Nắm đất được coi là đắt đỏ nhất trên thế giới chính là bụi sao Hỏa. Bởi theo các chuyên gia, chỉ với một nắm bụi sao Hỏa cũng có thể được bán đấu giá tới 9 tỷ USD. Đây có thể được coi là hạt bụi đắt nhất dải Ngân Hà.
Bụi sao Hỏa có giá trị vô cùng lớn vì sẽ phải mất tới một thập kỷ, hàng tỷ USD và ba sứ mệnh không gian để đưa chúng tới Trái Đất.
Cụ thể, vào ngày 30/7/2020, một tên lửa Atlas V sử dụng một lần đã được phóng từ bề mặt Trái Đất tới sao Hỏa. Chi phí cho một lần phóng tên lửa mất khoảng 109 triệu USD. Hơn nữa, tên lửa có mang theo tàu thăm dò Perseverance và trực thăng không người lái Ingenuity. Chuyến bay này kéo dài khoảng 7 tháng.
Đến ngày 18/2/2021, tên lửa Atlas V cuối cùng đã đến đích. Theo đó, module hạ cánh có mang theo tàu thăm dò và chiếc trực thăng nhỏ đã đi vào bầu khí quyển của sao Hỏa. Theo các chuyên gia, tổ hợp này di chuyển với tốc độ nhanh hơn cả âm thanh và chúng được bảo vệ bởi một tấm chắn nhiệt nhằm giữ cho các robot có giá trị lớn bên trong không bị cháy do nhiệt độ cao.
Sau khi hạ cánh thành công xuống bề mặt sao Hỏa, tàu Perseverance bắt đầu quá trình thu thập mẫu, đồng thời chính thức thực hiện sứ mệnh đem về những hạt bụi đắt nhất mà con người từng biết đến trong lịch sử về Trái đất.
Trên thực tế, giai đoạn này đã bắt đầu được tiến hành từ lâu trên Trái Đất. Tàu Perseverance mang theo 43 ống titan. Mỗi ống này có thể giữ được một mẫu đất có kích thước bằng ngón tay út.
Đặc biệt, trong khi chuẩn bị các ống này trong phòng thí nghiệm ở Trái Đất, các nhà khoa học đã thổi một ít không khí qua các ống và sau đó ngâm chúng trong bồn chứa đầy axeton cùng các hóa chất khác. Việc này nhằm đảm bảo không còn vi khuẩn nào còn sót lại ở bên trong. Các ống này sau đó được đặt vào trong lò nung nóng tới 300 độ F trong 29 giờ.
Khi tàu Perseverance thu thập mẫu trong các ống này, chúng có thể được lưu trữ ở đó trong ít nhất 10 năm. Trong khi đó, các mẫu đất Mặt Trăng đựng trong hộp kín chỉ có thể bảo quản được trong 10 ngày. Các nhà khoa học hy vọng có thể tìm thấy được dấu vết của sinh vật sống trong các mẫu đất này.
Ngoài ra, một mục tiêu khác của tàu Perseverance là tiến hành thử nghiệm công nghệ có thể tạo ra oxy ngay trên sao Hỏa. Để làm được điều này, MOXIE, viết tắt của Thí nghiệm sử dụng tài nguyên oxy tại chỗ trên sao Hỏa.
Đây là một công cụ nhỏ trên Perseverance, tàu thám hiểm sao Hỏa của NASA. MOXIE là công cụ do Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) phụ trách và được thiết kế nhằm biến đổi CO2, loại khí chiếm khoảng 96% khí quyển sao Hỏa, thành oxy cho con người hít thở. Việc này cực kỳ quan trọng đối với sứ mệnh đưa người lên sao Hỏa.
Nếu công nghệ này thành công sẽ được nhân rộng gấp 200 lần. Bằng cách này, các nhà khoa học sẽ tạo ra đủ oxy cho các phi hành gia thở và đủ nhiên liệu cho tên lửa được phóng quay trở lại Trái Đất.
Chính vì vậy, tàu thám hiểm của NASA trị giá 2,7 tỷ USD (bao gồm cả chi phí thiết kế, xây dựng và bảo trì) sẽ thu thập các mẫu đất, đá cho đến năm 2023. Tuy nhiên, con tàu này sẽ để lại các ống kín chứa mẫu ngay trên bề mặt sao Hỏa.
Gần một thập kỷ sau, chúng sẽ được thu thập. Đến khi lấy mẫu, NASA sẽ cần thêm một tàu tự hành khác. Đương nhiên, với một sứ mệnh mới sẽ cần tốn vài tỷ USD để phát triển. Sau đó, con tàu sẽ cần mất tới 7 tháng để tới được sao Hỏa, đồng thời có cuộc đổ bộ phức tạp khác.
Toàn bộ sứ mệnh thu thập mẫu dự kiến sẽ kéo dài khoảng 5 năm. Các mẫu mới sau khi được thu thập và mang về Trái Đất sẽ sẵn sàng được nghiên cứu và con người cuối cùng sẽ tìm ra liệu có sự sống trên sao Hỏa hay không?
Hơn nữa, việc nghiên cứu các mẫu đất, đá trên sao Hỏa có thể giúp các nhà khoa học tìm ra hoặc giải mã hàng loạt bí ẩn liên quan đến hành tinh này. Đây cũng là lý do vì sao những mẫu hạt bụi trên sao Hỏa lại có giá lên tới 9 tỷ USD.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn