Chiều 20/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày trước Quốc hội báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2023.
Việc tinh gọn bộ máy còn nhiều bất cập
Về tổ chức bộ máy, các bộ, ngành đã giảm 17 Tổng cục và tương đương; giảm 10 Cục và 144 Vụ/Ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 108 phòng trong Vụ/Ban thuộc bộ, ngành; giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập. Các địa phương giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh; 2.572 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Năm 2023 đã giảm 236 đơn vị sự nghiệp công lập, còn 46.385 đơn vị. Số đối tượng tinh giản biên chế năm 2023 là 7.151 người.
Dù đạt được nhiều kết quả song Chính phủ nhận định, việc cắt giảm thủ tục hành chính có lúc, có nơi còn chậm, chưa kịp thời, quyết liệt; thủ tục hành chính một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Việc sắp xếp, kiện toàn tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn một số bất cập.
Theo Bộ trưởng Tài chính, tổng số kinh phí, vốn nhà Nước năm 2023 tiết kiệm được là 83.000 tỷ đồng. Ước vay, trả nợ Chính phủ bảo lãnh năm 2023 trong hạn mức được duyệt, tổng dư nợ bảo lãnh đến ngày 31/12/2023 ước khoảng 279.719 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,7% GDP - giảm 18.243 tỷ đồng so với năm 2022.
Mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công đã có nhiều chuyển biến, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm. Tài sản công tính đến cuối năm 2023 đạt 2,3 triệu tỷ. Đầu tư công do được cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn nên đã đạt 661.700 tỷ so với kế hoạch tính đến 31/1/2024. Dù vậy, 91/115 bộ, ngành, địa phương vẫn có kết quả giải ngân 13 tháng thấp hơn bình quân cả nước.
Hiện cả nước có 74.890 căn, nhà công vụ với tổng diện tích là hơn 2,7 triệu m2 sàn nhà; việc quản lý vận hành nhà ở công vụ đảm bảo hiệu quả hơn nhưng việc đầu tư xây dựng nhà ở công vụ còn hạn chế.
Trình bày báo cáo thẩm tra của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho hay, Ủy ban này đánh giá công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn chậm. Còn tình trạng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng tại một số địa phương để hoang hóa, lãng phí.
Theo báo cáo, việc xử lý, sắp xếp sử dụng tài sản công ở các đơn vị hành chính sau sáp nhập, nhất là tại các huyện, xã khu vực miền núi cũng lãng phí do thiếu cơ chế, chính sách, pháp luật để xử lý.
Còn trong quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên, chất lượng lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các địa phương chưa cao. Cả nước còn 404 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích hơn 18.300 ha chưa được xử lý.
Cơ quan thẩm tra cũng chỉ rõ tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ dẫn đến trì trệ, kém hiệu quả trong hoạt động điều hành của bộ máy Nhà nước ở một số cơ quan, tổ chức chậm được khắc phục, dù đã có nhiều giải pháp
Về nhiệm vụ năm 2024, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đưa ra 5 nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, có các giải pháp về tăng cường trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương; hoàn thiện quy định pháp luật; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tăng cường công tác thực hành tiết kiệm trên mọi lĩnh vực. Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân để xảy ra lãng phí.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn