất ngân hàng có tiếp tục tăng?

12:56 | 27/12/2022;
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã lí giải về việc vì sao Ngân hàng Nhà nước 2 lần tăng lãi suất điều hành trong năm 2022.

Sáng ngày 27/12, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023. Cuộc họp do ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì.

Tại cuộc họp báo, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã lí giải về việc vì sao Ngân hàng Nhà nước 2 lần tăng lãi suất điều hành trong năm 2022. Theo đó, trong 8 tháng năm 2022, Ngân hàng nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh và áp lực lạm phát trong nước gia tăng.

Tuy nhiên, từ tháng 9/2022, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, đồng USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát, buộc NHNN đã phải điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành, cụ thể, tăng 2 lần với tổng mức tăng 2%/năm và lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng tại tổ chức tín dụng với tổng mức tăng 0,8-2%/năm (vào các ngày 23/9 và 25/10/2022); cùng với đó, tăng 1%/năm lãi suất cho vay tối đa bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên (vào ngày 25/10/2022).

Năm 2023, lãi suất ngân hàng có tiếp tục tăng? - Ảnh 1.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

"Đây là giải pháp kịp thời, phù hợp với xu hướng chung trên toàn thế giới để ưu tiên kiểm soát lạm phát, giữ ổn định thị trường ngoại tệ, tạo dư địa thích ứng mới với các biến động trên thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô đảm bảo an toàn hệ thống" – ông Đào Minh Tú nhận định.

Khi được hỏi về dự kiến tình hình lãi suất năm 2023, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, lãi suất năm 2023 khả năng vẫn duy trì ở mức cao và có thể sang năm 2024 mới giảm được.

Tỷ giá USD từng tăng bất thường

Về thị trường ngoại tệ, theo ông Đào Minh Tú, mặc dù chịu nhiều khó khăn, thách thức, thị trường ngoại tệ cơ bản ổn định, tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt để thích ứng trước diễn biến khó lường và áp lực lớn của thị trường quốc tế. Trong năm 2022, có thời điểm tỷ giá tăng cao nhất thời do tâm lý lên tới 9%. Đến cuối năm, tỷ giá USD/VND tăng khoảng 3,81% so với cuối năm 2021, mức mất giá của VND so với USD thấp hơn các đồng tiền khác trên thế giới. Hoạt động trên thị trường ngoại tệ về cơ bản diễn ra thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được các tổ chức tín dụng đáp ứng, trong đó nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Về điều hành tín dụng chung, bên cạnh việc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng, Ngân hàng nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên (như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao); các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; xây dựng khu công nghiệp; cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân; các dự án bất động sản nhà ở sắp hoàn thành xây dựng và bàn giao, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đảm bảo tính pháp lý, có thanh khoản tốt, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các dự án nhà ở thương mại với giá phù hợp.

Đến ngày 21/12/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021, tăng 13,96% so với cùng kỳ năm 2021. Mức tăng trưởng tín dụng trên còn chưa chạm tới hạn mức (room) tín dụng cũ (14%) và cách xa room tín dụng mới (15,5-16%), trong khi chỉ còn cách năm mới 10 ngày.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn