Năm 2050: 4,3 triệu đàn ông Việt Nam không có cơ hội kết hôn

17:23 | 26/12/2019;
"Nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn diễn ra thì dự tính đến năm 2050, chúng ta sẽ dư thừa 2,3 triệu và cao nhất là 4,3 triệu đàn ông không có khả năng kết hôn"- thông tin được đưa ra tại Hội nghị cung cấp các thông tin cho các nhà báo, cán bộ truyền thông cấp tỉnh về dân số và phát triển nhân Ngày Dân số Việt Nam.

Hội nghị do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS – KHHGĐ) phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức vào ngày 26/12/2019. Tại đây, bà Đỗ Thị Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền Thông - Giáo dục (Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình) cho biết, hiện nay mức sinh giữa các vùng có chênh lệch khá lớn, tạo nguy cơ tăng khoảng cách phát triển giữa các vùng và khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân cư.

Dân số Việt Nam: Đối mặt với nhiều thách thức - Ảnh 1.

ThS. Đỗ Thị Hồng – Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục (Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình)

Xu thế mức sinh giảm xuống quá thấp đã xuất hiện ở nhiều khu vực. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt, tuổi thọ trung bình đạt 73,6 tuổi, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người, tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm, tầm vóc, thể lực người Việt Nam được cải thiện.

Dân số Việt Nam: Đối mặt với nhiều thách thức - Ảnh 3.

Giảm khoảng cách giàu nghèo bằng chính sách sinh con hợp lý

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tân - Nguyên Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS – KHHGĐ cho rằng, việc mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh và rất nghiêm trọng tại Việt Nam.

Hiện nay, việc mất cân bằng giới tính khi sinh muộn hơn so với nhiều nước vào năm 2006 với tỷ số là 109 bé trai/100 bé gái. Mặc dù xuất hiện muộn, nhưng tình trạng này tại Việt Nam tăng rất nhanh, đến năm 2013 đã có 113 bé trai/bé gái và đến 2018 có 114,5 bé trai/100 bé gái. Vừa qua, tỷ lệ này giảm xuống 111/100, nhưng vẫn là mức cao. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra thì dự tính đến năm 2050, chúng ta sẽ dư thừa 2,3 triệu và cao nhất là 4,3 triệu đàn ông không có cơ hội kết hôn”.

“Hiện, dân số Việt Nam gần 98 triệu dân, nước ta đang đứng thứ 3 Đông Nam Á và đứng thứ 15 trên thế giới trong bảng xếp hạng dân số. Công tác dân số ở nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khi mức sinh chênh lệch giữa các địa phương; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng lan rộng; tốc độ già hóa dân số nhanh; thực trạng mang thai, phá thai ở tuổi vị thành niên cao...”.

Ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực

Hội Nhà báo Việt Nam

Để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, ông Tân cho rằng, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền vận động làm thay đổi giá trị về bình đẳng giới, phải làm thay đổi giá trị văn hóa có tính cổ truyền là coi trọng con trai, đàn ông và giao cho đàn ông nhiệm vụ hương khói mà không giao cho phụ nữ... Bên cạnh đó cần ngăn việc nhập khẩu công nghệ chỉ nhằm mục tiêu xác định giới tính thai nhi, để tránh việc phát hiện sớm giới tính thai ngay ở những tuần đầu của thai kì khiến cho tình trạng bỏ thai nhi gái, chọn giới tính nam ngày càng lớn.

Giải pháp lâu dài ông Tân cho rằng, xã hội cần phải cần nâng cao vị thế của phụ nữ trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, làm giá trị bình đẳng giới ngày càng cao.

Hiện nay, có hai vùng chiếm tới 40% dân số là vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long giảm sinh trên diện rộng. Năm 2009 chỉ có 5 tỉnh tại khu vực này giảm sinh thì hiện nay đã lan rộng ra 21 tỉnh, thành phố. Đông Nam Bộ hiện có tỷ lệ 1,63 con và TP.HCM là 1,45 con. Trong khi đó, khu vực khó khăn như miền núi và trung du phía bắc có 2,69 con, Lai Châu 3,11 con.

Bên cạnh đó, chênh lệch mức sinh giữa các khu vực, các nhóm đối tượng đang ngày càng lớn. Nhóm nghèo nhất hiện có mức sinh 4,2 con. Các tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội thì mức sinh thấp hơn so với những địa bàn còn khó khăn. Điều này làm kéo thêm khoảng cách về giàu nghèo giữa các nhóm đối tượng và các địa phương.

8 mục tiêu chiến lược dân số đến năm 2030

Mục tiêu 1: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tuợng

+ Duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người;

+ Giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế;

+ Mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại, phòng tránh vô sinh và hỗ trợ sinh sản;

+ Giảm 2/3 số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn.

8 mục tiêu chiến lược dân số đến năm 2030 - Ảnh 1.

Duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con)

Mục tiêu 2: Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc thiểu số có dưới 10 nghìn người, đặc biệt là những dân tộc thiểu số rất ít người có nguy cơ suy giảm giống nòi

+ Duy trì tỉ lệ tăng dân số của các dân tộc thiểu số dưới 10 nghìn người cao hơn mức bình quân chung cả nước;

+ Cơ bản ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số;

+ Bảo đảm tốc độ tăng các chỉ tiêu phản ánh chất lượng dân số của các dân tộc thiểu số dưới 10 nghìn người cao hơn mức tăng bình quân chung cả nước.

Mục tiêu 3: Đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, phấn đấu duy trì cơ cấu tuổi ở mức hợp lý

+ Tỉ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống;

+ Tỉ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt khoảng 22%, tỉ lệ người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên đạt khoảng 11%, tỉ lệ phụ thuộc chung đạt khoảng 49%.

Mục tiêu 4: Nâng cao chất lượng dân số

+ Tỉ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%;

+ Giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống;

+ 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất;

+ 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất;

+ Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm;

+ Chiều cao người Việt Nam 18 tuổi đối với nam đạt 168,5 cm, nữ đạt 157,5 cm;

+ Chỉ số Phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á;

Mục tiêu 5: Thúc đẩy phân bố dân số hợp lý và bảo đảm quốc phòng, an ninh

+ Thúc đẩy đô thị hóa, đưa tỉ lệ dân số đô thị đạt trên 45%;

+ Tiếp tục thực hiện bố trí, sắp xếp dân cư hợp lý ở vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn;

+ Bảo đảm người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản.

Mục tiêu 6: Hoàn thành xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đẩy mạnh lồng ghép các yếu tố dân số vào xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

+ 100% dân số được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thống nhất, dùng chung trên quy mô toàn quốc;

+ 100% ngành, lĩnh vực và địa phương sử dụng dữ liệu chuyên ngành dân số vào xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Mục tiêu 7: Phát huy tối đa lợi thế cơ cấu dân số vàng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước nhanh, bền vững

+ Tiếp tục thực hiện tốt, hướng đến đạt mục tiêu cao hơn các chiến lược về giáo dục, đào tạo, lao động, việc làm, xuất khẩu lao động, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài... hiện có; nghiên cứu xây dựng các chiến lược, chương trình về những lĩnh vực nêu trên cho giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu tăng tối đa số lượng việc làm, nâng cao tỉ lệ lao động được đào tạo, cải thiện chất lượng việc làm;

+ Tiếp tục thực hiện tốt, hướng đến đạt mục tiêu cao hơn các chiến lược, chương trình về chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả chăm sóc sức khỏe sinh sản, an toàn vệ sinh lao động, an toàn thực phẩm...) hiện có; nghiên cứu xây dựng các chiến lược, chương trình về những lĩnh vực nêu trên cho giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu đảm bảo mọi người lao động đều được chăm sóc sức khỏe và có sức khỏe tốt.

Mục tiêu 8: Thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

+ ít nhất 50% số xã, phường đạt tiêu chí môi trường thân thiện với người cao tuổi;

+ Khoảng 70% người cao tuổi trực tiếp sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, giảm nghèo có nhu cầu hỗ trợ được hướng dẫn về sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phương tiện sản xuất, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, vay vốn phát triển sản xuất. + 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, khám, chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn