Để phát triển Du lịch trên địa bàn huyện Nam Đàn một cách bền vững và thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế, huyện Nam Đàn phối hợp mở các lớp ngoại ngữ cộng đồng cho các gia đình làm dịch vụ, nhất là tại các điểm di tích, điểm du lịch và người dân tham gia học tập, từ đó nâng cao kiến thức, trình độ ngoại ngữ để có thể giao tiếp với du khách nước ngoài. Xây dựng các bến thuyền Vua Mai - Thị trấn Nam Đàn (di tích gắn với nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu) nhằm phát triển du lịch du thuyền trên sông gắn với bảo tồn dân ca ví dặm… tất cả những nội dung này đều gắn với xây dựng NTM - ông Vương Hồng Thái, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Nam Đàn chia sẻ.
- Xin ông cho biết đến thời điểm này việc thực hiện NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ở Nam Đàn như thế nào?
Tính đến tháng 10/2023, Nam Đàn có 9/18 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó, có 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu gồm: Kim Liên, Nam Giang, Nam Cát, Nam Anh, Nam Nghĩa. Nam Đàn đã tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cấp huyện, xã; bảo tồn, trùng tu các di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng; phát triển phong trào văn hóa cơ sở đặc biệt là các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, xây dựng nếp sống văn hoá; xây dựng một số mô hình xã NTM kiểu mẫu về văn hóa gắn với du lịch; các công trình hạ tầng kết nối du lịch; giáo dục nâng cao dân trí, giáo dục hệ giá trị, chuẩn mực đạo đức lối sống, đến nay có 35/42 nội dung đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu về "Văn hóa gắn với du lịch".
Thời gian tới, các xã trong huyện sẽ tập trung rà soát các tiêu chí, nội dung, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng để triển khai thực hiện có hiệu quả; bên cạnh đó, chú trọng vào 5 nhóm tiêu chí (giao thông; kinh tế; môi trường, nước sạch; chất lượng môi trường sống và chỉnh trang khu dân cư, xây dựng cơ quan, xóm, khối sáng - xanh - sạch - đẹp...). Phấn đấu để huyện Nam Đàn về đích NTM nâng cao vào cuối năm 2024 và đạt chuẩn NTM kiểu mẫu vào năm 2025.
- Thế mạnh của Nam Đàn trong việc xây dựng NTM theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch là gì, thưa ông?
Nam Đàn là huyện có bề dày truyền thống văn hóa và cách mạng, được xem là vùng đất "trùng lai danh thắng địa, cổ lai đa hào kiệt". Trên không gian địa lý 291,19 km² của huyện có 173 di tích danh thắng, trong đó có 4 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 13 di tích cấp tỉnh, cùng với nhiều hệ thống đình, đền, chùa độc đáo, kết hợp với các cảnh quan thiên nhiên đẹp dọc theo dãy núi Đại Huệ, Thiên Nhẫn hùng vĩ và dòng Sông Lam trong xanh, êm đềm.
Năm 2023, UBND huyện thành lập 5 CLB dân ca Ví Giặm: Hương Sen, CLB dân ca Ví giặm xã Nam Nghĩa, Nam Thái, Nam Lĩnh, Nam Giang. Tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng các CLB Dân ca ví, dặm đã có tại Thị trấn, Nam Cát, Khánh Sơn, Xuân Hòa, Nam Thanh, Nam Hưng, Thượng Tân Lộc, Nam Anh, Nam Kim, CLB hát ví phường vải tại xã Kim Liên để phục vụ khách du lịch khi có nhu cầu. Đưa nội dung dạy hát Dân ca ví dặm vào trường học. Tổ chức các hội thi văn hóa, văn nghệ, Câu lạc bộ Dân ca ví, dặm; tổ chức tốt các hoạt động thể dục, thể thao, kêu gọi đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia...
Nam Đàn còn là nơi khởi nguồn của làn điệu dân ca Ví, Dặm. Hàng năm trên địa bàn huyện Nam Đàn diễn ra nhiều hoạt động lễ hội thu hút đông đảo du khách như Lễ hội Đền Vua Mai, Lễ hội Làng Sen, Lễ khai bút đầu xuân ở Chùa Đại Tuệ… Bởi thế phát triển văn hóa gắn với du lịch là định hướng trọng tâm để phát triển Nam Đàn theo Quyết định số 17/QĐ-TTg ngày 04/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về "Xây dựng huyện Nam Đàn thành huyện Nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch" và định hướng phát triển du lịch của tỉnh Nghệ An.
Bên cạnh đó, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai thực hiện có hiệu quả, các chủ thể OCOP từng bước hoàn thiện sản phẩm, nâng cao quy mô sản xuất và khả năng đáp ứng thị trường. Nam Đàn là một trong những huyện có nhiều sản phẩm OCOP nhất của tỉnh Nghệ An với 69 sản phẩm. Trong đó chú trọng những sản phẩm có lợi thế, đặc trưng của địa phương, phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách như: Chanh Nam Kim, Sen Quê Bác, Giò me Nam Nghĩa, Tinh bột sắn dây, Hồng Nam Anh, Tương Nam Đàn, và các sản phẩm truyền thống dân gian khác.
Ngoài ra, Nam Đàn là địa chỉ của những ẩm thực nổi tiếng chất lượng, đảm bảo ATTP, ngon, sạch, giá cả hợp lý như Me Nam Nghĩa, Dê Cầu Đòn, gà Nam Thái, cá mòi, hến Sông Lam...
- Ông vừa đề cập đến việc xây dựng một số mô hình xã NTM kiểu mẫu về văn hóa gắn với du lịch, cụ thể như thế nào, thưa ông?
Thông qua các kênh tuyên truyền trên mạng xã hội (Zalo, Facebook...) như: Fanpage của Huyện đoàn Nam Đàn, Fanpage của Hội LHPN, trang Du lịch Nam Đàn - Nghệ An... thu hút hàng ngàn lượt người truy cập góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh Nam Đàn đến với du khách trong và ngoài nước.
Hiện tại, Nam Đàn đang tích cực tập trung cao để hoàn thiện hệ thống hạ tầng nông thôn, hạ tầng kết nối du lịch, đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng xóm "Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp", chỉnh trang đô thị, nông thôn; xây dựng vườn chuẩn, vườn mẫu nông thôn mới để tạo cảnh quan nông thôn sạch đẹp, có không gian xanh phù hợp, thu hút khách du lịch.
Bước đầu đã hình thành được một số mô hình du lịch cộng đồng, trải nghiệm nông thôn như: mô hình vườn sinh thái trải nghiệm Eo Gió tại Nam Giang; Trang trại hoa gắn du lịch trải nghiệm tại Kim Liên; Mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm tại xã Nam Nghĩa; Mô hình du lịch vườn đồi Thung Pheo xã Nam Anh; Mô hình sinh thái trải nghiệm tại xã Nam Cát, mô hình homestay tại Kim Liên... Năm 2023, mô hình vườn thực nghiệm sinh thái Eo Gió tại xã Nam Giang được công nhận là điểm du lịch. Đến nay trên địa bàn có 4 điểm du lịch được công nhận: Khu di tích Kim Liên, khu lưu niệm cụ Phan Bội Châu, Chùa Đại Tuệ và vườn thực nghiệm sinh thái Eo Gió tại xã Nam Giang.
Phối hợp Sở Du lịch tỉnh Nghệ An triển khai cuộc thi ảnh online "Hello Nam Đàn", đây là dịp để quảng bá hình ảnh con người, văn hóa, du lịch Nam Đàn đến với du khách trong và ngoài nước, đồng thời qua đó đã lưu trữ các hình ảnh đẹp của mảnh đất, con người Nam Đàn nhằm tuyên truyền, quảng bá du lịch của huyện.
Bên cạnh đó, ngoài việc giải phóng mặt bằng, đầu tư dự án xây dựng bãi đậu xe và khu dịch vụ du lịch Khu di tích Kim Liên tại xã Kim Liên. Một số công trình tại Khu di tích Kim Liên được đầu tư xây dựng, chỉnh trang, tạo cảnh quan khang trang, sạch đẹp, hấp dẫn du khách. Lắp đặt màn hình Led để quảng bá du lịch tại Kim Liên.
Đặc biệt tại khu di tích Kim Liên, khu mộ bà Hoàng Thị Loan đã được đầu tư công nghệ ảo VR 360 độ và công nghệ AR thực tế ảo tăng cường, du khách có thể sử dụng màn hình có sẵn để tham quan, trải nghiệm phần mộ của bà Hoàng Thị Loan, các di tích trong quần thể Khu di tích Kim Liên và có thể tham quan, trải nghiệm phần mộ ông phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ Chủ tịch Hồ chí Minh).
- Xin ông cho biết những khó khăn mà huyện Nam Đàn gặp phải trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu?
Phong trào xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ở một số xã trên địa bàn huyện chưa mạnh, chưa quyết liệt trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Tính quyết liệt ở một số xã đăng ký hoàn thành năm 2023 chưa thật cao, trong chỉ đạo thực hiện còn biểu hiện lúng túng, thiếu kiểm tra, đôn đốc nên kết quả hạn chế đặc biệt là một số công trình xây dựng cơ bản đã xác định nhưng triển khai chậm, công tác chỉnh trang, làm sạch, làm đẹp chưa quan tâm đúng mức, nhiều khu dân cư chưa đẹp. Chưa có nhiều mô hình điển hình, mô hình đẹp trong xây dựng NTM kiểu mẫu, đô thị văn minh. Tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng Đô thị văn minh còn chậm.
Huyện Nam Đàn phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu về "văn hóa gắn với du lịch"- Ảnh: TL
Ngoài ra, sau dịch COVID-19 và ảnh hưởng của suy thoái kinh tế dẫn đến nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất không đạt theo kế hoạch nên việc huy động nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM gặp nhiều khó khăn. Nam Đàn có thế mạnh về du lịch, tuy nhiên vì là huyện khá gần với thành phố Vinh nên trên địa bàn huyện chưa có các doanh nghiệp đầu tư nhà hàng, khách sạn lớn, do đó thời gian khách lưu trú lại Nam Đàn không dài.
- Ông đánh giá như thế nào về vai trò của phụ nữ trong việc góp phần xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ở Nam Đàn?
Có thể khẳng định, phụ nữ có đóng góp lớn trong việc xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; góp phần phát triển kinh tế địa phương khi nhiều chủ HTX, doanh nghiệp, làm các sản phẩm OCOP trên toàn huyện là nữ. Nhiều hoạt động của phụ nữ có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, góp phần nâng hưởng thụ của người dân nói chung, phụ nữ nói riêng.
- Xin cảm ơn ông!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn